- Một số giống được sử dụng phổ biến hiện nay: PLT01, KM94, KM140, KM98-5, KM98-1, SM937-26... Hiện nay, tại Quảng Nam KM94 được sử dụng phổ biến trong sản xuất.
- Một số giống sắn triển vọng hiện nay: KM419, KM440, KM414, KM397, KM325... Đặc biệt là giống KM419 (sắn siêu bột)... Những giống sắn mới có ưu điểm năng suất cao, cây thấp gọn dễ trồng dày, ngắn ngày, ít bệnh, có thể sử dụng để chuyển đổi, thay bớt diện tích giống sắn KM94 bị nhiễm bệnh chổi rồng.
* Yêu cầu đối với giống:
- Giống phải đạt cấp xác nhận trở lên, đảm bảo các tiêu chuẩn nhà nước hiện hành.
- Năng suất >= 350 tạ/ha. Tăng so với sản xuất lúa trên cùng chân đất tối thiểu 20-30% (đối với thâm canh sắn trên chân đất lúa nước trời).
Mô hình thâm canh sắn bền vững tại Quế Sơn
2. Thời vụ:
- Vụ Đông xuân: Xuống giống từ tháng 12 đến tháng 2.
- Đối với đất gò đồi, vùng có mưa đặc thù có thể xuống giống từ tháng 12 - tháng 5.
* Lưu ý: Khi đất đủ ẩm, không bị ngập úng mới tiến hành xuống giống. Tùy thuộc vào đặc điểm thời tiết của từng vùng mà bố trí thời vụ phù hợp, sắn thường được trồng trên những chân đất khô cằn, không chủ động nước tưới do có khả năng chịu hạn.
3. Chuẩn bị đất:
3.1. Chọn đất
- Cây sắn có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau kể cả đất có độ chua hơi cao, độ phì nhiêu thấp, tuy nhiên để sắn đạt được năng suất cao cần chọn loại đất có tầng canh tác dày, không bị ngập úng hay đọng nước, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, có độ dốc thấp...
- Về độ pH: sắn có khả năng thích nghi trong phạm vi pH đất khá rộng từ 4,5 – 7,5.
3.2. Làm đất
- Đất phải được dọn sạch tàn dư cỏ dại, tàn dư thực vật và các cây trồng vụ trước. Đối với vùng đất có độ dốc thấp, trước khi trồng tiến hành cày sâu 20-25cm và bừa 2 lượt, lên luống trồng đối với vùng đất thoát nước không tốt và trồng bằng đối với vùng đất thoát nước tốt nhằm tranh thủ độ ẩm đất.
- Đối với vùng đất có độ dốc cao, nên làm đất cục bộ theo phương thức cuốc trồng trực tiếp theo đường đồng mức.
- Giai đoạn hom sắn mới đặt xuống thường bị mối ăn do vậy cần xử lý đất kỹ trước khi trồng bằng các loại thuốc trừ mối hoặc nhúng hom giống trước khi trồng vào thuốc trừ mối.
4. Chuẩn bị hom sắn
4.1. Cách chọn hom sắn
- Để hom sắn mọc khỏe, độ đồng đều cao, cây sinh trưởng phát triến tốt, cho năng suất cao thì việc chọn hom giống, bảo quản hom tốt là rất quan trọng.
- Tuổi sinh lí của hom:
+ Phần ngọn: Dễ bị khô và mẫn cảm với các nguồn bệnh, tỷ lệ phục hồi thấp ở những phần đã hóa gỗ.
+ Phần gốc: Quá già, quá nhiều gỗ, chứa ít chất dinh dưỡng dự trữ nên mất khả năng nẩy mầm hoặc nảy mầm kém.
+ Phần thân: Có chất lượng hom tốt.
- Tiêu chuẩn hom sắn sử dụng trồng: Để hôm mọc mầm đều đảm bảo mật độ đồng thời tạo tiền đề cho cây sinh trưởng tốt cần lựa chọn cây khai thác hôm và chọn hôm kỹ lưỡng:
+ Giống sắn trồng lấy từ ruộng sản xuất tốt, chọn cây khỏe mạnh, không nhiễm sâu bệnh.
+ Tuổi của cây để có thể làm hom giống tốt từ 8 tháng trở lên.
+ Đốt ngắn, mắt dày. Đường kính cây trên 1,5 cm.
+ Chọn cây còn tươi (có nhiều nhựa mủ), loại bỏ những cây bị khô và trầy - xước.
4.2. Bảo quản giống
- Để giữ cho cây tươi lâu, đảm bảo sức nảy mầm sau khi thu hoạch, vận chuyển cần bảo quản ở những nơi khô ráo và có bóng mát với các cách sau đây:
+ Bó từng bó để nằm hoặc dựng đứng trong bóng râm+ Vùi dưới đất có bóng mát, phủ vật liệu che phủ (rơm rạ, cỏ rác ...)
+ Cắm thẳng từng cây xuống đất theo từng cụm từ 500 - 1000 cây/cụm.
- Thời gian bảo quản cây giống không quá 60 ngày (tính từ khi thu hoạch).
4.3. Chặt hom sắn
- Mỗi hom dài 12-18 cm (có từ 4 - 6 mắc), hai đầu hom bằng hoặc hơi vát, vỏ gỗ và nhu mô ruột không bị dập, vỏ ngoài không bị trầy xước.
Hom sắn đạt tiêu chuẩn
4.4. Xử lý hom giống
- Xử lý hom giống trước khi trồng bằng cách nhúng vào hỗn hợp thuốc diệt nấm, côn trùng và thuốc kích thích ra rễ (atonik), pha theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì từng loại thuốc.