Ảnh minh họa
TS. Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã báo cáo kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Theo báo cáo, đối với chăn nuôi lợn, chưa có sự chuyển dịch rõ nét từ vùng có mật độ chăn nuôi cao sang vùng có mật độ chăn nuôi thấp nhưng đã có sự chuyển dịch về cơ cấu đàn lợn: tỷ lệ đàn lợn nái ngoại năm 2013 là 19,8% đã tăng lên 20,4 % năm 2014; 22,4 % ở thời điểm 1/4/2015. Đàn gà ở vùng đồng bằng sông Hồng có xu hướng giảm từ 28,54% năm 2013 xuống 27,23 % năm 2014 và 25,64 % vào 1/4/29015. Đàn vịt không thay đổi. Đàn bò thịt có xu hướng phát triển mạnh ở vùng Duyên hải miền trung như Nghệ An, Hà Tĩnh… Bò sữa phát triển ở Mộc Châu, Ba Vì, Lâm Đồng, Nghệ An… Nhiều địa phương đã khuyến khích phát triển chăn nuôi chuồng kín, nuôi trên đệm lót sinh học. Số lượng trang trại chăn nuôi tăng từ 9.377 năm 2013 lên 9.897 năm 2014, giảm ở vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc và Duyên hải Nam Trung Bộ nhưng tăng ở Bắc Trung Bô, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều địa phương khuyến khích áp dụng chăn nuôi VietGAP, cả nước đã có 186 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp giấy chứng nhận gồm có 25 cơ sở nuôi lợn thịt, 38 cơ sở nuôi gà, 2 cơ sở nuôi bò sữa và 121 cơ sở nuôi ong mật. Nhiều địa phương đã ban hành quy hoạch chăn nuôi gắn với hệ thống giết mổ tập trung công nghiệp. Một số tỉnh đã bước đầu tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường như liên kết tổ hợp tác, hội ngành hàng.
Để đạt được kết quả trên, có sự chỉ đạo quyết liệt, rõ nét từng nội dung tái cơ cấu, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển chăn nuôi thực hiện tái cơ cấu, có cải cách hành chính…
TS. Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y đã báo cáo kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi lĩnh vực thú y. Trong đó nổi bật là xây dựng Luật Thú y và được quốc hội thông qua, thi hành từ 1/7/2015; Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hợp nhất, xây dựng các nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ phù hợp với điều kiện thực tiễn; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và đánh giá, chỉ định phòng thử nghiệm NN&PTNT; Xây dựng và thực hiện các đề án , dự án, chương trình, kế hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách và công tác chỉ đạo điều hành. TS Phạm Văn Đồng cũng báo cáo về kết quả công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong 6 tháng đầu năm 2015. Đến nay trên cả nước đã có 480 cơ sở chăn nuôi tại 27 tỉnh, thành phố được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB), tăng 280 cơ sở so với cùng kỳ năm 2014. Cục Thú y đã triển khai công tác kiểm dịch động vật, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thuốc thú y, cải cách thủ tục hành chính và xúc tiến thương mại…
Tại Hội nghị, nhiều báo cáo tham luận của các Viện nghiên cứu, tỉnh, thành phố về kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và các giải pháp đẩy mạnh tái có cấu ngành chăn nuôi. Điển hình như thành phố Hồ Chí Minh đã có chuyển biến rõ nét trong chăn nuôi, đã có chương trình hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn mở rộng chăn nuôi (906 tỷ đồng). Thành phố phát triển chăn nuôi heo và bò sữa, đàn heo 100 % là heo nái ngoại, năng suất tương đối cao, số lợn con/nái/năm trung bình là 24 con. Thành phố đã triển khai giết mổ gia súc, gia cầm tập trung rất tốt, có 23 cơ sở giết mổ hoạt động thường xuyên dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y, chính quyền địa phương, khuyến khích người dân khai báo khi phát hiện những sai sót để chấn chỉnh kịp thời.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã tổng hợp các ý kiến phát biểu của các đại biểu và đưa ra 6 giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi như sau:
1. Hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi, phù hợp nội dung và mục tiêu tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
2. Chú trọng con giống: Cần rà soát những giống đã có, phát huy những giống bản địa có năng suất, chất lượng tốt, đồng thời liên tục cập nhật và nhập nội những giống mới. Thông qua việc tăng cường quản lý, hỗ trợ các cơ sở giống và công tác thụ tinh nhân tạo nhằm nhân nhanh giống tốt phục vụ sản xuất và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
3. Tổ chức lại sản xuất: Phối hợp giữa Viện Chăn nuôi, Cục Chăn nuôi, ngành Thú y… để tạo ra những sản phẩm tốt phục vụ nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu. Hỗ trợ các nông hộ sản xuất, nâng thành gia trại, trang trại, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, giết mổ và chế biến công nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức liên kết chuỗi.
4. Đổi mới chính sách: Thực hiện những chính sách đã ban hành, đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu, chính sách, hành lang pháp lý…
5. Điều chỉnh đầu tư công: Triển khai mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển chăn nuôi. Hỗ trợ tư nhân phát triển sản xuất. Nên đầu tư xây dựng phòng khảo nghiệm, kiểm nghiệm và đào tạo nhân lực. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi thông qua các tổ chức chuỗi liên kết trong sản xuất…
6. Đổi mới và tăng cường quản lý nhà nước: Quản lý tốt chất lượng và an toàn vật tư, các sản phẩm chăn nuôi.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, cần duy trì tốc độ phát triển chăn nuôi hiện nay, làm tốt công tác thú y để không xảy ra dịch lớn, nên phát hiện dịch sớm và khống chế, tiêu diệt dịch gọn. Xây dựng cơ sở an toàn dịch bênh tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Rà soát công tác kiểm dịch để điều chỉnh cho phù hợp, bãi bỏ những bất hợp lý. Quản lý thức ăn, lò giết mổ, chống buôn lậu…
Nguyễn Thị Liên Hương
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia