KHỞI NGHIỆP,
NHÌN TỪ VĂN HÓA XỨ QUẢNG
Khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yêu cầu và đòi hỏi của sự phát triển. Không phải bây giờ, mà từ trong lịch sử, dù bất cứ ở đâu, khởi nghiệp là yếu tố quyết định. Nhìn từ truyền thống văn hóa xứ Quảng, các bậc tiền nhân đã luôn tìm tòi và khát vọng sáng tạo nên những hình thức - mà theo cách gọi ngày nay là khởi nghiệp và những giá trị khởi nghiệp - làm rạng danh vùng đất mở.
Trong dân gian Quảng Nam, thuật ngữ hiện đại “khởi nghiệp” tất nhiên là không có, nhưng tinh thần ấy hiện hữu rất nhiều, nhất là trong ca dao dân ca, tục ngữ nói về nghề nghiệp, buôn bán,…Tôi rất ấn tượng câu tục ngữ xứ Quảng:
Có chịu khó mới có mà sang
Không dưng ai dễ đem bà hoàng lại cho2
Câu tục ngữ ấy toát lên niềm đam mê, và cả sáng tạo. Vạn sự khởi đầu nan, không dễ dàng chút nào để thành công. Triết lý chịu khó để sang của người Quảng có tính phổ quát, hay nói đúng hơn, người Quảng ý thức được sự thành công là cả một hành trình. Nó rất gần với câu nói nổi tiếng của vận động viên thể hình vĩ đại thế giới, gốc người Áo A Schwarzenegger: “Thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp”. Tựu trung lại, có đam mê, chịu khó và đó là nguồn gốc của sáng tạo để thành công.
Quảng Nam - vùng đất mở, canh tân
Quảng Nam theo nghĩa rộng là “Đất mở rộng về phương Nam, vâng mệnh Vua để tuyên dương đức hóa”, rồi trở thành vùng đất rộng lớn “tiếp giáp Ai Lao ở phía Tây, biển lớn ở phía Đông, Hóa Châu ở phía Bắc và Chiêm Thành ở phía Nam; núi Ải Vân làm giới hạn ở phía Bắc, núi Thạch Bi làm địa giới ở phía Nam, núi sông vây bọc, cương vực rõ ràng. Xứ này quả là một Trấn lớn ở phương Nam vậy”.[1] Năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập Quảng Nam thừa tuyên. Danh xưng Quảng Nam bắt đầu từ đó.
Tiềm năng để Quảng Nam phát triển, có cả núi rừng, đồng bằng, sông nước, biển đảo,…phong phú và đa dạng. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết “Phía Đông có biển bao vòng, phía Tây có núi che chở,…ải sông hiểm trở, lao đảo xây quanh, đồng nội rộng bằng, dân cư đông đúc,….cửa biển Đại Chiêm thuyền bè sum họp, chợ phố Hội An hàng hóa nhóm đầy, thực là nơi đô hội,…”. Xưa, không ít nhà buôn phương Tây khi đến Hội An họ đều ghi lại là đến “nước Quảng Nam” (không phải tỉnh). Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có viết: “Tại xứ Quảng Nam, các thứ thổ sản như trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, bông gòn, sáp ong, cau tươi, hồ tiêu…, các thứ gỗ đều sản xuất ở đây cả”.
Nếu tính từ khi có danh xưng Quảng Nam đến nay, lịch sử vùng đất này đã trải qua gần 550 năm, với nhiều lần thay đổi địa giới khác nhau, giá trị vùng đất mở, canh tân là giá trị nổi bật. Hay, nói đúng hơn là giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Quảng. Xin được nhìn nhận vài nét về vị trí xứ Quảng:
- Là vùng đất phên dậu, cửa ngõ để các bậc tiền nhân “mang gươm đi mở nước”, làm nên hình hài sông núi Việt Nam như ngày nay. Vai trò, vị trí Dinh trấn Thanh Chiêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) có ý nghĩa quyết định. Năm Nhâm Dần (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng khi xem thế núi, hình sông nơi này, đã thốt lên: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”.
Và, cùng chính trong hơn hai trăm năm, trải qua 9 đời chúa Nguyễn, Hội An được xây dựng thành một đô thị cửa biển quan trọng vào bậc nhất của xứ Đàng Trong thời bấy giờ, nổi danh Cảng thị Hội An/ Đại Chiêm Hải Khẩu. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Hội An là Khu Kinh tế mở đầu tiên ở nước ta - ở đó, có cả những cơ chế quản lý đặc thù, những hình thức kinh tế mới, những hợp tác kinh tế, văn hóa với quốc tế diễn ra mạnh mẽ,…Ngày nay, chúng ta đúc kết: Hội An là minh chứng cho tư duy mở rộng kinh tế đối ngoại đa quốc gia, với chính sách thu hút, ưu đãi có sức hút mãnh liệt các thương nhân nước ngoài…
Nếu nói rộng ra theo nghĩa lịch sử - văn hóa, không lệ thuộc vào ranh giới hành chính hiện nay, xứ Quảng (gồm Quảng Nam - Đà Nẵng), là đất Tả trực kỳ, tức là đất thuộc Kinh kỳ ở phía trái Kinh đô. Quảng Nam giữ phần phía Nam của đèo Hải Vân để bảo vệ Kinh kỳ, có Đà Nẵng Hải Khẩu (Cưả Hàn) - nơi cửa ngõ tàu bè ra Bắc vào Nam và ra thế giới của Kinh đô Huế. Cũng có thể xem Đà Nẵng là cái yết hầu của Kinh đô Huế, nên các vua Nguyễn rất quan tâm.
- Từ vai trò lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm và sứ mệnh hội nhập kinh tế quốc tế của Hội An như là sự kết duyên để tại vùng đất này nảy sinh, phát triển nên một giá trị vô cùng to lớn của văn hóa Việt Nam, đó là: Chữ Quốc ngữ, bởi giáo sĩ Francisco De Pina (người Bồ Đào Nha) - Cha bề trên ở cư sở Thanh Chiêm, là người thạo tiếng Việt nhất trong số các giáo sĩ phương Tây có mặt ở Quảng Nam và Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII (năm 1617).
Là người đến Thanh Chiêm - xứ Đàng Trong vào năm 1624, chính Giáo sĩ Alexandre de Rhodes sau này đã “tự thú” trong Lời nói đầu của Từ điển Việt - Bồ - La xuất bản năm 1651, rằng: “Tuy nhiên, trong công việc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt 20 năm thời gian tôi lưu trú tại Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì ngay từ đầu, tôi đã học với Cha De Pina, người Bồ Đào Nha thuộc Hội đồng Giê-su rất nhỏ bé của chúng tôi là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó mà không dùng thông ngôn….” [2]
- Từ Hội An xưa đến hình thành Khu Kinh tế mở Chu Lai là chặng đường dài hàng thế kỷ, nhưng đó là sự tiếp tối của tư duy canh tân, tư duy mở. Từ ý tưởng ngày nào đến sự phát triển như bây giờ, Khu Kinh tế mở Chu Lai có bóng dáng của những kinh nghiệm Hội An xưa của các bậc tiền nhân.
TS. Vũ Ngọc Hoàng khi làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vào tháng 6 năm 2000, đã xác định: “Tìm hiểu về Hội An xưa với tính chất là Khu kinh tế mở dưới thời Nguyễn (chúa Nguyễn) sẽ có những gí trị và ý nghĩa….xây dựng Khu Kinh tế mở (Chu Lai) hôm nay” . Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bấy giờ cho rằng, đó là “nhiệm vụ rất lớn và cũng rất khó”. Quảng Nam phát triển như hôm nay xuất phát từ ý tưởng những năm đầu mới tái lập tỉnh. Và, lịch sử sẽ còn đánh giá về Chu Lai.
Tinh thần khởi nghiệp của người xứ Quảng xưa
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể khẳng định, mà nói theo ngôn ngữ khởi nghiệp, trong lịch sử xứ Quảng đã có START-UP HỘI AN, START-UP CHU LAI để làm nên START-UP XỨ QUẢNG, với các hình thức:
- Nghề buôn nguồn là nét độc đáo, rất sáng tạo của người dân xứ Quảng. Ngày xưa, người dân vùng biển tổ chức thành từng nhóm vài người gánh vác lương thực, thực phẩm, nhất là thủy hải sản ở biển ngược lên miền Tây để bán cho nhân dân vùng trung du, miền núi. Và, ngược lại, họ mua đặc sản ở miền Tây xứ Quảng về xuôi buôn bán (tiêu, quế, mật ong,…). Câu ca xứ Quảng mô tả hình ảnh sinh động:
Nhón chân kêu bớ nậu nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên
Hay:
Nhón chân kêu bớ họ nguồn
Chồng tôi ai giữ, đi buôn không về.
Trong lịch sử, xứ Quảng có các ngõ nguồn nổi tiếng. Địa chí Quảng Nam khoảng cuối thế kỷ XIX, có đoạn về 6 ngõ nguồn buôn bán:
Hữu Bàng sát núi Trà My
Chiên Đàn thì lại ở về phía trong
Thu Bồn một dãi cong vòng
Ô Gia thì ở bên dòng sông Con
Lỗ Đông sát núi Cao Sơn
Cu Đề thì ở gần hòn Hải Vân
Suốt hơn hai trăm năm, các đời chúa Nguyễn xây dựng Dinh trấn Thanh Chiêm và phát triển Thương cảng Hội An, sông Thu Bồn và sông Trường Giang trở thành con đường tiêu quế, tập trung tại Thương cảng Hội An để buôn bán ra nước ngoài. Sản vật Quảng Nam thì muôn ngàn, thứ gì cũng có.
- Thời nhà Nguyễn, Thượng thư Phạm Phú Thứ là nhà canh tân. Khi làm Phó sứ trong Phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp, về nước, ông tiếp thu nhiều tiến bộ và có viết các sách: Bác vật tân biên (sách nói về khoa học), Khai môi yếu pháp (phương pháp khai mỏ), Hàng hải kim châm (cách đi biển),... Tương truyền, kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi...) là kiểu xe nước trâu kéo ở Ai Cập vào các thế kỷ trước do ông vẽ kiểu mang về áp dụng vào thời ấy. Ông là người đỗ đạc, học cao và nhanh chóng tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật thời ấy. Việc đem cái xe nước ở nước ngoài về áp dụng, gia tăng giá trị và mang lại hiệu quả to lớn trong sản xuất nông nghiệp thời bấy giờ như vậy, nói theo ngôn ngữ ngày nay là tinh thần khởi nghiệp rất đột phá, sáng tạo, mạnh mẽ và quyết liệt.
- Thời cận - hiện đại, trong bộ ba huyền thoại xứ Quảng (Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp) với tân học trong phong trào Duy Tân ở Quảng Nam.
Từ những thập kỷ cuối thế kỷ XIX đến những thập kỷ đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam trở thành xã hội “thuộc địa nửa phong kiến”, nền giáo dục theo Nho học đã lỗi thời “vạn dân nô lệ cường quyền hạ - bát cổ văn chương túy mộng trung” (Phan Châu Trinh), nhân dân nô lệ dưới ách thống trị của người Pháp và Nam triều, văn chương bát cổ vẫn làm say sưa bao nhiêu sĩ tử trong giấc mộng thân danh, việc chọn con đường “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để cứu nước của các Cụ là một lựa chọn mang tính cách mạng và “còn có ý nghĩa thực tiễn cho đến tận ngày nay” (Hoàng Xuân Hãn). Đầu thế kỷ XX, quả thật Quảng Nam đã là trung tâm của một cuộc cải cách giáo dục – theo nhiều nhà nghiên cứu – khác với Đông Kinh Nghĩa Thục thiên về giới tinh hoa (élite), phong trào Duy Tân thiên về quảng đại quần chúng… Phong trào “thực học” này đã tạo nên một kiểu con người mới của một văn hóa mới trên đất Quảng, mà tên tuổi nhân sĩ đất Quảng tiêu biểu có thể kể là: Phan Tây Hồ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Phan Thành Tài, Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, Châu Thượng Văn, Mai Dị, Lê Đình Dương…[3]
Trong những năm 1906-1907, Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng thân hào, bằng hữu chung vốn thành lập “Thương cục Hội An”, cùng lập trường tân học, nông hội vườn trồng quế... đồng thời vận dụng lối ăn mặc mới, cắt tóc ngắn... thực hiện chủ thuyết tam dân. Nhà thực hành Duy Tân xuất sắc - Anh hùng thảo dã (Nguyễn Viết Xuân) Lê Cơ, anh em cô cậu với Phan Châu Trinh, được Huỳnh Thúc Kháng đánh giá “khí phách và đảm lực của ông không kém Phan Châu Trinh chút nào” là rất sinh động. Ông có công lớn trong giáo dục, truyền bá chữ Quốc ngữ. Trường Phú Lâm trở thành trường tân học đầu tiên của phong trào Duy Tân và cũng là trường đầu tiên ở Quảng Nam và cả nước dạy nữ học sinh. Ngoài việc thành lập trường Phú Lâm, Lê Cơ tham gia cùng với các nhân sĩ Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh vận động thành lập Trường Dục Thanh năm 1907 (trường tân học ở Phan Thiết) và Công ty Liên Thành vào năm 1906[4] nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân ở xứ Quảng. Trường Dục Thanh - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh kính yêu dạy khi trên đường vào Nam đi tìm đường cứu nước[5].
Chỉ điểm ra vài nét (có dịp, nghiên cứu trong bài viết khác), cũng thấy trong văn hóa xứ Quảng, tinh thần dân thân khởi nghiệp có một tâm thế vững vàng. Điều đó có ý nghĩa to lớn và là cội nguồn sức mạnh, lan tỏa để phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo ngày nay tại Quảng Nam phát triển mạnh.
PHẠM NGỌC SINH
Phó giám đốc Sở KHCN- Tổ trưởng Tổ hỗ trợ
Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội - 2010;
2. Thân thế và sự nghiệp Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2012;
3. Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học - Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam - 2016;
4. Văn học dân gian Quảng Nam, Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Nam - 2001;
5. Phạm Ngọc Sinh (Chủ biên), Góp phần tìm hiểu văn hóa xứ Quảng, Tạp chí Khoa học & Sáng tạo - năm 2009.
[1] Dẫn theo “Quảng Nam-Xưa và Nay” do UBND tỉnh Quảng Nam và Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2000.
[2] Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ - Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam - Viện Ngôn ngữ học - 2006, tr.69 - 70
[3] UBND thị xã Điện Bàn, Mai Dị (1884 - 1928) - http://dienban.gov.vn/Default.aspx?tabid=107&NewsViews=4317&language=en-US&mid=1087&SkinSrc=%5BG%5DSkins%2F_default%2FNo+Skin&ContainerSrc=%5BG%5DContainers%2F_default%2FNo+Container
[4] Theo Tôn Thất Hướng, Lê Cơ - nhà thực hành duy tân xuất sắc, http://donghuongtienphuoc.com/que-huong/l%C3%AA-c%C6%A1-nh%C3%A0-th%E1%BB%B1c-h%C3%A0nh-duy-t%C3%A2n-xu%E1%BA%A5t-s%E1%BA%AFc
[5] Theo bà Ngô Thị Mùi, một người nhiều năm nghiên cứu quá trình Bác dạy học ở Dục Thanh xác định: “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành có mặt ở Dục Thanh vào khoảng thời gian từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911”. Tháng 2/1911, cụ Trương Gia Mô đưa Nguyễn Tất Thành lên xe lửa vào Sài Gòn và gửi nghỉ tạm tại nhà ông Lê Văn Đạt. Ý kiến này được nhiều nhà khoa học đồng tình