6.5. Một số bệnh thường gặp
6.5.1. Bệnh dịch tả vịt (Duck Plague, Duck Virus Enteritis)
6.5.1.1. Nguyên nhân và dịch tễ
Bệnh dịch tả vịt là một bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh do herpesvirus gây ra. Bệnh thường thấy ở thể cấp tính với tỷ lệ tử vong cao (tới 100%), hoặc nếu tiến triển ở thể mạn tính thì khó quan sát thấy các biểu hiện lâm sàng, nhưng vịt thải virus ra môi trường một thời gian dài. Bệnh lây lan rất nhanh ở những đàn vịt chăn thả tự do.
Virus DPV không có sức đề kháng cao. Formalin 3% hoặc IOSAN 1% giết chết virus nhanh chóng.
6.5.1.2. Triệu chứng
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2-7 ngày. Đôi khi bệnh nổ ra do chủng có độc tính mạnh, vịt chết ngay khi còn đang bơi mà không biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Lúc đầu, vịt kém linh hoạt, ăn ít hoặc bỏ ăn, nằm một chỗ cánh xã xuống đất, đi lại khó khăn, lười bơi lội. Ở vịt con, triệu chứng đầu tiên có thể thấy là viêm giác mạc, mắt ướt và ướt cả lông xung quanh mắt, sau đó sưng và dính mí mắt, vịt không mở mắt được. Sau nữa là võng mạc, thuỷ tinh thể bị biến đổi gây cho vịt mù. Dịch chảy từ mũi, mỏ cắm xuống đất nước và có nhầy bẩn.
Vịt bệnh lông xù, sưng vùng đầu mặt, ỉa chảy, phân vàng - xanh nhạt, đôi khi lẫn máu. Xung quanh hậu môn dính đầy phân. Con vật bỏ ăn, nhưng rất khát nước. Nhiều vịt có triệu chứng thần kinh. Dương vật của vịt đực sưng, lòi ra ngoài, trên bề mặt có các vết loét, có khi phủ lớp màng trắng đục. Vịt giảm đẻ rõ rệt, có khi chỉ còn 15-16%.
Sau 1-3 ngày mắc bệnh, một số vịt có biểu hiện phục hồi, nhưng chỉ sau vài ngày triệu chứng xuất hiện lại nghiêm trọng hơn con vật suy kiệt và chết.
6.5.1.3. Bệnh tích
Bệnh tích đặc trưng tập trung ở đường tiêu hoá, nhất là trong thực quản và hậu môn. Viêm ruột xuất huyết, viêm xuất huyết và kéo màng giả ở hầu, thực quản và hậu môn. Các biến đổi bệnh tích còn thấy ở mắt, mũi, hậu môn, phù nề dưới da vùng ngực, trong xoang bụng có chứa nhiều dịch thẩm xuất.
Lách giảm thể tích; gan sưng to, trên bề mặt và trên mặt cắt thấy có các nốt hay vùng hoại tử, xuất huyết; gan thoái hoá trông giống như đá cẩm thạch.
Có thể quan sát thấy xuất huyết lấm tấm khắp cơ thể, đặc biệt ở giác mạc, thực quản, ruột, ngoại mạc ruột; nội mô, cơ và màng tim; cả ở thận và tuyến tuỵ.
6.5.1.4. Chẩn đoán phân biệt
Nếu vịt chết đột ngột ở tuổi mẫn cảm 1-7 tuần tuổi, bệnh dễ lẫn với các bệnh tụ huyết trùng, các bệnh nhiễm khuẩn máu, viêm gan siêu vi trùng, bệnh cầu trùng và bệnh nhiễm độc các độc tố nấm mốc. Nhưng đặc trưng ở bệnh dịch tả vịt là các biến đổi bệnh tích ở thực quản và hậu môn.
6.5.1.5. Trị bệnh
Chưa có trị liệu hữu hiệu bằng thuốc. Khi phát hiện vịt dịch tả nên hủy toàn đàn, để phòng tránh mầm bệnh lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên cũng có thể tiêm thẳng vaccin vào ổ dịch để giảm bớt thiệt hại.
6.5.2. Bệnh viêm gan siêu vi trùng vịt (Duck Virus Hepatiti - DVH)
6.5.2.1. Nguyên nhân
Bệnh viêm gan siêu vi trùng vịt là một bệnh truyền nhiễm, lây lan mạnh. Bệnh tiến triển với thể cấp tính ở vịt con. Vịt con dưới 5 tuần tuổi cảm nhiễm mạnh, đặc biệt vịt con dưới 4 tuần tuổi. Vịt lớn sau 4 tuần tuổi ít cảm nhiễm hơn vì bắt đầu phát triển miễn dịch tự nhiên và vịt nhiễm virus nhưng không biểu hiện các triệu chứng lâm sàng.
Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với vịt bệnh hay môi trường bị ô nhiễm. Đường truyền bệnh có thể qua đường tiêu hoá hay hô hấp.
6.5.2.2. Triệu chứng
Nhiễm type I, bệnh thường thấy ở thể quá cấp và vịt con lăn ra chết đột ngột trong vòng 1-2 giờ sau khi nhiễm. Thời gian nung bệnh thường từ 1-2 ngày. Nếu nhiễm type II, thì thời gian nung bệnh khoảng 3-4 ngày. Vịt có triệu chứng khát nước và chết trong vòng 1-2 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Virus DVH type II thường gây chết thấp ở giai đoạn vịt con, nhưng lại cao hơn ở tuổi vịt lớn.
Vịt con dưới 2 tuần tuổi thiếu kháng thể thụ động có thể chết đột ngột 20-80% trong vòng 2-3 ngày. Những vịt con có kháng thể thụ động truyền từ mẹ sang và vịt lớn thì tỷ lệ chết thấp hơn nhiều.
Vịt bệnh ủ rũ, chậm chạp, bỏ ăn và tụ lại một chỗ. Chỉ trong thời gian ngắn, vịt con lăn ra đất với cái đầu ngoẹo lại đằng sau lưng (opistotonus) và kèm theo các cơn co giật chân.
6.5.2.3. Biến đổi bệnh lý
Bệnh lý của bệnh viêm gan siêu vi trùng vịt tập trung chủ yếu ở gan. Gan sưng to có các chấm hay điểm xuất huyết trên bề mặt. Ở vịt 2-4 tuần tuổi, bệnh thường kết hợp với bệnh thương hàn (Salmonellosis). Trong các trường hợp này, lách sưng to, kèm những điểm hoại tử ở lách, gan và có màng giả ở màng tim, phúc mạc…
6.5.2.4. Chẩn đoán phân biệt
Bệnh viêm gan siêu vi trùng ở vịt với triệu chứng điển hình là vịt con nằm nghiêng một bên, hai chân duỗi thẳng, đầu ngoẹo lại đằng sau (opisthotonus) và xuất huyết điển hình ở gan.
6.5.2.5. Chữa bệnh
Dùng kháng thể viêm gan siêu vi trùng vịt
Vịt dưới 2 tuần tuổi: Tiêm bắp thịt hoặc dưới da
Tiêm lần 1: 1 ml/con hoặc uống 2ml/con
Tiêm lần 2: 1 ml/con sau 3 ngày
Vịt trên 2 tuần tuổi:
Tiêm lần 1: 1,5-2 ml/con hoặc uống 3-4ml/con.
Tiêm lần 2: 1,5-2 ml/con sau 3 ngày.
Lịch chữa bệnh cho vịt như sau
Dưới 7 ngày tuổi: Tiêm bắp thịt 1ml/con
Vịt con 7 ngày đến 2 tuần tuổi: Tiêm bắp thịt
Lần 1: 1-1,5 ml/con hoặc uống 2ml/con.
Lần 2: 1-1,5 ml/con sau 3 ngày
Vịt trên 2 tuần tuổi
Lần 1: 1,5-2 ml/con hoặc uống 3-4ml/con
Lần 2: 1,5-2 ml/con sau 3 ngày
Tuỳ theo tình trạng bệnh, tuổi và thể trọng vịt, có thể tăng liều tiêm
6.5.3. Bệnh cúm gia cầm
6.5.3.1. Tóm tắt đặc điểm của bệnh
Bệnh cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm do virus cúm typ A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Virus cúm A gây bệnh chính cho gia cầm.
6.5.3.2. Triệu chứng
- Thời gian nung bệnh từ vài giờ đến ba ngày, phụ thuộc vào số lượng virus, con đường xâm nhập, loài mẫn cảm.
- Tỷ lệ mắc và chết khác nhau phụ thuộc vào loài vật mắc và độc lực của virus gây bệnh cũng như tuổi mắc và điều kiện môi trường. Trường hợp virus gây bệnh có độc lực cao, vịt có thể mắc và chết tới 100%.
- Con vật sốt cao biểu hiện không bình thường ở hệ thống tiêu hoá, hô hấp, sinh sản và thần kinh. Triệu chứng chung gồm con vật giảm hoạt động, giảm tiêu thụ thức ăn, gầy yếu, tăng số con ấp ở đàn đang đẻ, giảm năng suất trứng, có khi ngừng hẳn đẻ. Trường hợp nặng biểu hiện ho, thở khó, chảy nước mắt, đứng túm tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mặt, những chỗ da không có lông bị tím tái, chân bị xuất huyết, rối loạn thần kinh, ỉa chảy, một số con biểu hiện co giật hoặc đầu ở tư thế không bình thường. Những triệu chứng trên có thể gặp cùng một lúc hoặc gặp riêng rẽ.
6.5.3.3. Bệnh tích
Bệnh tích thường gặp gồm mào và yếm sưng to, phù quanh mí mắt. Viêm xuất huyết hầu hết toàn bộ đường tiêu hoá đặc biệt thấy rõ ở manh tràng, dạ dày tuyến nơi tiếp giáp với mề. Tụy thường sưng to, có những vạch vàng và sẫm theo chiều dọc. Túi fabricius ở gà xung huyết và xuất huyết.
6.5.3.4. Cách truyền lây
- Truyền trực tiếp giữa con mắc bệnh hoặc con mang trùng tới con cảm nhiễm.
- Truyền gián tiếp thông qua không khí, dụng cụ chăn nuôi, xe cộ, phân rác, thức ăn nước uống có chứa mầm bệnh…
6.5.3.5. Điều trị: Không điều trị.
6.5.3.6. Phòng bệnh
- Làm tốt công tác vệ sinh an toàn sinh học đã trình bày ở trên, ngăn chặn không để dịch xảy ra.
- Tiêm phòng vaccin H5N1 cho vịt ở vị trí dưới da cổ hoặc tiêm sâu bắp lườn.
+ 2-5 tuần tuổi tiêm lần thứ nhất.
+ Tiêm lần thứ 2 sau khi tiêm lần 1 là 21 ngày sẽ cho miễn dịch 4 tháng.
+ Tiêm nhắc lại sau 4 tháng kể từ lần tiêm cuối cùng.
6.5.4. Bệnh tụ huyết trùng (Pasteurellosis, Fowl cholera)
6.5.4.1. Nguyên nhân
Bệnh tụ huyết trùng gây bởi vi khuẩn Gram (-) Pasteurella multocida.
Vi khuẩn rất dễ bị diệt ở môi trường bên ngoài dưới tác dụng của các chất sát trùng, ánh sáng mặt trời, môi trường khô và nhiệt độ cao.
Bệnh tụ huyết trùng là một bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với vịt trên 4 tuần tuổi. Thiệt hại nặng nề nhất của bệnh là những đàn vịt giống và vịt đẻ trứng. Tỷ lệ chết có khi tới 50%. Bệnh lây lan qua đường tiêu hoá, hô hấp, không khí, thức ăn, nguồn nước uống.
Bệnh có thể phát không do lây lan, mà tự phát. Con vật khoẻ mạnh mang sẵn vi khuẩn trong cơ thể, khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm do nhiều nguyên nhân, vi khuẩn tăng độc lực và bệnh nổ ra.
6.5.4.2. Triệu chứng
Bệnh thấy ở mọi nhóm tuổi, nhưng vịt nhỏ dưới một tháng tuổi hiếm khi mắc bệnh.
Bệnh có thể tiến triển 3 thể: Thể quá cấp, thể cấp tính và thể mạn tính. Bệnh nặng nhẹ phụ thuộc vào độc lực của chủng vi khuẩn gây bệnh. Thể quá cấp gây chết đột ngột và thường không có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng. Triệu chứng của thể cấp tính phổ biến là vịt bệnh ủ rũ, sau quỵ không đứng dậy được; vịt khát nước, sốt cao, thở khó khăn, lông dựng ngược; có nhiều màng trắng đục trong xoang miệng; vịt ỉa chảy, lúc đầu có những điểm trắng, sau chuyển thành một màu xanh nhạt. Nếu ở thể mạn tính, vịt bị sưng các khớp chân và gầy rạc.
6.5.4.3. Bệnh tích đại thể
Ở thể quá cấp chỉ thấy các điểm xuất huyết lấm tấm một vài nơi. Gan vịt bệnh sưng to, đôi khi phủ một lớp màng fibrin mỏng rất dễ bóc ra. Dưới màng gan, dễ dàng nhìn thấy các điểm hoại tử màu vàng nhạt to bằng hạt ngô. Có khi những điểm hoại tử này nhìn thấy ngay trên mặt của gan và kích thước cũng khác nhau.
Trong xoang bụng chứa dịch thẩm xuất màu vàng nhạt, lách có khi bình thường hay lớn hơn bình thường nhưng có các điểm hoại tử nhỏ, màu vàng.
Các xuất huyết lấm chấm hay tràn lan cũng thấy ở màng tim, nội mạc tim, đặc biệt là ở vùng rãnh động mạch vành. Tim của thuỷ cầm có những xuất huyết lớn hơn các gia cầm khác. Những điểm xuất huyết còn thấy trên màng của các cơ quan nội tạng, túi khí, minh quản, màng nhầy và niêm mạc ruột.
6.5.4.4. Biện pháp điều trị
Điều trị: Dùng các sản phẩm như:
Streptomycin lọ 1g/5-10kg TT
Kanamycin 10% Tiêm 1 ml/5kg TT
HHamcoli-forte 5g pha với 5 lít nước uống
Hampiseptol Tiêm 1 ml/5kg TT
Chlotetradexa Tiêm 1 ml/5kg TT
Genta-tylo Tiêm 1 ml/1kg TT
Genta costrim 1 g/kg TĂ hoặc 1 lít nước
Lincolis-plus 1 g/1,5-2 lít nươc uống
Nếu chẩn đoán đúng bệnh, can thiệp kịp thời và dùng các thuốc hợp lý, chỉ cần tiêm 2-3 mũi đã có thể dập tắt được bệnh.
6.5.5. Bệnh phó thương hàn (Salmonellosis, Paratyphoid infection)
6.5.5.1. Nguyên nhân
Nhiều gia cầm chỉ bị nhiễm một chủng Salmonella, nhưng số khác thì có thể bị nhiễm nhiều chủng một lúc.
Mầm bệnh xâm nhập chủ yếu qua thức ăn, nước uống. Một trong những đường truyền lan bệnh quan trọng của bệnh này là truyền dọc qua trứng. Rất nhiều nghiên cứu đã phát hiện vi khuẩn salmonella từ lòng đỏ trứng vịt. Con đường lây truyền thứ hai là sự xâm nhiễm vi khuẩn salmonella qua vỏ trứng. Từ phân, Salmonella thường gây nhiễm vỏ trứng trong quá trình đẻ hoặc từ ổ đẻ.
6.5.5.2. Triệu chứng
Khi một trại có tiềm tàng bệnh, triệu chứng đầu tiên là tỷ lệ trứng ung và phôi chết, trứng nở không cao. Vịt con có thể chết ngay trong lồng ấp hoặc những ngày đầu tiên sau khi nở, thậm chí không hề biểu hiện bất cứ một triệu chứng lâm sàng nào.
Vịt bệnh ỉa chảy nặng, mất nước nghiêm trọng, ủ rũ, xã cánh. lông dựng ngược, sau đó quỵ và suy sụp. Tỷ lệ vịt ốm cao, nhưng tỷ lệ vịt chết chỉ dưới 10%. Triệu chứng thần kinh chủ yếu là loạng choạng, run, lắc lắc đầu và ngẹo cổ ở một số con.
Bệnh nặng nhẹ phụ thuộc nhiều ở chế độ chăm sóc, quản lý, thiếu vitamin A, các ảnh hưởng stress…
Bệnh phó thương hàn có thể là bệnh thứ phát sau khi phát các bệnh viêm gan siêu vi trùng và nhiều bệnh do siêu vi trùng khác.
Sau khi bị nhiễm Salmonella, trong thời gian ấp nở, vi khuẩn sinh sôi nảy nở và làm chết phôi, lòng đỏ không tiêu và chuyển màu thẫm.
6.5.5.3. Biện pháp điều trị bệnh
Các chế phẩm sản xuất trong nước như: Colidox-plus dùng liều chữa là 1 g/2 lít nước uống hoặc trộn 1-1,5kg thức ăn.
Thuốc trị lỵ, ỉa chảy: ESB 30%, Cosmix-forte, Costrim 24%, Genta-costrim, Hampiseptol, Neo-te-sol, liều 60mg/kgTT, Norfacoli, Hantril-100…. đều là các chế phẩm dùng rất hiệu quả trong chữa bệnh phó thương hàn vịt.
Các thuốc chỉ định cho chữa bệnh cho phó thương hàn vịt như:
Hamcoli-forte 5 g pha với 5 lít nớc uống
Hampiseptol 1 ml/5kg TT
Genta-costrim 1 g/5-10kg TT
Enrotril-100 1 ml/5kg TT
Hantril-100 1 ml/5kg TT