Anh Nguyễn Hoài Nhẫn là một trong 5 thanh niên tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam được vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nghèo khó, bản thân Nhẫn luôn đau đáu ước mơ làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình. Và anh đã quyết định chọn nghề làm trầm cảnh –một nghề đã gắn bó lâu nay với người dân địa phương. Cũng như bao nghề khác, sự khởi đầu gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng rồi với sự cần cù chịu khó cùng quyết tâm thoát nghèo, ước mơ của chàng trai trẻ giờ đã trở thành hiện thực. Tuổi mới ngoài 30 nhưng Nhẫn đã sở hữu 1 ngôi nhà khang trang cùng xưởng sản xuất trầm mỹ nghệ mỗi năm đem về thu nhập hơn 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 15 lao động tại địa phương. Anh Nguyễn Hoài Nhẫn chia sẻ: “Nghề trầm này bản thân thấy ngày công cũng cao. Bước đầu là làm công, sau đó lập gia đình, tích cóp được ít vốn và nhờ sự phối hợp chương trình vay vốn của thanh niên tui vay làm 1-2 năm đầu làm thấy cũng có lãi, bắt đầu tui rủ anh em vô để chung hùn vốn cho nó lớn”.
Không chỉ Nguyễn Hoài Nhẫn mà ở huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam còn có cả trăm thanh niên vốn xuất thân từ nghèo khó đã trở thành chủ nhân của các cơ sở sản xuất trầm cảnh. Nhiều người đã có cơ sở ở nước ngoài, với lợi nhuận mỗi năm lên đến cả tỷ đồng. Anh Đỗ Hoàng Hưng cũng là 1 trong những thanh niên thành công từ nghề này: “Hiện nay mình đang phấn đấu mở cơ sở mình rộng lớn, năm vừa rồi cơ sở mình có đào tạo 1 lớp học nghề khoảng 30 thanh niên. Bây giờ mình đang nhận khoảng 15 thanh niên làm tại cơ sở của mình”.
Ban đầu chỉ là thú chơi tao nhã nhưng đến nay, làm trầm cảnh đã trở thành nghề hái ra tiền. Mỗi thợ làm trầm có thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng - một mức thu nhập không hề thấp ở vùng nông thôn. Cũng chính vì vậy mà trước đây, nhiều thanh niên phải đi làm những nghề nguy hiểm như lên rừng chặt cây, đào hầm đãi vàng hay đi làm ăn xa thì nay đã trở về gắn bó với nghề làm trầm ngay tại quê nhà. Với đức tính cần cù, sáng tạo, chịu khó học hỏi, tay nghề của những người thợ trẻ ngày càng được nâng cao, tạo ra nhiều sản phẩm trầm cảnh đẹp, đa dạng, độc đáo, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Anh Trà Tấn Tài – Bí thư Huyện đoàn Nông Sơn cho biết: “Thời gian qua Huyện đoàn đã cùng với phòng KT-HT huyện hỗ trợ cho thanh niên tham gia một số hội chợ để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức đoàn cũng đã hỗ trợ cho thanh niên vay vốn (mỗi thanh niên chỉ được 30 triệu đồng- một số vốn rất ít). Điều đáng mừng là đa số thanh niên đều tự nỗ lực chứ không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”. Chính ý chí, nghị lực, khát vọng vượt khó, tinh thần dám nghĩ dám làm đã giúp họ vươn đến thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần đưa thương hiệu trầm cảnh Trung Phước vươn xa.