HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH NUÔI CÁ THÁT LÁT CƯỜM
LỒNG BÈ TRÊN HỒ THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN
Quảng Nam là một tỉnh nông nghiệp phát triển mạnh, bên cạnh còn có rất nhiều hồ chứa nước để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Theo thống kê sơ bộ toàn tỉnh có 73 hồ chứa với tổng lượng nước trên 500 triệu m3 và phân bổ trên 12 huyện , trong đó có 18 hồ chứa lớn và 55 hồ chứa nhỏ. Để tận dụng mặt nước các hồ chứa nhỏ phát triển kinh tế, trong những năm gần đây Trung tâm Khuyến nông có triển khai nhiều mô hình nuôi cá bằng lồng trên cá hồ thủy lợi, thủy điện đã mang lại hiệu quả rất cao. Nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt trên các hồ chứa, tạo ra nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn, phát triển nuôi cá nước ngọt theo hướng bền vững. Năm 2018 Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với địa phương triển khai mô hình nuôi cá Thát lát cườm lồng bè trên hồ thủy lợi, thủy điện. Với quy mô 250 m3 lồng cho 15.000 con cá giống và được thực hiện bởi 4 chủ hộ nuôi thuộc các thôn xã Đại Chánh - huyện Đại Lộc. Đây là đối tượng nuôi mới và là lần đầu tiên được đưa vào nuôi bằng lồng trên các hồ chứa nước thủy lợi ở địa bàn tỉnh ta.
Sau thời gian 8 tháng nuôi, đến nay cá phát triển rất tốt đạt mọi tiêu chí kỹ thuật về trọng lượng, độ dài và thời gian nuôi. Theo đánh giá của mô hình đến thời điểm này cá đạt trọng lường trung bình 500-600g/con và tỷ lệ sống đạt trên 60% thì tổng sản lượng thu được trên 4 tấn cá thương phẩm. Với loại cá cỡ này giá bán trên thị trường hiện nay là 100.000đ/kg thì sau khi trừ mọi chi phí, chủ hộ lãi ròng khoảng 30 triệu đồng/1 lồng nuôi. Đây là chỉ tính đến thời điểm hiện tại, nếu nuôi thêm thời gian nữa cỡ cá thương phẩm đạt 0,7-1kg/con thì giá trị sản phẩm sẽ cao hơn nhiều và hiệu quả kinh tế sẽ cao gấp bội.
Theo ý kiến của ông Võ Anh Quốc là người trực tiếp theo dõi nuôi cho biết: Cá Thát lát cườm này là đối tượng nuôi mới, phát triển tương đối chậm nhưng ít bệnh tật, giá bán cao và được thị trường rất ưa chuộng. Đồng thời thông qua mô hình này đã tạo cho người nuôi có thêm nhiều lựa chọn đối tượng nuôi bằng lồng trên sông và hồ chứa
Ông Nguyễn Văn Quang - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc cho biết: Từ trước đến nay người nuôi cá lồng trên hồ chứa Khe Tân chỉ nuôi các đối tượng truyền thống như Diêu hồng, Trê, Tra,... nhưng bây giờ đưa đối tượng cá Thát Lát Cườm vào nuôi là bước đi mới nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi. Đồng thời tạo cho người nuôi và thị trường tiêu thụ có thêm nhiều sản phẩm giá trị cao để lựa chọn.
Trong những năm đến, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai mô hình này cho nhiều địa phương trên toàn tỉnh nhằm cho bà con tiếp cận kỹ thuật và đa dạng hóa về nuôi thủy sản nước ngọt miền núi tỉnh nhà.