Dùng ống nhựa dài 20 cm có đục lỗ xung quanh đóng xuống ruộng
để theo dõi mực nước, khi xuống âm 15 cm cho nước vào ruộng 3 - 5 cm
Truyền thống tưới nước cho lúa của bà con ta lâu nay là tưới ngập, sau khi phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm vài hôm là cho nước vào và giữ nước thường xuyên trong ruộng. Thậm chí có nơi thấy nước vừa ráo mặt ruộng là bà con vội vàng cho nước vào ruộng. Cách tưới nước cho lúa như vậy vừa tốn nước tưới vừa không tốt cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. Tưới ngập thường xuyên có mấy tác hại như sau: Cây lúa sinh trưởng chậm, đẻ nhánh kém, rễ lúa thiếu ô xy nên phát triển kém, đôi khi còn dễ bị hiện tượng nghẹt rễ, làm cho lúa bị bệnh vàng sinh lý. Ngoài ra, ruộng bị ngập nước thường xuyên còn gây nên việc thải nhiều khí hiệu ứng nhà kính như: CH
4, N
2O...Các nhà khoa học nông nghiệp đã khẳng định cây lúa không phải lúc nào cũng cần tưới ngập, tưới
ướt khô xen kẽ đúng phương pháp sẽ tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn (cao hơn 10 -15% so với tưới ngập), tạo điều kiện cho rễ lúa ăn sâu huy động được nhiều dinh dưỡng, hạn chế đổ ngã. Cách làm như sau:
- Lúa sau sạ, phun thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm, cho nước vào ruộng khoảng 2- 3 cm, giai đoạn lúa đẻ nhánh đến làm đòng là giai đoạn thực hiện tưới ướt khô xen kẽ. Lúa sau khi bón phân thúc lần 1 (lúc bón phân trong ruộng phải có nước 2- 3 cm) để ruộng tự khô, khi nào thấy mặt ruộng nứt chân chim (đối với đất thịt nhẹ - thịt nặng) và se khô lớp mặt (đối với chân đất cát) cho nước vào 3 - 5 cm và để ruộng tự khô; lặp đi lặp lại nhiều lần càng tốt. Đến khi bón đóng đòng, cho nước vào 5 - 7 cm để bón phân và giữ mực nước này đến trước thu hoạch 10 ngày rút nước phơi ruộng.
- Việc xác định thời điểm cho nước vào sau khi phơi ruộng rất quan trọng, tốt nhất bà con dùng ống nhựa (ống nước bằng nhựa đường kính 5 - 8 cm), chiều dài 20cm đục các lỗ xung quanh ống rồi đóng xuống ruộng, mặt trên của ống ngang với mặt ruộng, phơi ruộng khi nào mực nước trong ống tuột xuống 15 cm so với mặt ruộng (- 15 cm) là tiến hành cho nước vào như trên.
Trong quá trình thực hiện việc tưới ướt khô xen kẽ nhưng đến thời kỳ bón phân thúc phải cho nước vào để bón, không được bón phân khi ruộng cạn nước. Nếu không thực hiện tưới ướt khô xen kẽ cho cả chu kỳ từ lúc lúa đẻ nhánh đến làm đòng thì trong giai đoạn này, cố gắng phơi ruộng được một vài lần cũng tốt hơn chúng ta tưới ngập thường xuyên.