Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tre ngọt lấy măng (Phần 1)
Người đăng: Phan Đăng Danh .Ngày đăng: 05/07/2022 15:48 .Lượt xem: 1576 lượt.
Tre ngọt có nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng đáng kể nhất là giá trị kinh tế từ khai thác măng, cây trồng sớm cho thu hoạch và cho thu nhập thường xuyên tương đối cao, là cây trồng tạo sinh kế cho bà con làm nghề rừng.... Ngoài lấy măng, tre ngọt còn có tác dụng phòng hộ giữ đất giữ nước tốt, do người dân chỉ khai thác chọn nên duy trì được độ che phủ của rừng.
Hình 1: Bụi tre ngọt sau 3 năm trồng và chăm sóc cho thu hoach măng

Tre ngọt được phát hiện từ cuối thế kỷ 19, cây có thể đạt chiều cao 20-25m, đường kính 20-25 cm. Đây là giống tre mới vốn được thuần hóa từ tự nhiên được đưa vào trồng lấy măng trong những năm gần đây. Nhìn bề ngoài gần giống tre mạnh tông, nhưng năng suất của tre ngọt cao hơn hẳn. Một điểm lợi nữa khi trồng tre ngọt là chúng cho thu hoạch măng sớm hơn đa số các loại tre măng khác, măng tre ngọt không phải sơ chế bằng cách luộc qua nước, nó sử dụng sống. So với trồng cây ăn quả, trồng tre ngọt mất ít công chăm sóc, thích hợp với những vùng đất ở các huyện trung du và miền núi (đất thoải bên bờ sông suối, ven triền đồi), và có thể sinh trưởng tại những vùng đất ít màu mỡ.

Sau khi trồng 1-2 năm tre đã cho măng, từ năm thứ 3 năng suất măng đi vào ổn định, thời gian cho măng trong năm kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 10. Một chồi (búp) măng có thể nặng tới 5-7 kg. Giá măng tươi trên thị trường từ 20.000-25.000 đồng/kg. Ước tính thu nhập bình quân hơn 80.000.000 đồng/ha/năm.

I. Điều kiện đất đai trồng tre ngọt lấy măng

I.1. Chọn đất trồng:

Tre trồng lấy măng thích hợp với vùng khí hậu nóng và ẩm, có lượng mưa lớn và có lượng ánh sáng dồi dào, nơi có độ cao dưới 500m so với mặt nước biển. Đất trồng không yêu cầu loại đất tốt lắm, song loại đất phải có tầng dày, tơi xốp, nhiều mùn, đất ẩm nhưng thoát nước.

Tốt nhất là các loại đất phù sa ven sông suối, đất trên nương rẫy còn tính chất đất rừng, không nên trồng tre ở các loại đất ngập úng dài ngày, đất quá bí chặt, đất bị đá ong hóa, tầng đất mỏng và đất cát khô rời rạc.

Trường hợp nơi đất nghèo xấu, nhiều sỏi đá cần áp dụng biện pháp cải tạo đất như đào hố to, rộng, bón nhiều phân hữu cơ, che phủ đất bằng rơm rạ, tưới nước và trồng xen cây họ đậu. 

Nhìn chung, tre lấy măng yêu cầu độ ẩm của đất tương đối cao. Đất đủ ẩm, cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi, nhất là trong mùa ra măng, nếu thời tiết khô hạn, đất khô, măng tre sẽ bị nhỏ và ít.

II. Kỹ thuật trồng cây tre ngọt lấy măng

II.1. Thời vụ trồng rừng

1.1. Đối với cây giống hom cành chiết:

Thời vụ trồng rừng tre lấy măng là từ 15 tháng 9 đến ngày 31 tháng 12 Dương lịch.

1.2. Đối với cây giống hom củ, hom gốc:

Trồng trong vụ xuân, từ tháng 01 đến tháng 3 Dương lịch.

II.2. Mật độ trồng

Tùy từng điều kiện đất đai và khả năng đầu tư mà chọn mật độ trồng. Thông thường có 3 loại mật độ trồng đạt hiệu quả nhất, đó là:

- Mật độ: 400 cây/ha: 5m  x  5m

- Mật độ: 320 cây/ha: 6m  x  5m

- Mật độ: 270 cây/ha: 6m  x  6m

Ngoài ra, trong hai năm đầu, có thể trồng xen cây màu, cây lương thực, tạo nên hệ thống sản xuất nông - lâm kết hợp, có tác dụng bảo vệ đất, lấy ngắn nuôi dài bảo đảm sức sản xuất ổn định và phòng chống cháy rừng.

II.3. Tiêu chuẩn cây giống

II.3.1. Đối với hom cành

Cây giống đã được nuôi dưỡng trong vườn ươm không dưới 4 tháng, có cành lá tươi tốt, không sâu bệnh và có bộ rễ thứ cấp hoàn chỉnh (rễ chuyển sang màu nâu vàng và bao phủ kín trên 50% bề mặt ruột bầu).

Hình 02: Giống hom cành cây tre măng ngọt đạt tiêu chuẩn xuất vườn đem trồng

II.3.2. Đối với hom gốc

Hom gốc bao gồm một phần thân khí sinh (thân tre) có 3 lóng dài 80-100cm, có đường kính từ 6cm trở lên, mang một thân ngầm 8-10 tháng tuổi được cắt tách từ cây mẹ đem ươm.

II.4. Xử lý thực bì

- Nơi có địa hình tương đối bằng phẳng (độ dốc ≤ 10 độ) xử lý thực bì bằng phương pháp phát dọn toàn diện.

- Nơi có địa hình dốc ( >10 độ) thì xử lý thực bì bằng phương pháp phát đốt theo băng, băng chặt có thể trồng được 4-5 hàng cây; băng chừa lại không phát thực bì, rộng từ 2-3m (nhằm giữ đất giảm xói mòn); đào hố trên băng chặt theo đường đồng mức, hố trên các hàng gần nhau bố trí theo hình nanh sấu. Khi cây trồng đã khép tán có thể tiếp tục trồng thêm cây trên băng chừa lại.

II.5. Chuẩn bị hố trồng

Thực hiện trước khi trồng cây ít nhất là 20 - 25 ngày để tạo môi trường tốt cho cây mới trồng sinh trưởng và phát triển. Chuẩn bị hố trồng cây gồm các bước:

- Hố được đào thủ công hoặc được khoan bằng máy theo quy cách 60 x 60 x 60cm. Khi đào hố lớp đất mặt để riêng một bên, lớp đất đáy để riêng một bên.

- Lấp hố và bón lót phân thực hiện sau khi đào hố và phơi đất được 5 - 7 ngày. Thao tác: Trước hết dùng cuốc vạc đất ở thành hố xuống để tạo miệng hố có hình tròn, đập nhỏ đất, nhặt sạch rễ cây, đá lẫn và cỏ dại, rồi vun lấp đầy 1/2 hố; cho bón lót 15 - 20kg phân chuồng hoai (có ủ với vôi bột) 0,2kg phân NPK/hố và tiếp tục vun đất vào hố, đảo trộn đều với phân cho tới khi đầy miệng hố thành hình mâm xôi.

II.6. Kỹ thuật trồng

II.6.1. Trồng cây giống hom cành chiết:

Dùng cuốc khơi 1 lỗ to hơn bầu cây ở giữa hố, đặt bầu cây giống vào lỗ (trước khi đặt vào lỗ, bầu đất được nhúng no nước) rạch bỏ túi bầu, rồi điều chỉnh cho mặt bầu đất thấp hơn miệng hố từ 5 - 10 cm và thân cành chiết thẳng đứng hoặc để thân cành chiết nghiêng so với mặt đất một góc 450. Sau đó vun đất nhỏ mịn, lấp kín bằng mặt bầu và ém chặt xung quanh cho cây vững chắc; cuối cùng, vun tiếp đất cho đầy miệng hố và tưới đẫm nước (lượng nước tưới từ 3 - 5 lít/gốc), phủ rơm rạ, cỏ khô vào xung quanh gốc để giữ ẩm và phòng trừ cỏ dại cho cây.

Lưu ý: Trước khi trồng phải rạch bỏ túi bó bầu và tránh không làm vỡ bầu đất

II.6.2. Trồng cây giống hom gốc:

Trồng bằng gốc là kiểu trồng cổ điển và phổ biến trong nhân dân, thường chỉ trồng trong phạm vi gia đình, quanh nhà.

Trước khi trồng hom giống phải được ngâm nước trong thời gian ít nhất là 1-2 giờ để cây giống tươi trở lại (thời gian ngâm phụ thuộc vào trạng thái của gốc giống mà quyết định cho phù hợp).

Trong khi trồng: dùng cuốc moi 1 lỗ lớn hơn hom gốc ở giữa hố, đặt gốc giống vào lỗ, rồi điều chỉnh sao cho mặt gốc măng thấp hơn miệng hố từ 5 - 10 cm và thân gốc thẳng đứng hoặc nằm nghiêng so với mặt đất một góc 450, tránh để phân NPK tiếp xúc trực tiếp với hom gốc. Sau đó vun đất nhỏ mịn, lấp kín bằng mặt củ măng và ém chặt đất xung quanh cho cây vững chắc; cuối cùng vun tiếp đất cho đầy miệng hố, tưới đẫm nước vào gốc và đổ nước đầy vào lóng trên cùng của hom giống (lượng nước tưới từ 3 - 5 lít/gốc) ủ rơm rạ, cỏ khô vào xung quanh gốc để giữ ẩm và phòng trừ cỏ dại cho cây.

Hình 3: Trồng và chăm sóc cây tre ngọt đúng kỹ thuật cho thu hoạch măng đạt trọng lượng 10kg

(Còn nữa)

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Hội thảo: Chuyển đổi số trong Nông nghiệp–Cơ hội–Thách thức–Giải pháp
Triển khai tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ phân bón, vật tư chăm sóc các mô hình trồng trọt (năm 2022)
Triển khai mô hình nuôi cá Thát lát cườm lồng bè trên hồ thuỷ điện A Vương - xã Mà Cooih, huyện Đông Giang
Diễn đàn tăng cường áp dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VÀ TƯ DUY NỀN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG VÀ YÊU CẦU THÍCH ỨNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
GÓC NHÌN: Từ việc xây dựng Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
VÙNG NÚI QUẢNG NAM VÀ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU CỦA NGHỊ QUYẾT 12-NQ/TU NGÀY 20/7/2021 CỦA TỈNH ỦY
Đại hội Công đoàn cơ sở Sở Nông nghiệp và PTNT nhiệm kỳ 2023 - 2028
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG: Tính tất yếu và yêu cầu thực tiễn
    
1   2   3  
    
Các tin cũ hơn:
Quy hoạch sử dụng đất đến 2020 của Quảng Nam, Quảng Ngãi
Chương trình Hợp tác Quảng Nam - Sê Kông (Lào)
Bài thuốc chữa Áp huyết cao
KHUYẾN NÔNG QUẢNG NAM – 20 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
NFA mời Việt Nam đấu thầu 200.000 tấn gạo bổ sung
4 cách làm chậm lão hóa não
Những rau quả giúp bảo vệ gan
Cách chọn cua, ghẹ biển
Sử dụng thuốc tím trong xử lý nước
Cây bưởi trụ trên đất Tam Trà
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    






Liên kết Web

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006130768

    Lượt trong ngày 536
    Hôm qua: 2559
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 47
    Tổng số 6130768