Tham gia Diễn đàn, ngoài đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, đại diện UBND một số huyện, thành, các ngân hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt là hơn 50 chủ trang trại, gia trại (95% là trang trại chăn nuôi) trên địa bàn tỉnh có mặt để tham gia đối thoại.
Quang cảnh tại Diễn đàn
Tại Diễn đàn, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 130 trang trại đạt tiêu chí mới quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNN ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định và thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại. Trong đó, có 110 trang trại chăn nuôi (chiếm 84,62%), 05 trang trại thủy sản (chiếm 3,85%), 04 trang trại lâm nghiệp (chiếm 3,08%); và 11 trang trại tổng hợp (chiếm 8,45%); giảm 1.169 trang trại so với tiêu chí cũ (theo tiêu chí cũ, toàn tỉnh có 1.299 trang trại). Nguyên nhân là do những chỉ tiêu trong tiêu chí mới cao hơn so với tiêu chí cũ (Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK và Thông tư 74/2003/TT-BNN).
Trong tổng số 130 trang trại thì có 24 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại; có 48 trang trại thực hiện liên kết sản xuất với công ty, chủ yếu là trong chăn nuôi (tập trung ở 02 huyện Điện Bàn, Duy xuyên).
Tổng số lao động thường xuyên của tất cả các trang trại là 494 lao động, lao động của gia đình 217 người; lao động thuê ngoài: 277 người. Tổng vốn đầu tư bình quân của 01 trang trại là 1.741.000.000 đ, diện tích đất bình quân là 5,11 ha/trang trại, doanh thu bình quân cho 01 trang trại là 1.922.000.000 đ.
Diễn đàn đã giành khá nhiều thời gian để các chủ trang trại, gia trại trao đổi, đặt câu hỏi để cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương trả lời, giải trình. Tổng số đã có hơn 20 câu hỏi, vấn đề còn vướng mắc, khó khăn được đặt ra và tập trung theo các nhóm vấn đề:
Một là, về qui hoạch và đất đai cho phát triển trang trại
Kinh tế trang trại phát triển chưa đồng đều giữa các vùng; từng địa phương (huyện, xã). Thủ tục hành chính ở một số địa phương còn rườm rà, nhất là thời gian thu nhận và giải quyết hồ sơ đầu tư dự án trang trại, việc cấp giao đất, cấp giấy CNQSD đất thường kéo dài.
Hai là, chính sách vay vốn
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tạo mọi điều kiện để KTTT phát triển. Tuy vậy, việc cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KTTT vì ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, các trang trại chưa tiếp cận được vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ.
Việc tiếp cận nguồn vốn hạn chế, việc lập các thủ tục để được vay vốn tín dụng vẫn còn khó khăn, phiền phức đối với nhiều chủ trang trại, nhất là việc giải trình Phương án sản xuất kinh doanh.
Ba là, việc tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, qui trình công nghệ tiên tiến chưa nhiều. Trình độ quản lý và lao động trong trang trại chưa được nâng lên, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Chưa chủ động được con giống chất lượng, thức ăn phụ thuộc vào doanh nghiệp nhập khẩu, giá cả cao, giá thành sản phẩm chăn nuôi cao, không đủ sức cạnh tranh. Dịch bệnh thường xuyên đe dọa. Ô nhiễm môi trường ngày càng báo động. Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia tăng, hiện tượng gian lận thương mại vẫn chưa được ngăn chặn...
Bốn là, đầu ra của nhiều nông sản là mối lo của chủ KTTT, vì giá cả luôn biến động và thường theo hướng bất lợi cho người sản xuất, nên định hướng sản xuất thường bị động, nhiều rủi ro; trong khi đó, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng, chưa có điều kiện bảo quản sản phẩm sản xuất ra. Trừ một số trang trại có thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp (doanh nghiệp cung ứng đầu vào và giải quyết đầu ra cho chủ trang trại, chủ yếu là các doanh nghiệp chăn nuôi CP, Việt Thái...), sản phẩm còn lại của các trang trại khác do chủ trang trại tự tìm kiếm thị trường để tiêu thụ.
Sự phối hợp giữa các chủ trang trại với các cơ sở chế biến, tiêu thụ để thúc đẩy nhau cùng phát triển trong thời gian qua hầu như chưa có (cung ứng giống, phân bón, thu mua sản phẩm... ).
Kết thúc Diễn đàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Chủ trì Diễn đàn đã kết luận một số nội dung:
- Về qui hoạch, giao Sở Nông nghiệp và PTNT hoàn thành công tác qui hoạch phát triển chăn nuôi vào cuối tháng 6/2016, trong đó lưu ý đến việc điều chỉnh qui hoạch, hướng dẫn qui hoạch chi tiết và thủ tục cấp phép xây dựng các khu chăn nuôi theo qui hoạch.
- Giao Sở Tài nguyên - Môi Trường và Hội Nông dân tỉnh tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục vay vốn và các vấn đề liên quan khác để báo cáo UBND tỉnh có giải pháp khắc phục.
- Về việc đảm bảo nguồn vốn vay phát triển sản xuất, giao Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Quảng Nam tăng tỷ trọng dư nợ cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn trong thời gian đến. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Về cơ chế chính sách, UBND tỉnh sẽ sớm trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
- Về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, cần tiến hành xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Trước mắt cần xúc tiến xây dựng ngay 04 chuỗi giá trị trên các đối tượng: Con heo, con gà, thủy sản và rau an toàn để làm đầu tàu dẫn dắt các hoạt động sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của quá trình hội nhập.
- Ngoài ra, cần tính đến việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, đầu tư trang bị trang thiết bị chuyên môn đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động. Tăng cường công tác thông tin, hướng dẫn người chăn nuôi tuyệt đối nói không với chất cấm trong chăn nuôi, cương quyết xử lý nặng với hành vi gian lận thương mại, sử dụng chất cấm độc hại đến sức khỏecon người và tình trạng gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi và cuộc sống của cộng đồng.