Kết quả bước đầu mô hình nuôi heo nái ngoại năm 2016 tại Núi Thành
Trong những năm gần đây, chăn nuôi được xác định là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam nói chung và Núi Thành nói riêng. Tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích chăn nuôi, nhờ vậy ngành chăn nuôi đã từng bước phát triển tương đối ổn định, chiếm phần lớn sản phẩm nông nghiệp. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nói chung, ngành chăn nuôi huyện nhà không ngừng được nâng lên nhằm đáp ứng nhu cầu về thực phẩm ngày càng cao của cuộc sống, thu hẹp cán cân nông nghiệp giữa chăn nuôi và trồng trọt. Trong đó, chăn nuôi heo chiếm vị trí vô cùng quan trọng, nó không những đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thịt, nâng cao chất lượng bữa ăn mà còn phục vụ xuất ra bên ngoài. Trong đó việc chọn giống heo nái ngoại là điều kiện tiên quyết vì heo nái ngoại có ngoại hình to lớn, sức chống chịu cao, khả năng sinh sản tốt, heo con thường khỏe mạnh, ổn định. Do đó, các giống heo nái ngoại đang dần thay thế các giống heo nội truyền thống và ngày càng chiếm lĩnh thị trường.
Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 2016 trạm Khuyến nông - Khuyến lâm Núi Thành thực hiện mô hình chăn nuôi heo nái ngoại tại 02 xã: Tam Nghĩa và Tam Tiến từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2016 với quy mô 20 con/10 hộ/02 điểm.
Qua thời gian 05 tháng triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, bước đầu chúng tôi nhận thấy một số kết quả đạt được như sau:
- Giống heo Nái thực hiện mô hình dễ nuôi, sinh trưởng và phát triển tốt. Tỷ lệ nuôi sống đạt 100%; Trọng lượng 60-80 kg/con. Các hộ tham gia mô hình đều thực hiện đúng quy trình chăm sóc, công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên và đúng quy định nên đàn heo Nái đảm bảo khỏe mạnh;
- Giống heo nái ngoại lớn nhanh hơn so với heo giống nội, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương và ít mắc bệnh hơn, sinh trưởng phát triển cũng tốt hơn;
- Mô hình dễ ứng dụng, nhân rộng khi điều kiện nhu cầu thịt heo nạc đang tăng cao trong thời gian gần đây.
- Có từ 3 đến 4 con heo Nái động dục lứa đầu và dự kiến đầu 2017 sẽ bắt đầu phối giống cho heo.
Trong thời gian đến nếu các cấp, các ngành chức năng ở tỉnh, huyện quan tâm nhiều hơn nữa cùng với sự vào cuộc sát sao, đồng bộ của cơ sở cũng như sự nhiệt tình của bà con nông dân, chắc chắn từng bước khẳng định vị thế của chương trình nuôi heo nái ngoại nói riêng và các chương trình có hiệu quả khác nói chung sẽ ngày càng phát triển hơn nữa nhằm xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập bền vững, góp phần không nhỏ trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Phan Bi, trạm Khuyến nông – Khuyến lâm Núi Thành