1/ Chọn đất :
Mặc dầu Măng cụt là loại cây có thể trồng được trên nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất là đất tơi xốp có pha sét, giữ nước tốt, không bị ngập úng, tầng đất dày trên 2 m, độ pH 5-6. Đất trồng phải đảm bảo nguồn nước tưới và tránh gió bão lớn, cần bố trí trồng cây phòng hộ để che nắng và chắn gió bão. Vùng đất trồng có nền nhiệt độ thích hợp nhất từ 25-350C, dưới 20oC sẽ làm cây Măng cụt ngưng phát triển. Độ cao thích hợp là 70-160m so với mặt nước biển.
2/ Thời vụ :
Măng cụt cũng như các loại cây trồng ăn quả khác nên trồng vào 2 vụ chính trong năm là đầu và cuối mùa mưa (tháng 9-10 và tháng 12-01 dương lịch năm sau). Nếu trồng cuối mùa mưa thì phải tăng cường tưới nước và che bóng khi gặp thời tiết nắng nóng.
3/ Khoảng cách và mật độ trồng :
Măng cụt là loại cây có tầng, tán lá dày và rộng, tuổi nhỏ ưa ánh sáng tán xạ, càng lớn càng thích hợp dần với ánh sáng trực xạ. Chu kỳ kinh doanh rất lâu có thể tới 40-50 năm và lâu hơn nữa. Do vậy cần phải bố trí mật độ và khoảng cách phù hợp, nên trồng xen hàng cách hàng với các loại cây trồng lâu năm khác để vừa tận dụng đất đai vừa điều tiết ánh sáng phù hợp.
Mật độ đối với cây Măng cụt thích hợp nhất từ 7-9m x 7-9m.
Lúc đầu nên trồng xen vào những vườn cây lâu năm hoặc cây ăn quả khác đã vào cuối thời kỳ kinh doanh, sau đó thanh lý dần cây lâu năm để mở sáng dần cho cây Măng cụt sinh trưởng phát triển về sau, khi đạt độ tuổi 10 năm trở đi thì mở toàn sáng và chỉ để lại những cây phòng hộ.
4/ Chuẩn bị hố trồng :
Kích thước hố đào phù hợp là 60 x 60 x 60 cm; Những nơi có nhiều sỏi đá, đất sét cao, dí dẽ mạnh thì có thể đào to và sâu hơn; Dùng các loại rơm, rạ, trấu, mùn cưa, phân chuồng, lá mục... trộn đều lấp hố lại, cắm cọc làm dấu tâm hố, sau 10-15 ngày tiến hành trồng.
5/ Phương pháp trồng :
Chọn cây giống có độ tuổi 2-3 năm, đã phân thành 1-3 cặp nhánh ( ở miền Nam gọi là chèo), độ cao 60 cm trở lên, được gieo trong túi bầu. Khi vận chuyển cây cần cẩn thận tránh vỡ bầu.
Trước khi trồng dùng cuốc moi hố rộng ra bằng 2 lần túi bầu, trộn với đất để bón lót thêm 0,3 phân DAP hoặc NPK cho 1 hố. Khi trồng để cây thẳng đứng nhẹ nhàng đưa bầu xuống, rạch bỏ túi PE thu gom để xử lý, nén đất nhẹ. Trồng xong cắm cọc buộc thân cây vào cọc bằng dây mềm để giữ cho cây cứng khỏi gió ngã, lay chuyển làm chết cây.
6/ Che bóng, tưới nước, bón phân thúc :
Tuỳ thuộc vào vị trí trồng hoặc mùa vụ cần bố trí che bóng và tưới nước cho cây phù hợp. Nếu nắng nóng thì bố trí làm giàn che đảm bảo vừa che bóng độ 50-70%, vừa thông thoáng giúp cây không bị cháy lá, nhanh phát triển.
Sau mùa mưa cần phải đắp vành khăn và thực hiện tưới nước đầy đủ, đặc biệt những tháng nắng gắt mùa hè cần tưới đẫm gốc 1ngày/lần thì cây mới sống được. Mùa đông cần vét rãnh, đắp mô cao hơn để thoát nước tránh ngập úng.
Hằng năm cần thực hiện bón thúc cho cây thường xuyên bằng 50 kg phân chuồng trở lên và các loại phân hoá học như NPK16:16:8 ; DAP; liều lượng tuỳ thuộc độ tuổi có thể bón 0,1-0,3 kg/cây vào các thời kỳ trước và sau mùa mưa, trước khi ra hoa và sau khi cây đã đậu quả để thúc quả nhanh lớn.
7/ Phòng trừ sâu bệnh :
a/ Sâu vẽ bùa:
Sau khi thu hoạch tiến hành tỉa cành, bón phân cho cây ra đọt non tập trung. Khi đọt dài 2-3 cm hoặc phát hiện sâu bắt đầu phát sinh gây hại thì phun trừ bằng thuốc Padan, Factac...dầu khoáng SK99 cũng có tác dụng, xong cần phun sớm khi đọt mới nhú.
b/ Sâu ăn lá: Khi phát hiên sâu gây hại chỉ cần dùng một trong các loại thuốc sâu để phun là trừ được ngay.
c/ Bệnh thán thư: ( nấm Collecto Trichum) cắt tỉa cành lá cho cây thông thoáng. Khi bệnh phát sinh phun các loại thuốc gốc đồng, Viben-c, Daconil...
d/ Bệnh cháy lá: (nấm Pestazia SP.) chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt. Khi bệnh phát sinh nhiều phun các loại thuốc gốc đồng, Viben-c, Zin...
8/ Thu hoạch :
Sau khi đậu trái được 12 tuần, màu sắc của trái sẽ chín dần, bắt đầu là những chấm tím đỏ trên nền vỏ xanh lá non, sau đó tăng dần đến khi quả chín và trở thành tím đen sau 7 ngày. Dùng vợt có túi để hái măng cụt tránh dập nát quả.