Tham dự họp có đại diện lãnh đạo: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh, Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thị xã: Điện Bàn, Duy Xuyên, Nam Giang. Sau khi nghe Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo tình hình liên kết đầu tư trong nông nghiệp và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kết luận các nội dung sau:
Trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, công tác phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản bước đầu đã được hình thành và phát triển; nhiều mô hình liên kết có hiệu quả như liên kết sản xuất giống cây trồng (lúa, ngô, đậu xanh, lạc,...), liên kết chăn nuôi gia công gia súc, gia cầm và liên kết tiêu thụ nông sản,... ở các huyện, thị xã, thành phố: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ,... góp phần giải quyết đầu ra, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người nông dân. Tuy nhiên, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản ở một số địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; trong quá trình thực hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế như hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, HTX, THT chưa được chặt chẽ nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng như doanh nghiệp kéo dài thời gian trả tiền, không thu mua hết sản phẩm hoặc cố tình kéo dài thời gian thu mua hoặc một số HTX, hộ nông dân không thực hiện đúng quy trình sản xuất nên chất lượng sản phẩm không đạt theo hợp đồng đã ký,...
Để đẩy mạnh liên kết đầu tư trong sản xuất nông nghiệp thời gian đến, đặc biệt là trong điều kiện nước ta hội nhập với nền kinh tế quốc tế nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản và khả năng cạnh tranh trên thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan tập trung triển khai các nội dung sau:
1. Tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy chính quyền địa phương ở cơ sở, các đoàn thể chính trị, xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia vào các THT, HTX và liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản góp phần nâng cao giá trị sản suất và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân. UBND cấp huyện phải xây dựng và trình Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế hợp tác và hỗ trợ liên kết đầu tư trong nông nghiệp trên địa bàn; hằng năm tổ chức đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và đưa nội dung này vào các chỉ tiêu thi đua, đánh giá hằng năm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể nhân dân.
2. Đẩy mạnh quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung, có định hướng liên kết với doanh nghiệp gắn với tái cơ cấu từng ngành trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh tiếp tục phát triển kinh tế hộ, phải dành một số vùng sản xuất lớn để các doanh nghiệp lớn vào đầu tư góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện cho các loại hình kinh tế khác phát triển như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế hộ gia đình,...
3. Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, giải quyết tình trạng manh mún đất nông nghiệp: Trên cơ sở Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND ngày 17/12/2015 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh một số nội dung Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày 05/8/2011 của UBND tỉnh về việc quy định cơ chế khuyến khích thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa” đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2015; UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án về cơ chế hỗ trợ tập trung dồn điền đổi thửa giai đoạn 2016-2020 trình HĐND cấp huyện thông qua để thực hiện. Trong đó, từ năm 2018, các địa phương chưa thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, chủ động bố trí kinh phí để tiếp tục thực hiện, không sử dụng ngân sách tỉnh.
4. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; trong đó, lưu ý đối với những diện tích đã điều chỉnh sang quy hoạch rừng sản xuất, ngoài việc ưu tiên giao cho dân, nhất là các hộ dân thiếu đất sản xuất cần nghiên cứu, dành quỹ đất để trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng, sản xuất quy mô lớn (đối với các huyện miền núi); hoặc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, xa dân cư (đối với các huyện vùng trung du).
5. Cải tiến thủ tục hành chính trong vấn đề đầu tư vào nông nghiệp, kể từ khi xúc tiến đầu tư đến khi được hưởng các ưu đãi đầu tư; căn cứ khối lượng thực hiện cần cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được tạm ứng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ để kịp thời thực hiện.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giao Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Nam là đơn vị đầu mối, phối hợp với Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (là đơn vị được giao nhiệm vụ xúc tiến đầu tư của tỉnh) và các ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư trong ngành nông nghiệp, thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động, nắm bắt thông tin để kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp có uy tín, có năng lực để kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Nam.
6. Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội, của Liên minh trong việc vận động nhân dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất, tích cực tham gia vào các THT, HTX và liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; cho doanh nghiệp thuê đất để đầu tư các mô hình sản xuất có hiệu quả; đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ việc ký kết hợp đồng giữa HTX, THT với doanh nghiệp phải đảm bảo chặt chẽ và tránh đơn phương phá vỡ hợp đồng trong quá trình thực hiện.
Liên minh HTX tỉnh cần chú trọng vào HTX nông nghiệp, xem đây là nội dung trọng tâm trong hoạt động của đơn vị; là cơ hội để vực dậy các HTX nông nghiệp trong tình hình mới; chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ HTX tích cực cho vay đối với các HTX nông nghiệp, đồng thời có trách nhiệm theo dõi tình hình hoạt động của HTX sau vay vốn để kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho HTX.
7. Nâng cao hiệu quả của hoạt động khuyến nông: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới toàn diện hoạt động khuyến nông theo hướng không chỉ thực hiện các nhiệm vụ như hiện nay mà phải dần dần hướng đến là một đơn vị tư vấn hỗ trợ trong nông nghiệp. Đẩy mạnh hình thức xã hội hóa, thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, chuẩn bị tốt nội dung tổ chức buổi tọa đàm đối thoại tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư, liên kết của doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất nông nghiệp dự kiến tổ chức trong tháng 02/2016 (sau Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016).
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư triển khai thực hiện.
8. Phải xây dựng các mô hình liên kết tiêu biểu trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện, đặc trưng của từng vùng (từ vùng biển đến vùng núi) trên cơ sở đa dạng hóa các mô hình thông qua việc góp đất, cho thuê lại đất,... Mỗi địa phương lựa chọn một hoặc một vài mô hình đặc trưng của địa phương để tập trung công sức, huy động nguồn lực tổ chức thực hiện. Lưu ý xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị cho từng loại sản phẩm cụ thể, từ khâu nghiên cứu khoa học, triển khai ra mô hình cụ thể, đi vào tổ chức sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, có hướng khắc phục đối với những mô hình làm chưa tốt và nhân rộng những mô hình làm tốt. Đối với khu vực miền núi, chọn những sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc hữu như lúa đen, heo cỏ, trồng dược liệu,... và thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào liên kết với bà con nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
9. Tăng cường tuyên truyền trực quan dưới nhiều hình thức: Các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các mô hình hay, các cá nhân tiêu biểu hoặc tổ chức cho cán bộ, nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác (trong tỉnh, ngoài tỉnh) làm tốt; hoặc mời những nông dân, chủ doanh nghiệp/HTX/THT tiêu biểu đã thực hiện thành công mô hình tại các địa phương khác về trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm cho nhân dân địa phương - người trực tiếp tham gia mô hình.
10. Giải quyết các ách tắc về vốn: nghiên cứu lồng ghép đầu tư từ các nguồn khác nhau, đặc biệt là các Quỹ hiện có trên địa bàn và Quỹ Khuyến nông dự kiến sẽ được thành lập.
11. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, các địa phương chủ động giải quyết theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (qua Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh và Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh).
Giao Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh nghiên cứu, sắp xếp, bố trí để lãnh đạo UBND tỉnh giao lưu, chia sẻ với các doanh nghiệp (định kỳ theo nhóm), trong đó ưu tiên các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông nghiệp vào tuần đầu tiên của tháng trong Quý I/2016.
12. Xử lý thông tin khi có sự cố xảy ra: Các ngành, địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn lưu ý khi có sự cố xảy ra trong quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân cần cân nhắc kỹ khi giải quyết và thông tin sự việc để vừa đảm bảo có lợi cho dân vừa giữ chân các doanh nghiệp.
13. Công tác nghiên cứu và tham mưu cơ chế chính sách: Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng còn vướng mắc, bất cập; đồng thời tham mưu ban hành các chính sách mới nhằm cụ thể hóa các chính sách của Trung ương và đề xuất các chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Quảng Nam.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan triển khai thực hiện./.
Thy Thy