Cùng nhìn lại tình hình nuôi tôm tại Quảng Nam trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận thấy trước năm 2008 cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước tôm sú là đối tượng nuôi chính chiếm thế độc tôn trong nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, từ sau năm 2008 do tôm sú gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh và xuất khẩu trong khi tôm thể chân trắng phát triển theo chiều hướng tốt, nhu cầu thị trường tăng cao và được Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho phép nuôi nên người dân dần chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ đó đến nay diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng không ngừng tăng lên qua các năm.
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản, tính đến năm 2012 tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại Quảng Nam khoảng 1.419ha chiếm trên 80% diện tích nuôi tôm nước lợ trên toàn tỉnh, sản lượng tôm thẻ đạt 12.750 tấn trong tổng số 12.980 tấn sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh. Không ít người gặp khó khăn khi nuôi tôm sú nhờ tôm thẻ chân trắng mà thoát khỏi nợ nần và vương lên làm giàu. Bên cạnh những thành quả đó, việc tăng trưởng nóng trong nuôi tôm thẻ chân trắng cũng mang đến nhiều hệ lụy. Cùng với sự gia tăng nhanh diện tích nuôi, lượng chất thải không qua xử ly từ các ao nuôi thải ra ngoài môi trường sau mỗi vụ nuôi ngày càng nhiều, làm cho môi trường đất, nước và hệ sinh thái khu vực bị ô nhiễm nặng, dịch bệnh bùng phát và lây lan khó kiểm soát. Ngoài ra, vì chạy theo lợi nhuận một bộ phận người nuôi đã lạm dụng nhiều loại thuốc, hóa chất, kháng sinh, ... trong quá trình nuôi gây tác hại đến môi trường, khả năng kháng thuốc của bệnh, đặt biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm tôm thu hoạch.
Trước tình hình đó để vận động người dân nuôi tôm theo hướng bền vững, ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Quảng Nam phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh nuôi tôm theo mô hình VietGAP. Bước đầu triển khai cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại bởi người dân đã quen với tập quán sản xuất cũ, cơ sở hạ tầng ao nuôi sơ sài, con giống, thuốc hóa chất sử dụng tự do không qua kiểm tra, giám sát.... Giờ nuôi tôm theo quy trình VietGAP được kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra của quá trình sản xuất. Bắt đầu từ khâu chuẩn bị nông trại, thả nuôi đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, kể cả các yếu tố liên quan như: Môi trường, các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản..... Bên cạnh đó, hộ nuôi phải ghi chép nhật ky cẩn thận, đáp ứng tốt cho nhu cầu truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm và dùng làm tư liệu so sánh, đúc kết kinh nghiệm cho vụ nuôi sau. Năm 2013, hai trang trại nuôi tôm ở xã Bình Hải, huyện Thăng Bình đăng ky áp dụng thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP. Sau một năm theo dõi đầu năm 2014 Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ Thủy sản Việt Nam (FITES) kiểm tra, đánh giá và đã cấp chứng nhận VietGAP. Đây cũng là hai cơ sở nuôi tôm đầu tiên tại Quảng Nam đạt được cấp chứng nhận trong nghành thủy sản.
Áp dụng VietGAP vào trong nuôi tôm giúp người nuôi làm quen với phương thức sản xuất hiện đại, từng bước nâng cao dần trình độ sản xuất, thích hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngoài ra, áp dụng VietGAP trong nuôi tôm vừa gắn trách nhiệm của người nuôi đối với sản phẩm mình làm ra, vừa đề cao quyền và lợi ích của người tiêu dùng.