Qua 5 năm triển khai (2011-2015) đã có 17.101 hộ dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi vay, với tổng vốn đầu tư 7.744 tỷ đồng, vốn vay có hỗ trợ lãi vay 4.611 đồng. Việc triển khai các phương án, dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho 44.873 lao động, từ đó góp phần trong công tác chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm. Với 01 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay (khoảng 257 tỷ đồng) sẽ huy động hơn 30 đồng vốn xã hội (7.744 tỷ đồng), trong đó huy động từ ngân hàng là 19 đồng (4.611 tỷ đồng), huy động trong dân là 11 đồng (3.132 tỷ đồng).
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp vay vốn theo chính sách trên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam, là một doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất hạt giống cây trồng, Công ty vay vốn bình quân vay trên 15 tỷ đồng/năm để đầu tư sản xuất bắp giống tại huyện Củ Chi, với diện tích bình quân 600 ha/năm, phương thức ứng giống bố mẹ cho hộ dân, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Nhà vườn Đặng Lê Thanh Huyền, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, vay bình quân 5 tỷ đồng/năm, với qui mô 5 ha sản xuất hoa lan, thu nhập bình quân khoảng 4 tỷ đồng/năm. Hộ anh Đặng Văn Còn, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, bình quân vay trên 1 tỷ đồng/năm để nuôi hàu, thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/năm...
Từ kết quả trên cho thấy chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 đã góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển từ cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao như: hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa, thuỷ sản các loại. Đồng thời góp phần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn ở ngoại thành; đòn bẩy thúc đẩy nâng cao giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, cung ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân thành phố; đẩy mạnh phát triển các nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho lao động ngoại thành, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp thành phố có sự chuyển đổi tới một nền nông nghiệp đô thị bền vững.
Để tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị thành phố giai đoạn 2016 – 2020; ngày 23 tháng 02 năm 2016 Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.
Các tổ chức, cá nhân (gọi là chủ đầu tư) có dự án, phương án khả thi để đầu tư sản xuất hoa lan, cây kiểng, cá cảnh hoặc nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước kênh Đông được ngân sách thành phố hỗ trợ 80% lãi suất. Đầu tư sản xuất các loại cây trồng vật nuôi khác theo quy hoạch và theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mua nguyên nhiên vật liệu phát triển ngành nghề nông thôn; sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc phát triển du lịch sinh thái được ngân sách hỗ trợ 60% lãi suất. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất.
Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận huyện, Sở ban ngành đoàn thể phổ biến, tuyên truyền nội dung về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị cho các tổ chức và cá nhân. Báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm về tình hình thực hiện quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Hàng năm, Sở có trách nhiệm chủ trì cùng các đơn vị có liên quan xem xét, rà soát và đề xuất trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành văn bản điều chỉnh bổ sung quy định về danh mục lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và địa bàn ưu tiên được hưởng hỗ trợ lãi vay. Chủ trì, phối hợp với các Sở ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận huyện, xã phường thị trấn kiểm tra tình hình sử dụng nguồn vốn vay, tham mưu xử lý đối với các trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích đối với các phương án do Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt...
Đặng Kiệt