5. Quản lý dịch hại trên cây tiêu
5.1. Bệnh vàng lá (bệnh chết chậm)
* Triệu chứng:
Bệnh gây hại vùng rễ, khi gặp điều kiện thuận lợi, các loài tuyến trùng, nấm bệnh phát sinh, gây hại làm cho rễ kém phát triển. Những vết thương do tuyến trùng gây ra là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhập hại rễ, làm tăng mức độ trầm trọng của bệnh.
Rễ bị tổn thương mất khả năng hấp thu dinh dưỡng và vận chuyển nước, gây hiện tượng vàng lá, cây còi cọc vì thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng; lúc đầu chỉ có một vài cây, sau đó lan rộng ra hoặc phát triển thành nhiều vùng. Triệu chứng vàng và rụng lá, rụng đốt thường phát triển chậm và kéo dài, có khi vài ba năm sau khi xuất hiện triệu chứng cây mới chết.
Hệ thống rễ của cây tiêu bị bệnh phát triển kém, đầu rễ bị thối, rễ có những nốt sần. Những nốt sần này có thể xuất hiện riêng lẻ hay tạo thành từng chuỗi. Khi cây bị bệnh nặng thì các rễ chính và phụ đều bị thối.
* Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh chết chậm (vàng lá chết chậm, bệnh tàn vườn) do sự kết hợp gây hại của tuyến trùng và một số nấm trong đất gây ra
Tác nhân gây triệu chứng nốt sần trên rễ chính là tuyến trùng Meloidogyne incognita và triệu chứng thối đầu rễ là do sự gây hại của một số loài nấm, chủ yếu là: Fusarium solani, Rhizoctonia solani….
* Biện pháp phòng trừ:
- Hom giống: chỉ lấy hom giống từ những cây khỏe, không bị bệnh.
- Chọn đất trồng có khả năng thoát nước tốt trong mùa mưa, giữ nước trong mùa khô (hoặc tưới chủ động).
- Không nên trồng tiêu trên các vườn tiêu đã nhổ bỏ do bị tuyến trùng gây hại mà chưa qua thời gian luân canh. Đất làm vườn ươm cũng không nên lấy từ những vườn này.
- Trước khi trồng mới cần vệ sinh đồng ruộng để loại bỏ các tàn dư thực vật, cày phơi đất trong mùa khô để diệt nguồn tuyến trùng trong đất.
- Trồng cúc vạn thọ giữa các hàng tiêu để hạn chế tuyến trùng gây hại.
- Bón phân cân đối và thường xuyên bổ sung chất hữu cơ cho cây vì ngoài việc bổ sung dinh dưỡng và cải tạo đất trong phân hữu cơ còn có các vi sinh vật đối kháng với tuyến trùng có thể hạn chế được sự phát triển của tuyến trùng.
- Thường xuyên theo dõi và kiểm tra vườn cây để phát hiện bệnh và xử lý sớm.
- Hạn chế xới xáo và tưới tràn trong vườn tiêu bị bệnh.
- Khi bệnh đã xuất hiện, đào bỏ các cây bệnh nặng. Đối với những cây tiêu bị bệnh nhẹ có thể sử dụng thuốc trừ nấm:Carbenzim 500FL,…hoặc một số loại thuốc đăng ký trừ tuyến trùng để rãi vào gốc. Các loại thuốc hạt và bột cần được rải ở độ sâu 10 - 20 cm, sau đó lấp đất lại. Việc xử lý thuốc nên được thực hiện trong điều kiện đất đủ ẩm.
5.2. Bệnh chết nhanh:
* Triệu chứng
Bệnh hại vùng rễ, ban đầu các đầu chóp rễ bị biến màu, có mầu nâu nhạt hay nâu ướt, sau chuyển sang nâu đen, rễ bị thối nên không cung cấp đủ nước, dinh dưỡng cho cây làm cho cây bị héo nhanh, mép lá hơi co lại, chuyển màu vàng trước khi rụng. Bổ đôi thân thấy mạch dẫn bị thâm đen. Từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo, sau 1-2 tuần thì cây chết nhưng các thân dây chính vẫn bám trên trụ. Có trường hợp cây chết, lá bị héo khô nhưng không rụng.
Nếu bệnh tấn công vào các bộ phận trên mặt đất như thân, cành, lá sẽ làm các bộ phận này thối đen. Đầu tiên là những vết bệnh mềm, sũng nước trên thân, cành, lá.
Sau đó các vết bệnh lan rộng ra tạo các vết thâm đen dẫn đến đến triệu chứng thối thân, thối cành, cháy lá. Những lá tiêu gần sát mặt đất thường dễ nhiễm bệnh do nấm Phytophthora sau những trận mưa lớn, đầu tiên trong mùa mưa. Sự nhiễm nấm Phytophthora trên gié hoa, quả gây hiện tượng gié hoa bị rụng, quả và gié quả bị đen.
Tiêu bị bệnh héo chết nhanh
* Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm Phytophthora spp. gây hại.
Bệnh chết nhanh thường xuất hiện trong mùa mưa. đặc biệt là những tháng mưa nhiều và tập trung ở những vườn không thoát nước tốt.
* Biện pháp phòng trừ: Để phòng trừ bệnh cần phải sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, đặc biệt chú trọng biện pháp canh tác và sinh học.
- Chọn đất trồng tiêu có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, có mực nước ngầm thấp.
- Không lấy giống ở những cây tiêu đã bị nhiễm bệnh chết nhanh.
- Xử lý hom giống bằng một trong các loại thuốc Aliette 80 WG, Ridomil Gold 68 WP, Agriphos 400….
- Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các hỗn hợp của nấm đối kháng như Trichoderma, xạ khuẩn Steptomices, vi khuẩn Bacillus... ủ với phân hữu cơ hoặc trộn với phân hữu cơ hoai mục đem bón cho tiêu trừ nấm bệnh gây bệnh trong đất. Trong mùa khô có thể hòa chế phẩm sinh học trong nước để tưới kết hợp
- Thường xuyên kiểm tra vườn cây trong mùa mưa, đặc biệt là những trận mưa sau một đợt hạn hán kéo dài, để có thể phát hiện được bệnh sớm. Khi đã phát hiện được cây bệnh phải kiên quyết đào bỏ, thu dọn tàn dư cây bệnh đưa ra khỏi vườn và đốt để loại trừ nguồn bệnh.
- Trồng tiêu với mật độ thích hợp.
- Điều chỉnh cây che bóng hợp lý cho cây tiêu theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển.
- Trồng các loại cây che phủ như cây lạc dại (Arachis pintoii) giữa các hàng tiêu để kìm hãm sự lan truyền của nấm Phytophthora và chống lại việc văng các hạt đất bị nhiễm Phytophthora từ các lá tiêu ở dưới thấp trong suốt mùa mưa.
- Trong quá trình chăm sóc vườn tiêu tránh gây vết thương cho thân ngầm và rễ tiêu: Khi làm cỏ vào mùa mưa nên tránh làm tổn thương rễ, những cỏ mọc trong gốc nên nhổ bằng tay. Khi bón phân chú ý không để phân vô cơ tiếp xúc trực tiếp với phần thân của cây tiêu.
- Cắt bỏ các các dây lươn và các cành nhánh ở cách mặt đất khoảng 30 cm, để tạo độ thông thoáng ở phần gốc thân và hạn chế các lá ở tầng thấp tiếp xúc với đất là nơi có nhiều nguồn nấm Phytophthora.
- Không trồng xen các loại cây là ký chủ của nấm Phytophthora trong vườn tiêu như: bầu bí, cây họ cà, cao su, ca cao, sầu riêng, bơ…
- Phòng trừ bằng biện pháp hóa học: Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Aliette 80 WG, Ridomil MZ 72 WP, Ridomil Gold 68 WP, Mexyl MZ 72 WP với nồng độ 0,3 %, liều lượng 2 - 4 lít dung dịch/gốc. Xử lý vào đất đồng thời phun lên cây.
5.3. Bệnh virus:
* Triệu chứng
Triệu chứng khảm lá: lá tiêu không bị biến dạng, lá bánh tẻ bị khảm nhẹ, giống như thiếu vi lượng. Cây vẫn phát triển bình thường và cho năng suất.
Triệu chứng khảm lá biến dạng, xoăn lùn: Lá biến dạng, mép lá quăn gợn sóng, lá dài và hẹp lại, lá xoăn cuốn vào trong, lá dày và giòn, bề mặt lá nhăn nhúm. Lá bị bệnh nặng bị mất diệp lục, có khảm đốm vàng hay vệt trắng theo gân chính của lá. Ngọn tiêu nhỏ lại và ra rất nhiều ngọn tạo thành búi lớn sát gốc, các lóng đốt ngắn lại, chiều cao cũng thấp hơn bình thường.
Tiêu bị bệnh virus
* Nguyên nhân gây bệnh: Do virus gây hại.
* Biện pháp phòng trừ
- Cần kiểm tra và tiêu diệt các côn trùng môi giới.
- Khi cây đã bị bệnh nặng cần nhổ bỏ, đưa ra khỏi vườn và đốt.
- Chọn giống trên vườn tiêu không có bệnh “tiêu điên”.
- Khi phát hiện côn trùng môi giới truyền bệnh (rầy, rệp...) nên dùng Bassa 50EC, Actara... để phòng trừ
- Tiệt trùng dao cắt bằng cồn. Dùng bông tẩm cồn và vuốt (rà) qua lưỡi dao sau mỗi lần cắt xong một cây giống.
- Bệnh không có thuốc đặc trị, khi cây bị bệnh cần nhổ bỏ, đưa ra khỏi vườn và đốt.
5.4. Bệnh thán thư:
* Triệu chứng:
Đầu tiên lá có những đốm lớn màu vàng sau đó chuyển thành màu nâu và đen dần. Vết bệnh có hình dạng không nhất định. Khi già rìa vết bệnh có quầng đen rộng bao quanh, phân cách giữa phần mô bệnh và mô khỏe.
Bệnh thường gây hại ở đầu và mép lá tiêu, làm lá bị cháy, bị nhiễm bệnh nặng lá sẽ rụng. Bệnh có thể tấn công vào gié bông, gié quả làm bông, hạt bị khô đen hoặc cũng có thể gây hại thân nhánh cây tiêu làm tháo đốt, khô cành. Bệnh phát triển quanh năm nhưng thường phát triển mạnh trong mùa mưa.
* Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm Colletotrichum gloeosporioides.
* Biện pháp phòng trừ
- Kiểm tra vườn tiêu thường xuyên để có thể phát hiện bệnh sớm.
- Vệ sinh sạch sẽ vườn tiêu, thu gom các lá, dây tiêu ra khỏi vườn và đốt.
- Trồng tiêu ở mật độ thích hợp. Bón phân vô cơ cho tiêu đầy đủ và cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ.
- Rong tỉa cách cành lươn, cành sát đất. Rong tỉa cây che bóng để tạo vườn cây thông thoáng.
- Không dùng vòi nước có áp lực mạnh tưới thẳng vào cây và gốc tiêu.
- Chỉ nên tiến hành phòng trừ bệnh vào những lúc bệnh gây hại có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất. Sử dụng một trong các loại thuốc: Carbenzim 500FL, Ridomil Gold, Fuguran-OH 50WP, phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.
5.5. Rệp sáp:
Rệp sáp gây hại tất cả các bộ phận của cây từ thân, lá, quả đến rễ.
Trên mặt đất, rệp sáp tấn công gié bông, gié trái, đọt non, kẽ cành, mặt dưới lá tiêu. Chúng chích hút làm các bộ phận này không phát triển được và khô héo.
Dưới mặt đất rệp sáp chích hút thân ngầm và rễ cây tiêu, tạo vết thương để nấm xâm nhập và làm thối rễ. Triệu chứng khi rệp gây hại dưới mặt đất giống như tiêu bị chết chậm, vì thế cần kiểm tra kỹ để xác định nguyên nhân. Rệp sáp gây hại tạo vết thương cho nấm xâm nhập.
Rệp sáp lây lan chủ yếu nhờ các loài kiến, cây tiêu bị rệp sáp gây hại thường có nhiều kiến. Rệp sáp tiết ra chất thải có hàm lượng đường cao là thức ăn cho loài kiến. Kiến ăn dịch của rệp và mang rẹp đi khắp nơi. Ngoài ra rệp sáp còn lây lan qua các con đường khác như: mưa, nước tưới, dụng cụ lao động.
Rệp sáp hại tiêu
- Làm thông thoáng vườn tiêu: dọn cỏ, cắt tỉa cành nhánh phần sát mặt đất.
- Theo dõi, phát hiện rệp sáp sớm thì trừ rất hiệu quả và tốn ít tiền.
- Chú ý phòng trừ rệp sáp trong 3 năm đầu trồng tiêu.
- Sử dụng thuốc hóa học để phòng khi trồng mới: Basudin10H, Diaphos 10H.
- Sử dụng thuốc hóa học để trừ rệp gây hại:
+ Đối với rệp hại thân, cành, lá, chùm hoa, chùm quả: Actara 25WG, Subatox 75 EC... Phun vào cây, chú ý những chỗ có rệp đang phá hại.
+ Đối với rệp hại rễ: Mocap, Marshal. Tưới vào những lỗ đã tạo sẵn, mỗi gốc tưới 1-2 lít thuốc đã pha với nước, những trụ tiêu bị hại nặng tưới từ 3-4 lít, tưới 02 lần, cách nhau 15 ngày. (lưu ý vòng đời của rệp sáp).
5.6. Sâu đục thân
* Đặc điểm hình thái và cách gây hại
Trên cây tiêu có 2 loài sâu đục thân thuộc 2 họ là: xén tóc (Cerambycidae) và vòi voi (Curculionidae).
Sâu đục thân vòi voi thường gây hại ở phần thân tiêu sát mặt đất, có khi chúng còn gây hại cả phần rễ chính của cây tiêu.
Ngược lại, sâu đục thân xén tóc thường gây hại ở phần trên của thân và nhánh cây tiêu. Sâu có thể đục 1 hoặc nhiều cành trên cây tiêu, do vậy có thể làm vàng, héo và khô cành hoặc cả cây. Thân, cành bị hại thường dễ gãy ngay ở đốt có sâu đục vào.
Khi chẻ thân, cành tiêu ra thường thấy có sâu đục thân ở các dạng ấu trùng, nhộng hoặc con trưởng thành chưa đủ cứng cáp để chui ra ngoài. Con trưởng thành có thể cắn cả chùm bông, chùm quả. Dẫn đến hiện tượng rụng bông, quả, làm giảm năng suất.
* Biện pháp phòng trừ
- Thường xuyên kiểm tra vườn tiêuđể phát hiện kịp thời.
- Khi phát hiện có mạt cây đùn ra ở chỗ nào thì tìm đường đục ở đó. Cắt bỏ ngay đoạn thân, cành bị sâu đục, chẻ thân, cành bị hại để diệt hết sâu non, trứng và đốt các bộ phận bị sâu đục thân gây hại để hạn chế sự lây lan.
- Vệ sinh đồng ruộng để loại bỏ các ổ sâu hại.
- Bắt và diệt sâu đục thân trưởng thành.
- Tỉa bớt cành lá cho cây thông thoáng, tránh gây vết thương trên thân và cành cây.
- Sử dụng các loại thuốc đăng ký trừ sâu đục thân để phun lên cây như: Padan 95 SP, Regent 80WG…hoặc có thể sử dụng các loại thuốc hạt để rải vào đất như như: Padan 4G, Gà nòi 4H,….Regent 0.3G, Marshal 5 G…