Trải qua 20 năm, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi nhưng ngành nông nghiệp vẫn giữ được tăng trưởng ổn định, sản lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, vì vậy sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì được nhịp độ phát triển có gia tốc theo từng giai đoạn. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 1997 – 2010, tăng bình quân 3,55%; giai đoạn 2011 – 2016 tăng 4,5%, theo đó, trong từng lĩnh vực: Nông nghiệp tăng 3,42%; lâm nghiệp tăng 7,95%; thủy sản tăng 4,90%. Năm 2016 so với năm 1997: Sản lượng lương thực đạt 516.655 tấn, tăng gấp 1,5 lần; tổng đàn vật nuôi có tăng nhưng không nhiều, đáng quan tâm là chất lượng đàn gia súc, gia cầm và phương thức chăn nuôi được cải thiện đáng kể (tỷ lệ bò lai tăng nhanh chiếm 55% tổng đàn, tăng hơn so với năm 1997 gần 37%); sản lượng thủy hải sản đạt 102.640 tấn tăng hơn 3 lần (trong đó: Sản lượng khai thác thủy sản 82.600 tấn; riêng nuôi trồng thủy sản đạt 20.040 tấn tăng 14,5 lần); giá trị nuôi trồng thủy sản trên 1 ha canh tác đạt khoảng 201 – 350 triệu đồng/ha/năm.
Đối với lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tăng từ dưới 35.000 ha năm 1997 lên gần 140.000 ha vào năm 2016, bình quân hằng năm đạt 7.200 ha; năm 1997 độ che phủ rừng đạt 40,9%, đến năm 2016 độ che phủ của rừng đã đạt 52,5%. Ngành Nông nghiệp đã triển khai các biện pháp mạnh trong ngăn chặn khai thác lâm khoáng sản trái phép; tổ chức sắp xếp lại các Ban quản lý rừng phòng hộ; các giải pháp căn cơ khác để giải quyết sinh kế cho cư dân tại chỗ như: Đẩy nhanh tiến độ giao đất trồng rừng sản xuất, giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo các chương trình, dự án và nhất là thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, công tác bảo vệ rừng dần đi vào nề nếp, bước đầu lập lại kỷ cương trong công tác bảo vệ rừng; đã điều chỉnh công tác Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 – 2020 trên địa bàn tỉnh. Dựa vào quy hoạch, đẩy nhanh giao đất, giao khoán rừng cho tổ chức và cá nhân quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi, trồng mới tái tạo vốn rừng, ổn định các khu tái định cư.
Rừng trồng keo lai nuôi cấy mô
Về thủy sản, số tàu có công suất 90 CV trở lên ngày càng tăng, hiện nay có 630 tàu, bình quân mỗi năm giai đoạn 2011 – 2016 tăng trên 70 tàu/năm. Hiệu quả của khai thác hải sản xa bờ trong những năm gần đây đã nâng cao giá trị tạo ra của đơn vị tàu thuyền; sản lượng khai thác năm 1997 từ 30.116 tấn lên 82.600 tấn năm 2016, trong đó sản lượng khai thác hải sản đạt 80.100 tấn. Năm 1997, diện tích nuôi trồng thủy sản mới chỉ thực hiện ở những vùng nước lợ và nước ngọt 4.462 ha, ứng dụng hình thức nuôi quảng canh cải tiến nên sản lượng chỉ đạt trên 1.500 tấn. Trong những năm trở lại đây, diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ đã mở rộng thêm ở những vùng bãi triều ven sông và thậm chí mở rộng nuôi trên biển, hoặc nuôi ở nước ngọt, đã phát triển thêm các hình thức nuôi trong lồng, bể xi măng; áp dụng hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh với các đối tượng nuôi đa dạng và phong phú hơn, nên diện tích nuôi năm 2016 tăng lên 8.280 ha và sản lượng đạt trên 20.040 tấn.
Tàu sắt đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ
Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã có nhiều chuyển biến tích cực, với hơn 4.000 ha canh tác, tăng gần 1.000 ha so với năm 2010 và từ năm 1997, trong nông nghiệp hầu như chưa đề cấp đến công tác này. Diện tích cây trồng cạn liên tục tăng trong những năm gần đây như: Lạc, ngô, dưa hấu, rau thực phẩm khác… được mở rộng, cung ứng cho các khu du lịch và xuất khẩu. Diện tích cây rau đậu (giai đoạn 2011 – 2016), bình quân đạt xấp xỉ 20.300 ha/năm, sản lượng đạt trên 232 nghìn tấn, tăng hơn 50% so với năm 1997. Kết quả này góp phần ổn định và nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất. Giá trị thu nhập của sản phẩm trồng trọt trên 1 ha canh tác không ngừng được nâng cao, năm 2014 đạt 70,6 triệu đồng/ha, năm 2016 đạt 78 triệu đồng/ha, gấp hơn 1,6 lần so với năm 2010 (năm 2010 đạt 47,29 triệu đồng/ha).
Cánh đồng ngô trên đất lúa chuyển đổi
Trong chăn nuôi, năng suất tăng trên cơ sở thâm canh rút ngắn thời gian chu kỳ nuôi đã nâng cao năng suất và hiệu quả. Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo xu hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ và tăng chăn nuôi theo hướng quy mô gia trại, tảng trại, tính đến cuối năm 2016 cả tỉnh có 1.391 gia trại (797 gia trại lợn, 498 gia trại gia cầm và 96 gia trại bò) và 124 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí (trong đó có 65 trang trại lợn và 59 trang trại gia cầm), so với năm 1997 cả tỉnh chỉ có vài trang trại và hơn 100 gia trại chăn nuôi; công tác quản lý giết mổ gia súc gia cầm tăng cường, hạn chế được dịch bệnh.
Chăn nuôi Bò lai
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới
Ngay từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 800/QĐ-TTG ngày 04/6/2010 và thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 01/9/2011 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH TW Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng NTM. Đồng thời, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020, như nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI đã xác định.
Mặc dù, thời gian qua gặp những khó khăn do các quy định, hướng dẫn thực hiện chưa được Trung ương ban hành đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện nhưng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng toàn dân đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó, đã chú trọng việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Đã xuất hiện hàng trăm mô hình phát triển sản xuất hàng hóa, xây dựng đời sống mới ở nông thôn có hiệu quả. Từ năm 2010 đến nay Quảng Nam huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đã đạt được rất nhiều thành quả. Theo đó, vào cuối năm 2016, bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn (204 xã) là 12,5 tiêu chí/xã, tăng 9,89 tiêu chí/xã so với năm 2010 và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí (năm 2010 có đến 163 xã đạt dưới 5 tiêu chí). Đến nay, toàn bộ 204 xã đã phê duyệt đồ án quy hoạch và triển khai đề án xây dựng nông thôn mới; có 62 xã đã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 30,4%); Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận thị xã Điện Bàn cùng với huyện Phú Ninh đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 – 2015.
Xây dựng Nông thôn mới khởi sắc vùng quê