- Chỉ thu hoạch quả mây giống từ cây mây đã trên 7 năm tuổi và có ngọn vươn ra ánh sáng mặt trời.
- Không phơi hạt giống trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời mà phơi ở nơi râm mát, thoáng gió.
- Tỷ lệ nảy mầm của hạt mây giảm nhanh theo thời gian bảo quản, sau 3 tháng tỷ lệ mọc chỉ còn 50% và sau 4 tháng chỉ còn mọc được 2-3%.
- Khi cây mây có lá hình kim dài 2-3 cm thì có thể cấy chuyển vào bầu, nhưng nếu nhổ cây nào mà không còn hạt mây dính ở gốc thì tốt nhất là không cấy, vì có cấy thì cây đó cũng bị chết (đây đang là giai đoạn tự dưỡng: Dinh dưỡng để nuôi cây được cung cấp từ hạt). Trong quá trình cấy chuyển mây vào bầu, tuyệt đối tránh không được làm đứt hạt mây khỏi gốc cây con.
- Mây là cây rễ chùm, có thân khí sinh vì vậy khi trồng cần lấp đất nông ngang bằng hoặc thấp hơn mặt bầu một chút. Nếu lấp đất sâu gốc, cây mây sẽ sinh trưởng, phát triển chậm và đẻ nhánh kém.
- Trong một hai năm đầu mới trồng, cây mây thích hợp với ánh sáng tán xạ vì vậy cần phải trồng cây che bóng, tỷ lệ che phủ khoảng 60-70% là thích hợp.
- Từ năm thứ ba trở đi cây mây cần nhiều ánh sáng hơn, hằng năm phải tỉa cành, tạo tán cho cây giá thể để mở sáng kịp thời, tỷ lệ che phủ khoảng 30-40% là phù hợp cho cây mây sinh trưởng và phát triển.
- Khi cây mây tốt ngang đầu người nên dùng cây nứa, trúc buộc nẹp hai bên luống mây để cây không bị ngã đổ, thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch sau này.
- Khi thu hoạch, dùng kéo cắt gốc những cây đủ tiêu chuẩn, cắt từ đầu đến cuối luống mây. Khi nhìn thấy ngọn cây mây bị cắt héo đi, dùng gậy có móc sắt kéo ngọn mây xuống và cầm ngọn cây mây rút ngược lên. Rút ngược như vậy dễ hơn và không làm gẫy những cây mây nhỏ phía dưới.
- Sợi mây được bó lại thành từng bó có chiều dài tương đối đồng đều và xếp vào nơi râm mát, lấy lá mây/rơm rạ phủ lại để không bị khô héo./.