Ấn tượng nhất trong chặng đường 20 năm của Quảng Nam là gì, thưa ông?
Sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), kinh tế Quảng Nam chủ yếu là nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn là vấn đề hết sức khó khăn. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn phân tán và nhỏ bé, chưa xác định được hướng đi chủ lực. Thương mại và dịch vụ còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất và đời sống; kinh tế du lịch còn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác. Kết cấu hạ tầng còn yếu và chưa đồng bộ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, được sự hỗ trợ từ Trung ương và nỗ lực vượt khó của nhân dân, tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên sự phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, quy mô nền kinh tế tăng khá, năm 2016, GRDP (giá so sánh 2010) đạt trên 53.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 1997 - 2016 đạt 10,9%/năm, riêng năm 2016 tăng 14,73%, cao nhất trong vòng 10 năm gần đây.
|
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
|
Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng của Quảng Nam vẫn duy trì ổn định, thể hiện sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của toàn tỉnh. Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp kinh phí từ Trung ương, đến nay, tổng thu nội địa trên địa bàn gần 20.000 tỷ đồng, gấp 163 lần năm 1997. Đến nay, Quảng Nam không chỉ tự cân đối ngân sách, mà còn điều tiết về ngân sách trung ương.
Với lĩnh vực thu hút đầu tư thì thế nào, thưa ông?
Vào thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam mới thu hút được được 80 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư trong nước và 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 35 triệu USD. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã thu hút được 126 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 5,5 tỷ USD (riêng năm 2016, tỉnh cấp phép 30 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 3.405 tỷ đồng; cấp mới 17 dự án FDI với vốn đăng ký gần 122,8 triệu USD).
Nhiều dự án lớn đã được đầu tư như: Khu phức hợp sản xuất, lắp ráp ô tô Trường Hải, Suntory Pepsico (Nhật Bản), thiết bị ngành dệt may Groz-Beckert (CHLB Đức), Sân Golf Mongomerie Links, The Nam Hai Resort (Hoa Kỳ), Nhà máy dệt may của Tập đoàn Panko (Hàn Quốc), Khu phức hợp đô thị - du lịch Nam Hội An của Tập đoàn Châu Tài Phúc liên doanh với Tập đoàn Vina Capital.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam được Chính phủ và nhà đầu tư lựa chọn là vị trí đầu tư Nhà máy khí và quy hoạch cụm điện từ mỏ khí Cá Voi Xanh.
|
Định hướng thời gian tới, Quảng Nam tiếp tục phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong ảnh: Toàn cảnh đô thị cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới |
Ông đã nhiều lần khẳng định, Quảng Nam luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, cũng như khuyến khích, kích thích doanh nghiệp phát triển. Vậy tỉnh đã có những động thái cụ thể nào?
Trong những năm gần đây, Quảng Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị, Quảng Nam luôn xem các doanh nghiệp, các nhà đầu tư là bạn đồng hành, là nhà tư vấn trong phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thời gian qua, Quảng Nam thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: triển khai thực hiện Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư, được áp dụng cho các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Vào tháng 1/2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư vào hoạt động, làm đầu mối tập trung thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho các tổ chức và cá nhân. Thành lập các tổ công tác do các đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, nhằm hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Tổ công tác xúc tiến các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); Tổ công tác hỗ trợ Công ty cổ phần Đầu tư du lịch và kinh doanh hội nghị Gami Hội An triển khai thực hiện Dự án Công viên chủ đề “Ấn tượng Hội An”...
Định hướng, tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Quảng Nam giai đoạn tiếp theo là gì, thưa ông?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần hồi phục, môi trường quốc tế thuận lợi, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng liên kết kinh tế và kết nối giữa các nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, cả nước đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, theo đó, trước mắt, giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10-10,5%; cơ cấu kinh tế ngành nông - lâm - ngư nghiệp trong GDP chiếm dưới 10%, công nghiệp - dịch vụ chiếm trên 90%. Phấn đấu GRDP bình quân đầu người hơn 3.600 USD/năm, lao động phi nông nghiệp trên 60%.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ ưu tiên thực hiện định hướng phát triển nền tảng cho một tỉnh công nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020 tập trung mọi nguồn lực phát triển công nghiệp - xây dựng với nhịp độ cao và bền vững, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, phấn đấu tốc độ tăng GRDP ngành công nghiệp - xây dựng bình quân hàng năm ở khoảng 13,2%. Giai đoạn 2021 - 2025 giữ vững sự ổn định trong phát triển, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 12,7%. Chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, không để xung đột các mục tiêu đối với ngành thương mại, dịch vụ và du lịch. Tiếp tục phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, tập trung phát triển hệ thống đô thị...
Hà Minh