Hiên trạng cơ cấu tàu thuyền, nghề khai thác thủy sản và cảng cá
Tính đến cuối tháng 5 năm 2024, số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 3.200 chiếc (tàu cá đã được đăng ký là 2116 chiếc, tàu chưa đăng ký là 1084 chiếc), trong đó: (i)Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 -<12 m: 1.836 chiếc (993 chiếc chưa đăng ký);(ii) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12-<15m: 722 chiếc (91 chiếc chưa đăng ký);(iii)Tàu cá chiều dài từ 15-<24m: 602 chiếc;(iv)Tàu cá chiều dài từ 24m trở lên: 40 chiếc. Về sản lượng khai thác thủy sản: Tổng sản lượng khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 29,4 nghìn tấn (+0,5%; +150 tấn) so với cùng kỳ 2023.
Cơ cấu nghề thủy sản, gồm có: Nghề lưới kéo có 149 chiếc; Nghề lưới vây có 305 chiếc; Nghề lưới rê có 771 chiếc; Nghề câu (trừ nghề câu cá ngừ đại dương) có 479 chiếc; Nghề chụp có 75 chiếc; Nghề lồng bẫy có 81 chiếc; Nghề hậu cần đánh bắt NLTS có 59 chiếc và nghề khác có 197 chiếc.
Toàn tỉnh có 02 cảng cá loại II và 03 bến cá. Cảng cá Tam Quang: Năng lực bốc dỡ hàng hóa: 16.000 tấn/năm. Các dịch vụ nghề cá của cảng cá: Xăng dầu, nước ngọt, đá lạnh, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ, kho bảo quản lạnh và các dịch vụ thiết yếu khác. Cảng cá An Hòa: Từ ngày 01/01/2024, cảng cá An Hòa đã thay đổi chức năng khác, đang tiến hành bàn giao và đưa ra khỏi danh sách cảng cá chỉ định (Quyết định số 2548/QĐ-BTC ngày 17/11/2023 của Bộ Tài chính về việc điều chuyển tài sản công). Quảng Nam hiện chỉ còn 01 cảng cá Tam Quang là cảng chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Bến cá: Do địa phương quản lý, gồm: Bến cá Tam Phú (Tam Kỳ), bến cá Thanh Hà (Hội An), bến cá Cù Lao Chàm (Hội An).
Tàu khai thác của ngư dân huyện Núi Thành
Những điểm mạnh và hạn chế trong quá trình thực hiện và quản lý
Điểm mạnh:(1)Được tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, các Sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác chống khai thác IUU theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.(2)Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật được các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện rộng rãi trong cộng đồng ngư dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và duy trì thường xuyên.(3)Công tác quản lý địa bàn, theo dõi, nắm tình hình trong ngư dân kịp thời; công tác điều tra, xác minh thông tin đối tượng vi phạm vùng biển nước ngoài được tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định.(4) Công tác thực hiện quy định lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP được triển khai khá tốt, tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá đạt trên 99,1%.(5)Không có tàu vi phạm khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài năm 2023 và 05 tháng đầu năm 2024.
Tồn tại, hạn chế: Việc giám sát sản lượng hải sản khai thác qua cảng còn thấp so với tổng sản lượng hải sản khai thác trên toàn tỉnh do cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bốc dỡ thủy sản khai thác trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đảm bảo (phía Bắc của tỉnh chưa có cảng cá chỉ định). Tình trạng mất kết nối tín hiệu giám sát hành trình trên biển đối với các tàu làm nghề câu mực khơi vẫn còn tiếp tục diễn ra. Từ ngày 15/4/2024 đến nay, sự cố gián đoạn dịch vụ Quản lý tàu thuyền VNPT-VSS hoạt động dưới vùng phủ sóng của vệ tinh Thuraya T3 do công ty Thuraya cung cấp bị sự cố lỗi bất khả kháng dẫn đến dịch vụ giám sát tàu cá không hoạt động được. Với sự cố này làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khai thác thủy sản cho các chủ tàu cá sử dụng dịch vụ VMS của VNPT. Còn 1.084 tàu cá chưa đăng ký (tàu 3 không); 860 tàu cá chưa được cấp phép (06 tàu cá hoạt động vùng khơi, 854 tàu cá hoạt động vùng lộng, ven bờ)./.