I. Nguồn giống
Chọn cây giống trong rừng tự nhiên là những cây song mật có ngọn cây vợt khỏi tán rừng, lá cây xanh mượt, không sâu bệnh, cây trưởng thành (lớn hơn 10 tuổi) thể hiện ở bẹ lá của phần gốc đã khô để lộ thân màu xanh.
Ở rừng trồng, chọn cây 8 tuổi, sinh trưởng tốt, tán lá xanh, thân mập. Các cây mẹ này sẽ cho số lượng quả nhiều, kích thước hạt lớn, tỷ lệ nảy mầm cao.
* Thu hái quả
Từ giữa tháng 10 đến tháng 11 dương lịch, khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng nhạt, thịt quả mọng nước, có vị chua, hạt từ màu trắng sang màu nâu đen, vỏ hạt trở nên rất cứng là có thể thu hái được.
* Bảo quản hạt
Chùm quả mang về ủ thêm 2-3 ngày cho chín đều.
Sau khi ủ bứt rời từng quả, ngâm nước lạnh trong 24 giờ, mang xát và đãi sạch vỏ, thịt quả. Loại bỏ hạt non màu trắng, hạt lép nhỏ, hong khô hạt trong bóng râm.
Hạt thu hái về gieo ngay là tốt nhất, tỷ lệ nẩy mầm cao. Nếu chưa gieo ngay được phải bảo quản trong cát ẩm 20-22%. Trộn hạt song và cát ẩm theo tỷ lệ 1kg hạt với 3kg cát. Hàng tuần kiểm tra đảo hạt và tới thêm nước cho đủ độ ẩm.
II. Tạo cây con
* Chuẩn bị đất gieo
Đất gieo hạt tốt nhất là đất pha cát, ở vùng núi chọn nơi đất bằng, gần suối, ẩm nhưng không bị ngập úng khi có mưa lũ.
Cũng có thể gieo hạt trong các vườn ươm. Đất vườn ươm được làm sạch cỏ, làm tơi xốp rồi đánh thành luống rộng 0,8-1m, chiều dài tùy theo kích thước của vườn. Làm gờ luống và san mặt luống phẳng. Có thể bón lót phân chuồng hoai, đập nhỏ trộn đều vào đất lúc cày bừa chuẩn bị đất gieo. Đất gieo bón lót 3-4kg/1m2. Mặt luống xử lý bằng thuốc diệt nấm trước khi gieo.
* Xử lý hạt
Hạt song mật có lớp vỏ rất cứng, để tăng tỷ lệ nẩy mầm và rút ngắn thời gian nẩy mầm cần xử lý hạt trước khi gieo.
Từ kết quả thực nghiệm và qua thực tế sản xuất có 2 cách xử lý hạt song mật như sau:
- Xử lý bằng nước ấm 2 sôi 3 lạnh (nhiệt độ 40-45oC) sau đó ngâm tiếp 12 giờ, rửa sạch chua rồi gieo lên xuống hoặc ủ trong cát ẩm đến khi mầm dài 1cm thì đem gieo.
- Xử lý bằng axit sunfuric (nồng độ 3-5%) trong 5 phút. Sau đó vớt ra rửa sạch rồi đem gieo.
Hạt gieo 30-40 ngày bắt đầu nẩy mầm. Thời gian nảy mầm có thể kéo dài 1-2 tháng.
* Gieo hạt
Khi gieo, hạt được rải đều trên mặt luống. Lượng hạt gieo bình quân 2kg/m2. Dùng vật phẳng ấn đều trên mặt luống để hạt lún đều xuống đất. Phủ kín hạt bằng một lớp đất bột dày 1cm, sau đó che kín bằng một lớp rạ kín để giữ độ ẩm và tránh mưa làm trôi hạt.
* Làm giàn che
Khi thấy trên mặt luống xuất hiện những chồi nhọn như kim, thì phải rỡ lớp phủ ra và làm giàn che. Giàn che có tác dụng hạn chế ánh sáng trực xạ, tránh mưa làm xói đất, chống sương muối cho cây mạ.
Trong trường hợp gieo song mật dưới tán cây có độ che nắng 50% thì không cần phải làm giàn che.
Giàn che có thể làm bằng phên nứa, thân cây nhỏ hoặc cỏ tranh. Giàn có độ che 75%, chiều cao giàn 40-50cm trên mặt luống. Chiều rộng giàn che rộng hơn mặt luống 20cm.
* Chăm sóc cây mạ
Mỗi ngày tới nước 1 lần, khi lá đầu tiên xòe hết có thể tới phân: 10 ngày một lần tưới phân đạm nồng độ 0,05%. Trước khi cấy cây 1 tháng, ngừng tưới phân.
* Cấy cây mạ:
Có hai phương pháp cấy cây:
- Cấy trên luống
Cây mầm cao 5cm, thùy lá mở hết mới đánh cây mạ cấy trên luống. Làm đất và đánh luống giống như gieo hạt. Trước khi đánh cây mạ tới đẫm nước, tránh làm đứt rễ. Khoảng cách cấy cây là 10x10cm, trên 1m2 mặt luống cấy được 100 cây mạ. Cấy xong, ấn chặt đất, sau đó lấp đất phủ kín hạt để cây con chóng bám rễ.
- Cấy cây trong bầu
Cây mầm xuất hiện lá đầu tiên màu xanh, hình kim dài 2-3cm, có thể cấy vào bầu được.
Bầu làm bằng nhựa polyetylen dạng túi có đục lỗ hay ống, kích thước bầu rộng 6-10cm, dài 12cm.
Đất ruột bầu được trộn theo các công thức sau:
- 89kg đất pha cát (8 phần đất + 2 phần cát sông), trộn đều với 10kg phân chuồng hoai và 1kg phân lân.
- 85% lớp đất mặt trong rừng trộn đều với 10% cát và 5% phân lân và đạm.
- 90% lớp đất mặt trong rừng với 8% đất bùn phơi khô đập nhỏ và 2% phân lân và đạm.
Bầu đóng xong xếp sát nhau tạo thành luống rộng 0,8-1m, chiều dài tùy kích thước vườn ươm. Dùng đất bột lấp kín các kẽ hở và đắp bờ quanh luống.
Khi cấy cây mầm vào bầu xong lấp đất bột kín hạt và cách mặt bầu 1cm.
Chú ý khi cấy cây phải tránh ngày có gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ xuống thấp dễ làm chết cây mạ.
* Chăm sóc cây con
Tưới nước đều mỗi ngày một lần cho đến khi cây con bén rễ, sau đó có thể tới phân đạm hay nước giải loãng. 10 ngày tưới phân một lần, trước khi trồng 2 tháng ngừng tưới phân.
Sau khi cấy cây phải làm giàn che cho cây con, tỷ lệ che sáng tốt nhất từ 50-70%, chiều cao giàn 0,5m.
* Vận chuyển cây con đi trồng
Cây song mật 15 tháng tuổi, chiều cao cây con 25-30cm, có 3-4 lá có thể đưa đi trồng được.
Cây ươm trên luống, khi đem đi trồng đánh bầu nhỏ, kích thước bầu mỗi chiều 5cm. Cũng có thể trồng song mật bằng rễ trần trong điều kiện cự ly gần và vào mùa xuân.
III. Trồng song mật
* Chọn đất trồng
Những địa điểm có các điều kiện sau đây có thể được lựa chọn để trồng song mật:
- Độ cao so với mặt biển từ 200 - 1200m.
- Rừng thứ sinh đã qua khai thác và không có kế hoạch khai thác trong 10 năm tới.
- Rừng nứa lá to hoặc rừng vầu kể cả rừng vầu trồng.
- Đất sau nương rẫy, chưa bị xói mòn mạnh và gần khe suối cũng có thể trồng song mật được, nhưng phải trồng cây gỗ để che bóng và làm giá thể trước khi trồng song.
* Chuẩn bị đất trồng
Chuẩn bị đất trồng song trong mùa khô: phát dây leo, bụi rậm và dọn sạch theo băng rộng 2m, mỗi băng cách nhau 6-10m. Đào hố trồng cũng trong thời điểm này, cự ly hố cách nhau 4m hoặc 7m trên băng.
Kích thước hố đào 30x30x30cm.
* Trồng cây
Mùa trồng tốt nhất là mùa xuân hay đầu mùa mưa. Mỗi hố đào trồng 2 cây. Khi trồng chú ý các điểm sau:
- Tránh làm tổn tương đến bộ rễ khi vận chuyển cây con đi trồng nhất là áp dụng biện pháp trồng cây rễ trần.
- Không làm vỡ bầu khi đánh bầu đất, xé túi bầu bằng chất dẻo trước khi trồng.
- Nén chặt đất và lấp đất ngang cổ rễ để song bén rễ và dễ đẻ nhánh.
- Khi trồng cây dưới tán rừng không nên đào hố sâu, vì lá khô rụng xuống nhiều dễ che lấp và làm chết cây con.
* Chăm sóc cây trồng
Chăm sóc cây trồng trong 2 năm đầu. Mỗi năm phát luống làm cỏ 2-3 lần và vun xới xung quanh gốc cây để kích thích sự sinh trưởng của cây trồng. Sau 2 năm chăm sóc cây sẽ có khả năng tự sinh sống với điều kiện độ ẩm và chất lượng dinh dưỡng trong đất.
Những năm tiếp sau, dần dần mở tán rừng để cây song có khả năng vơn lên trên tầng tán rừng.
Trồng song dưới tán rừng phải thường xuyên kiểm tra 2 tháng một lần đề phòng lá cây rụng xuống phủ kín và làm chết cây con. Khi cây còn nhỏ để phòng trâu bò và châu chấu ăn lá song non.
IV. Kỹ thuật khai thác Song mật:
Để làm cơ sở cho việc khai thác Song mật đảm bảo hiệu quả, đúng quy trình kỹ thuật không làm ảnh hưởng đến quy cách, chất lượng sản phẩm và khả năng tái sinh của rừng; tối thiểu hóa chi phí nhân công, tối đa hóa thời gian lao động. Chúng tôi xin đề cấp đến kỹ thuật khai thác rừng trồng cây song.
1. Thiết kế lô, thời điểm khai thác:
Thiết kế lô khai thác là một trong những công đoạn chuẩn bị rất cần thiết. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khai thác một cách nhịp nhàng, có khoa học cần thiết kế phân lô mỗi lô khoảng 1.000m2; giữa các phân lô bố trí các lối đi chính và phụ nên đủ rộng để thuận lợi cho trung chuyển sản phẩm và đi lại chăm sóc rừng.
Song song với quá trình thiết kế phân lô khai thác; chủ rừng nhanh chóng đo đếm và tính toán trữ lượng rừng trồng Song mây bằng công thức sau:
Trong đó: M: trữ lượng rừng trồng trên 1ha (kg/ha); m: tổng khối lượng trung bình những cây đủ điều kiện khai thác trong 1 khóm; N: số khóm trên 1 ha.
Qua đó, chủ rừng cần căn cứ vào nhu cầu thị trường về số lượng, đặc điểm nguyên liệu (đoạn, sợi), chất lượng cũng như giá cả cho nguyên liệu mà chủ rừng sẽ quyết định số lượng cần khai thác.
Thời gian khai thác: Đặc điểm cây Song mật có lượng hydratcacbon thay đổi theo mùa. Do đó, chọn thời điểm khai thác có ý nghĩa rất lớn. Nhìn chung có thể khai thác Song mật quanh năm nhưng mùa khai thác chính được xác định vào các tháng 1-7 và tháng 10-12. Thông thường song được khai thác 1 năm 2 lần và luân kỳ khai thác phụ thuộc vào lập địa và khả năng chăm sóc của chủ rừng.
2. Vật dụng khai thác:
Dụng cụ khai thác: Với đặc điểm mây trồng trong vườn và trang trại nên dùng rựa cán dài 50 - 60cm cả lưỡi 70 - 80 cm; đồng thời chuẩn bị bộ đá mài chuyên dụng để mài dụng cụ khai thác.
Bảo hộ lao động: Bao tay bằng vải dày, để bảo vệ chân tay tránh khỏi gai song cào xước; trong khi khai thác đảm bảo an toàn lao động.
3. Thu hoạch, chế biến và thị trường:
- Thu hoạch chọn từng cây có chiều dài ít nhất 5m trở lên.
- Thời vụ thích hợp là đầu mùa khô để hong phơi thuận lợi trách được ẩm mốc.
- Chặt sát gốc, cắt bỏ ngọn lá và bóc hết các bẹ trên thân.
- Phơi khô để bán hoặc đưa và chế biến theo quy trình công nghệ riêng.