Trên cơ sở các huyện có tỷ lệ bò lai nhiều, kết hợp một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả cần chuyển đổi, Trung tâm hướng dẫn các nông hộ trồng cỏ, chế biến thức ăn để chăn nuôi bò thâm canh với quy mô ban đầu 200 con bò thịt với 4 ha cỏ trồng cho 40 hộ tham gia tại 4 huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và Hiệp Đức. Dự kiến năng suất cỏ đạt trung bình 250 tấn/ha, tích cực chuyển đổi một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ thâm canh, tăng khối lượng trung bình của bò từ 500 – 700 gam/con/ngày, nông hộ từng bước chuyển sang chăn nuôi thâm canh mở rộng quy mô và trên cơ sở đó dần dần hình thành chuỗi giá trị bò thịt. Bên cạnh đó, phát huy kết quả đạt được từ mô hình chăn nuôi vịt biển sinh sản năm 2015, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các xã Bình Nam, Thăng Bình và Tam Thăng, Tam Kỳ thực hiện mô hình chăn nuôi vịt biển thương phẩm quy mô 4.000 con vịt thịt, phương thức thực hiện là Nhà nước hỗ trợ 50% máy ấp, vật tư, tạo vịt con nuôi thương phẩm, từng bước đưa vịt biển nuôi thịt tiếp cận thị trường. Đối với mô hình khuyến nông miền núi, để góp phần phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho các hộ đồng bào Cơ tu, Trung tâm thực hiện mô hình chăn nuôi heo bản địa quy mô 80 con tại 3 xã Cà Dy, Ch’ơm, Phước Kim và mô hình chăn nuôi ngan địa phương an toàn dịch bệnh quy mô 600 con cho 20 hộ tại xã Phước Kim. Mục tiêu của mô hình là tăng số lượng đàn heo đen bản địa, đàn ngan địa phương, tạo nguồn con giống heo đen, ngan thương phẩm nuôi thịt tại địa phương. Tạo việc làm, góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông, góp phần ổn định về mặt kinh tế của đồng bào Cơ tu. Đồng thời qua tập huấn từng bước chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi an toàn cho bà con nông dân./.