Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), kết quả sau 2 năm triển khai tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt (năm 2014-2015), lĩnh vực trồng trọt đạt tốc độ tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng trên 3%/năm (năm 2013 tăng 3%, năm 2014 tăng 3,2%). Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 72,8 triệu đồng năm 2012 lên 79,3 triệu đồng năm 2014.
Năng suất hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện: từ năm 2012 đến 2014, năng suất lúa từ 56,4 tạ/ha tăng lên 57,6 tạ/ha; ngô từ 43 tạ/ha lên 44,1 tạ/ha; sắn từ 17,7 tấn/ha lên 18,5 tấn/ha; chè từ 79/5 tạ/ha lên 85,1 tạ/ha; hồ tiêu từ 25 tạ/ha lên 26 tạ/ha; đặc biệt năng suất điều từ 9,7 tạ/ha lên 12 tạ/ha... Chất lượng một số nông sản được cải thiện đáng kể như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, bưởi, chè...
Xây dựng nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa gạo, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn được duy trì, mở rộng: vùng cao su, cà phê, điều, hồ tiêu tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; vùng chè tại Trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng; vùng cây ăn quả tại Nam Bộ, thanh long tại Bình Thuận, vải thiều tại Bắc Giang….
Xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt vẫn duy trì ở mức 14,5 tỷ USD/năm. Hiện có 7 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm gồm: gạo 2,95 tỷ USD, cao su 1,78 tỷ USD, cà phê 3,56 tỷ USD, hạt điều gần 2 tỷ USD, hạt tiêu 1,2 tỷ USD, rau quả 1,69 tỷ USD, sắn và các sản phẩm từ sắn 1,14 tỷ USD. Một số mặt hàng có thị trường, giá trị xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng bình quân 42,8%/năm, hạt tiêu tăng 23%/năm, hạt điều tăng 16,5%/năm.
TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng tái cơ cấu ngành trồng trọt gặp nhiều khó khăn vì đây là ngành lớn nhất của lĩnh vực nông nghiệp, ngành sử dụng tài nguyên lớn nhất nhưng hiệu quả kém nhất, mang tính vùng miền, dễ bị tổn thương - chịu ảnh hưởng của thiên tai, khả năng tái đầu tư thấp. Tái cơ cấu ngành trồng trọt còn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề xã hội như nguồn lao động và phụ thuộc vào tình hình thế giới.
Hệ thống khuyến nông tham gia vào chủ trương tái cơ cấu của ngành bằng các hoạt động: tổ chức các hội nghị, diễn đàn; xây dựng các mô hình trong đó tập trung chọn gói kỹ thuật có khả năng đột phá, mô hình có tính liên kết sản xuất, địa điểm xây dựng mô hình gắn với các địa điểm xây dựng nông thôn mới; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức; nội dung liên quan đến các hoạt động tái cơ cấu là một mục lớn trên website của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Để việc triển khai tái đạt hiệu quả hơn nữa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất 03 vấn đề:
- Về nâng cao nhận thức: nâng cao nhận thức cho nông dân về kiến thức sản xuất hàng hóa mang tâm thế của doanh nhân;
- Về công tác quy hoạch trồng trọt: rà soát quy hoạch, dự báo thị trường, gợi ý trong quy hoạch;
- Về tổ chức chỉ đạo: đưa ra các tiêu chí đánh giá, cách tổ chức thành các Ban điều phối ngành hàng.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, hoạt động tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt còn chậm, chưa chuyển biến rõ nét do các nguyên nhân sau:
- Chủ trương tái cơ cấu chưa đầy đủ;
- Tái cơ cấu không phải là xử lý tình huống mà tạo ra chuỗi giá trị hơn;
- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương thiếu quyết liệt, thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, các ngành;
- Có nhiều bất cập về cơ chế chính sách bên cạnh một số yếu tố khách quan.
Bộ Nông nghiệp và PTNT thống nhất cần đẩy mạnh chủ trương tái cơ cấu góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân, cụ thể như sau:
- Tái cơ cấu trồng trọt chuyển sang sản xuất hàng hóa, cạnh tranh quốc tế, chủ trương phát triển bền vững;
- Rà soát lại đề án tổng thể, theo quy hoạch, triển khai công việc một cách hệ thống, đồng bộ, phát huy lợi thế địa phượng. Xây dựng các đề án, quy hoạch các cây trồng chủ lực; ban hành nhiều quy chuẩn pháp quy, đặc biệt về bảo vệ thực vật;
- Đổi mới hệ thống chuyển giao khoa học công nghệ kể cả với doanh nghiệp. Thay đổi cách tổ chức nghiên cứu để có kết quả cao hơn;
- Tổ chức làm mô hình để thuyết phục và tập huấn cho nông dân để thay đổi tập quán;
- Xúc tiến tổ chức lại sản xuất: đề xuất nghị định về HTX nông nghiệp kiểu mới; thực thi chính sách với doanh nghiệp: tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường quốc doanh; chính sách về đất đai, hỗ trợ tài chính;
- Tiếp tục đổi mới đầu tư công;
- Xây dựng hệ thống theo dõi, thông tin thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại;
- Tiếp tục đổi mới quản lý về giống, phân bón, bảo vệ thực vật.
Trần Thị Diệu
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia