Khu vực triển khai Mô hình nuôi cá lăng nha lồng bè tại hồ Khe Tân - Đại Chánh, Đại Lộc
Trong thời gian qua, với định hướng phát triển chung của ngành, nuôi cá lồng bè trên sông và các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện ở các địa phương phát triển khá mạnh về quy mô và hình thức, nhằm tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện do bị mất đất sản xuất, từng bước giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng dân cư và làm thay đổi bộ mặt ở vùng nông thôn.
Các đối tượng nuôi lồng chính hiện nay chủ yếu tập trung ở các đối tượng cá truyền thống như cá diêu hồng, cá rô phi, cá trắm cỏ, cá trê lai, cá tra... có giá trị kinh tế không cao và nuôi có lãi thấp, thị trường tiêu thụ còn khó khăn chưa ổn định; một vài đối tượng cá có giá trị kinh tế khác như cá leo, cá lăng, cá thát lát cườm, cá chình… được đưa vào nuôi nhưng không đáng kể, năng suất vẫn còn thấp, quy mô nhỏ lẻ, thiếu bền vững chưa tương xứng với tiềm năng diện tích mặt nước của địa phương.
Nhằm từng bước phát triển nuôi cá lồng bè theo hướng đa dạng hóa đối tượng, chuyển đổi các đối tượng mới, có giá trị kinh tế cao, thủy đặc sản như cá Thát lát cườm, cá lăng nha... để tạo ra nguồn sản phẩm đa dạng, có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, nâng cao năng suất và giá trị. Giai đoạn 2019 - 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam chủ trì dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”.
Năm 2019, dự án triển khai tại 4 tỉnh, đối với Quảng Nam thực hiện mô hình nuôi cá lăng nha, qui mô 200 m3 , tại 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Gia Lai và Đắk Lắk thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm, qui mô 200 m3/tỉnh. Các mô hình đã được thả giống cá nuôi từ ngày 12/6 - 28/6/2019.
Giống cá Lăng Nha thả nuôi trong mô hình thuộc Dự án
Trong thời gian đến, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với các tỉnh, các đơn vị tiếp tục triển khai các nội dung còn lại của dự án theo kế hoạch. Tiếp tục chỉ đạo, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện tốt các mô hình, tích cực đầu tư thức ăn tự chế biến phù hợp với các giai đoạn phát triển của cá, chăm sóc, quản lý, phòng bệnh cho các đối tượng nuôi lồng bè.
Hy vọng dự án thực hiện hoàn thành và đạt hiệu quả kinh tế tối đa, tăng năng suất, sản lượng và tăng thu nhập cho các hộ nuôi, bà con nông dân; và góp phần phát triển sâu, rộng nghề nuôi cá lồng bè trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.