1. Gống và thời vụ:
* Giới thiệu một số giống ngô lai đang trồng phổ biến hiện nay: Giống ngô lai CP 888; CP333; PAC 339; SSC 586; SSC 2095; LVN 61; LVN 99; LVN 8960 ….
* Thời vụ trồng:
- Vụ Đông xuân: từ 25/12 đến 15/1.
- Vụ Hè thu: Theo thời vụ từng địa phương, thông thường trên chân đất lúa gieo trồng từ 01à 15/4 hoặc 25/5- 10/6, để tránh ngô trổ cờ phun râu gặp tiết Mang chủng. Trên chân đất lúa chuyển đổi theo thời vụ sản xuất lúa do Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành từng vụ.
Lưu ý: Chân đất lúa không chủ động nước nên xuống giống càng sớm càng tốt, gặt lúa ĐX xong, giải phóng đất và tận dụng độ ẩm của đất xuống giống ngay. Vụ Hè Thu bố trí mật độ cao hơn vụ Đông Xuân.
2. Chọn đất và kỹ thuật làm đất:
- Chọn đất: Chọn đất cát pha, thịt nhẹ, giữ ẩm và thoát nước tốt, không bị ngập úng.
- Làm đất: Cày sâu, bừa kỹ, làm sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng vụ trước, tùy chân đất mà lên luống phù hợp, thuận lợi tưới tiêu.
4. Lượng giống gieo trồng, kỹ thuật gieo:
* Lượng giống: 15 - 20kg/ha.
* Mật độ khoảng cách:
Giống chịu mật độ cao ở điều kiện thâm canh: 66.000 – 72.000 cây/ha tương ứng với khoảng cách và phương thức trồng như sau:
- Hàng đơn: 60 cm x 25 cm/1 hạt (65- 66.000 cây/ha)
- Hàng kép: khoảng cách hàng hẹp khoảng 40 cm; khoảng cách hàng rộng 70 cm; khoảng cách cây 25 cm để đạt mật độ từ 70- 72.000 cây/ha . Đối với ruộng có xen đậu tương nên trồng khoảng cách cây 35 cm x 35 cm xen giữa hốc đậu tương từ 3- 4 hạt/hốc.
Lưu ý: Để đảm bảo mật độ, sau trồng 5- 7 ngày nên tiến hành dặm vào những chỗ hạt không nảy mầm bằng cây trồng trong bầu hoặc mạ ngô với kỹ thuật làm như sau: Đất bùn trộn với phân chuồng ủ hoai mục tỷ lệ 2:1 và 4kg supe lân cho số bầu/sào hoặc dùng lá chuối, giấy…, rải đều bùn dày 5cm. Khi bùn se, dùng dao, thước đo cắt rời từng bầu kích thước 5x5x5(cm). Sau đó dùng hạt ngô đã ngâm đủ nước, dùng ngón tay chọc lỗ bỏ hạt vào bầu, lấy tro bếp phủ kín hạt. Luôn giữ độ ẩm cho bầu ngô đến khi cây được 2-3lá (lúc ngô 5-7 ngày) tiến hành đem ra ruộng để dặm.
* Kỹ thuật gieo:
Sau khi lên luống xong, rạch hàng sâu 12 – 15cm, bón phân lân lót, lấp kín phân rồi mới gieo hạt. Độ sâu lấp hạt tùy theo điều kiện đất đai của từng mùa vụ, thông thường 3 – 5cm.
5. Phân bón:
*Lượng phân bón cho 1 sào (500m2), như sau:
- Phân chuồng hoai mục: 500kg
- Vôi 25kg, phân đạm ure 18 - 20kg, phân lân 25 – 30kg, phân kali 8 – 10kg.
* Cách bón:
- Bón lót:
+ Vôi được bón trước khi gieo hạt 7 – 10 ngày, vãi đều trên mặt.
+ Bón toàn bộ phân chuồng + phân lân
- Bón thúc:
+ Bón lần 1: Sau gieo 10 – 12 ngày (lúc ngô 3 – 4 lá): 1/3 lượng phân urê + 1/3 lượng phân KaliClorua.
+ Bón lần 2: Sau khi gieo 25 – 30 ngày (lúc ngô 7 – 9 lá): 1/3 lượng phân urê + 1/3 lượng phân KaliClorua.
+ Bón lần 3: Sau khi gieo 45 – 50 ngày (ngô xoáy nõn): Bón lượng phân còn lại.
Lưu ý: Khi bón phân ruộng phải sạch cỏ dại, bón cách gốc từ 10-15 cm, lấp kín phân sau bón.
6. Làm cỏ, vun gốc, tưới tiêu:
- Phun thuốc trừ cỏ: Từ 1-3 ngày sau khi gieo hạt tiến hành phun thuốc diệt cỏ Dual 720 ND hoặc MaiZine 80 WP với liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
- Xới phá váng: Sau khi ngô mọc đều đến 2-3 lá, đất có thể đóng váng và cỏ non cũng đã mọc, nên tiến hành xới xáo mỏng nhằm phá váng, hạn chế sự mất nước sau đó bón phân thúc lần 1.
- Làm cỏ vun vừa : Sau khi ngô có từ 3- 4 lá, tiến hành bón thúc lần 1, kết hợp vun gốc để giữ phân, diệt cỏ.
- Vun cao kết hợp bón thúc lần 2: Trong khi tiến hành bón thúc đợt 2 cần kết hợp xới xáo diệt cỏ và lấy đất vun cao, vừa để lấp phân vừa giúp cây chống đổ và tạo thành rãnh thoát nước đến cuối vụ.
- Tưới nước: Ngô là cây trồng cạn, chịu úng kém nhưng khi độ ẩm đất ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến sức sinh trưởng và năng suất ruộng ngô. Đặc biệt cần quan tâm ở 4 thời kỳ sau:
+ Thời kỳ cây có từ 3- 4 lá (thời kỳ chuyển giai đoạn lấy chất dinh dưỡng từ hạt mầm sang lấy chất dinh dưỡng từ đất);
+ Thời kỳ 6- 9 lá: giai đoạn cây bắp tạo lập các cơ quan sinh thực (bông cờ, chồi bắp);
+ Thời kỳtrước và sau khi cây bắp ra hoa 7 ngày: giai đoạn xác định số hạt, kích thước hạt và sức chứa đổ đầy hạt;
+ Thời kỳ ngô trỗ cờ, tung phấn, phun râu.
7. Rút (bẻ) cờ:
Một số cây sinh trưởng xấu, khi cờ mới nhú ra thì rút cờ nhằm tập trung dinh dưỡng để nuôi cây và tạo điều kiện cho cây đó nhận phấn của cây khác khỏe hơn tạo điều kiện cho hạt, bắp lớn hơn. Có thể rút 10–15% số cây. Đây cũng là một trong những biện pháp tăng năng suất.
8. Phòng trừ sâu bệnh hại:
Thường xuyên theo dõi để phát hiện và có giải pháp phòng trừ các đối tượng thường phổ biến xảy ra như: Sâu Xám (thời kỳ cây con); Sâu đục thân, đục trái, bệnh khô vằn (thời kỳ từ trỗ cờ- chín), … nên sử dụng thuốc BVTV đặc trị cho từng đối tượng để xử lý.
9. Thu hoạch:
Tiến hoạch thu hoạch khi ngô đủ độ chín sinh lý, được xác định bởi các biểu hiện sau:
+ Lá bi bắt đầu vàng, lá phía dưới đã khô
+ Thấy được vết sẹo đen ở chân hạt
+ Độ ẩm hạt khoảng 30-35% (tuỳ theo giống)
Thu hoạch xong tiến hành bóc vỏ trái và phơi từ 1-2 nắng rồi cho vào máy để lảy hạt, sau đó tiếp tục phơi thêm 1- 2 nắng nữa đến khi độ ẩm khoảng 14 % đưa vào bảo quản.
10. Bảo quản ngô:
Hạt ngô sau khi được phơi khô, quạt sạch nên đổ vào thùng phi, chum, vại… Khi dụng cụ đã đầy, phủ một lớp giấy báo rồi rải tro khô, vôi bột hoặc một lớp lá xoan khô, sau đó bịt kín nhằm để giữ ẩm và hạn chế sâu, mọt xâm nhập gây hại. Nếu ngô trồng trong vụ Hè Thu khi thu hoạch gặp thời tiết âm u, mưa phùn, ngô không phơi được, khi thu hoạch nên giữ lại một ít lá bi buộc túm và treo lên dây, trên sào tre vừa hong khô vừa bảo quản luôn. Tuy nhiên, khi trời nắng cũng nên đem ngô ra phơi. Khi có điều kiện tẽ hạt, phơi khô và bảo quản trong chum, vại./.