Coi thường pháp luật
Khi Báo Quảng Nam đăng bài “Ngang nhiên phá hoại trại ong” (số ra ngày 14.8) phản ánh về doanh nghiệp nuôi ong kêu cứu vì bị phá hoại thì cùng ngày, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), ngành nông nghiệp huyện Núi Thành, chính quyền xã Tam Sơn và người dân tổ chức cuộc đối thoại tại trụ sở UBND xã nhằm làm rõ vấn đề con ong mật có gây tác hại cho cây trồng, hoa màu hay không. Người dân kéo đến dự họp đông đúc, nhưng xuất hiện nhiều đối tượng manh động, tìm cách trì hoãn buổi đối thoại. Vất vả lắm lãnh đạo chính quyền mới ổn định được trật tự. Tại cuộc họp, người dân không đồng tình với mô hình nuôi ong. Để “chứng minh” nuôi ong mật có hại cho cây trồng, người dân còn đem những nhánh lúa bị hư hại lên trình bày với các cán bộ bảo vệ thực vật. Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh - ông Nguyễn Định giải thích: “Nghề nuôi ong mật được Nhà nước khuyến khích, bởi mang lại giá trị kinh tế khá cao cho các hộ dân ở các xã miền núi như Tam Sơn. Con ong mật hoàn toàn không gây hại cho cây trồng như lúa, bắp, bầu bí, keo, đậu… Năng suất cây trồng bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố khách quan như thời tiết, dịch bệnh, giống, cách chăm bón...”. Còn ông Hà Văn Tâm - Phó Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành cầm nhánh lúa của người dân lên, quả quyết: “Đây là nhánh lúa của bà con khi trổ gặp mưa nên nó bị hư, chứ không phải nguyên nhân con ong mật gây ra”. Các nhà chuyên môn khuyến khích bà con chịu khó học hỏi nghề nuôi ong mật để phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng, những lời giải thích rành rẽ về chuyên môn vẫn không “lọt tai” người dân. Thấy tình trạng người dân thiếu thiện chí, không khí mất trật tự, lộn xộn, cuộc họp đã giải tán.
|
Một số đối tượng quá khích chặn đầu xe của cán bộ thi hành công vụ. Ảnh: T.H |
Điều đáng nói, khi cán bộ ngành nông nghiệp ra đồng ruộng kiểm tra để xác định nguyên nhân từ nhiều phía, thì các đối tượng thanh niên quá khích chặn đầu xe công vụ không cho lưu thông. Chưa dừng lại ở đó, đám đông còn chặn luôn cả phương tiện tác nghiệp của nhóm phóng viên đòi… bắt đền hoa màu. Sau đó, lực lượng Công an xã Tam Sơn đã đến can thiệp, tình hình mới được vãn hồi. Trong khi đó, những ngày qua, doanh nghiệp nuôi ong ở đây liên tục kêu cứu các ngành chức năng về hành động phá hoại tài sản trại ong của họ. Vụ việc này, theo ông Lê Lộc Quân - trưởng nhóm nuôi ong mật thuộc Công ty CP Ong mật TP.Hồ Chí Minh thì có đối tượng đứng đằng sau để kích động phá hoại kinh tế của doanh nghiệp, mong muốn công an vào cuộc điều tra làm rõ. Rõ ràng, đây là hành vi coi thường pháp luật của một số đối tượng quá khích.
Buộc doanh nghiệp di dời khẩn cấp
Ông Lê Lộc Quân nhìn trại ong tan hoang của mình do bị người dân địa phương đập phá, xót xa: “Chúng tôi nuôi ong khắp cả nước. Vừa chân ráo chân ướt đến đây làm ăn đã bị phá hoại. Doanh nghiệp nuôi ong được sự ủng hộ của ngành nông nghiệp và lãnh đạo tỉnh, nhưng chính quyền địa phương thì không muốn phát triển đàn ong tại đây. Trong khi chúng tôi chưa tìm ra được địa điểm mới chuyển đàn ong đến, thì chính quyền lại ép phải di dời khẩn cấp”. Và cũng theo ông Quân, vì sợ đối tượng lén lút phá hoại, bất đắc dĩ doanh nghiệp phải đưa hết 500 đàn ong ở trại nuôi thuộc thôn Đức Phú (xã Tam Sơn) chuyển vào Bình Thuận. Các trại nuôi khác cũng bị ra “tối hậu thư” dời khỏi địa bàn. “Vì không còn sự lựa chọn nào khác, tôi phải xuôi tay ký vào biên bản với địa phương di dời 1.300 đàn ong chậm nhất vào ngày 16.8. Nếu chuyển đi đột ngột thế này, doanh nghiệp bị thiệt hại gần 100 triệu đồng” - ông Quân buồn bã nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Nam, đàn ong của doanh nghiệp bị xua đuổi đột ngột ra khỏi địa bàn xã Tam Sơn có nguyên nhân từ sức ép của người dân, kể cả chính quyền địa phương. Minh chứng cho điều này là ngày 23.7.2015, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Sơn – ông Lê Bá Tri đã ra văn bản (số 27/UBND) yêu cầu di chuyển gần 20 trại nuôi ong ra khỏi địa phương trước ngày 30.7.2015. Mới đây nhất, ngày 14.8.2015, UBND xã Tam Sơn ra biên bản làm việc với các trại ong phải di dời chậm nhất đến ngày 16.8.2015. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Sơn - ông Lê Bá Tri còn nói: “Tôi chấp nhận làm trái với chủ trương của cấp trên vì… người dân trong khu vực”.
Phát triển phong trào nuôi ong mật được xem như bước đột phá trong ngành chăn nuôi ở các huyện miền núi, lãnh đạo tỉnh khuyến khích nhân rộng. Vậy hà cớ gì chính quyền lại không ủng hộ chủ trương này? Từ bài học xua đuổi đàn ong ra khỏi địa bàn xã Tam Sơn, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi, đã đến lúc ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương miền núi cần ngồi lại để tìm hướng giải quyết, tránh tình trạng vận dụng chủ trương bất nhất, tùy tiện ở một số nơi.
TRẦN HỮU