Hiệu quả sản xuất
Mới đây, khi cập bờ, ông Nguyễn Văn Vương (thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1, Núi Thành, chủ tàu QNa-91485 hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển) cho biết, chuyến biển đem lại giá trị kinh tế cao. Cụ thể, sau 12 ngày, ông Vương thu mua được 16 tấn cá nục với tổng số tiền là 240 triệu đồng, 2 tấn mực với tổng số tiền là 40 triệu đồng. Với số hải sản đó, ông bán được tổng cộng 464 triệu đồng, gồm 400 triệu đồng từ cá nục và 64 triệu đồng từ mực. Chi phí cho chuyến biển là 33 triệu đồng, gồm nhiên liệu, nước đá, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm khác. Như vậy, chuyến biển của tàu cá QNa-91485 thu lãi được gần 151 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. “Trước đây, chuyến thu mua hải sản của gia đình chỉ thường diễn ra trong vòng 7 ngày. Nhờ xây dựng hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU nên chúng tôi có thể bám biển 12 ngày. Điều đáng ghi nhận là hải sản được bảo quản tốt hơn nên giá bán ra cũng tăng lên vượt trội. Nhờ đó, giá trị kinh tế thu được lớn hơn so với trước khi áp dụng công nghệ PU cho hầm bảo quản” - ông Vương nói.
|
Ngư dân Quảng Nam cần được hỗ trợ để thay thế hầm bảo quản hải sản truyền thống.Ảnh: N.Q.V |
Sự khác biệt của hầm bảo quản bằng công nghệ PU so với hầm bảo quản truyền thống là hải sản không bị trầy xước. Việc lắp đặt hệ thống hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU còn tạo điều kiện để tàu hoạt động trên biển nhiều ngày hơn, tiêu hao đá cây ít mà chất lượng bảo quản sản phẩm cũng tốt hơn nên lợi nhuận thu được của chuyến biển tăng lên. Ông Vương cho biết, đầu năm 2015, khi nhận được thông tin Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ kinh phí để ngư dân triển khai thí điểm mô hình xây dựng hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU ở Quảng Nam, gia đình đã mạnh dạn liên hệ và đề xuất được tham gia. Đến nay, hiệu quả kinh tế mang lại vượt trội so với trước.
Bà Nguyễn Thị Đồng - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam) cho biết, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và Trung ương, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 4 mô hình xây dựng hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU được triển khai trên 3 tàu khai thác hải sản và 1 tàu dịch vụ hậu cần trên biển. Dù chưa thực hiện tổng kết nhưng qua theo dõi và đánh giá của ngư dân, các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Tiếp tục triển khai
Theo Sở NN&PTNT, ngành thủy sản đang thực hiện hướng dẫn, khuyến khích ngư dân thực hiện mô hình đội tàu khai thác gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá. Cùng với đó, ngư dân sẽ bắt đầu thực hiện sơ chế sản phẩm trên tàu cá để tăng thời gian bám biển, giảm chi phí vận chuyển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác. Ngoài ra, ngành chức năng khuyến khích ngư dân tập trung sản xuất ở ngư trường Trường Sa, nhà giàn DK1 để tận dụng các cơ sở dịch vụ hậu cần được Nhà nước đầu tư, qua đó tăng hiệu quả sản xuất. |
Theo Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam, muốn xây dựng hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU đòi hỏi phải có nguồn vốn vài trăm triệu đồng, trong khi khả năng huy động vốn của ngư dân còn hạn chế nên đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục hỗ trợ cho địa phương thực hiện thêm các mô hình, qua đó nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, giúp ngư dân tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ lãi suất vốn vay để ngư dân vay vốn trang bị hầm bảo quản hải sản bằng công nghệ PU.
Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, ngành thủy sản của tỉnh đang bắt tay thực hiện tái cơ cấu đầu tư tài chính cho ngành khai thác hải sản. Thứ nhất là thực hiện các chính sách ưu đãi tín dụng, khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất từ 90 mã lực trở lên đánh bắt xa bờ. Tiếp đến là ưu đãi trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần, thương mại thủy sản bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho lưu trữ, bảo quản và phân phối, tiêu thụ hải sản ở chợ đầu mối. Cuối cùng là hỗ trợ ngư dân xây dựng hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành thủy sản của tỉnh đang điều chỉnh lại quy hoạch phát triển thủy sản nói chung, nghề khai thác hải sản nói riêng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm thu được. Nội dung quan trọng để thực hiện điều đó là có cơ chế hỗ trợ để ngư dân đầu tư trang thiết bị bảo quản sản phẩm hiện đại sau khi khai thác được. Theo đó, đầu tư hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU là hướng đi quan trọng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác hải sản, ngư dân thu được hiệu quả kinh tế cao sau mỗi chuyến biển.
NGUYỄN QUANG VIỆT