2. Kỹ thuât trồng:
a. Mật độ trồng:
Trên đất kém độ phì nhiêu, thiếu nước có thể trồng với mật độ hàng cách hàng 4m, cây cách cây 3m. Trên đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và nguồn nước có thể trồng với mật độ hàng cách hàng 3,5m, cây cách cây 2,5m. Để tăng hiệu quả sử dụng đất, góp phần tăng thu nhập thì khi cây ổi chưa giao tán ta trồng thêm cây nông nghiệp ngắn ngày vào giữa các hàng cây.
b. Hố trồng và phân bón:
Kích thước hố trồng cũng phụ thuộc vào chân đất tốt hay xấu, tuy nhiên kích thước hố trung bình như sau: 0,4m x 0,4m x 0,4m. Bón lót mỗi hố 10 - 15 kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg super lân + 0,3 kg kali + 0,1 kg vôi bột. Phân lân được trộn đều với đất, cho xuống hố, vun đất đầy hố và cao hơn mặt đất tự nhiên 15 - 20 cm (không trồng cây tiếp xúc trực tiếp với phân). Nếu không có phân chuồng có thể sử dụng phân lân vi sinh với số lượng 5 - 7 kg/hố.
c. Cách trồng:
Dùng cuốc hoặc bay moi đất giữa hố với độ sâu, sâu hơn chiều cao của túi bầu, đặt bầu cây vào giữa hố, dùng dao sắc rạch và bỏ tùi nilon, vun đất nén chặt xung quanh bầu. Dùng rơm rạ phủ xung quanh gốc một lớp dày 2-3 cm. Tưới ngay sau khi trồng mỗi cây 1 thùng nước. Những cây cao hoặc lộc non thì cắt bỏ vừa để tạo tán vừa chống mất nước cho cây. Sau trồng 20 ngày cây ổn định tháo bỏ lớp nilon chỗ vết ghép để cây phát triển.
3. Chăm sóc và tạo tán
Trong tuần đầu tiên mỗi ngày tưới 1 lần/ngày vào buổi sáng hoặc chiều mát. Sau đó 2 - 3 ngày tưới 1 lần cho tới hết tháng. Khi cây đã phục hồi sẽ tưới ít hơn, đảm bảo đất luôn ẩm. Trong giai đoạn chưa mang quả có thể bón cho cây 0,5 kg đạm + 0,5 kg kali + 1 kg lân, mỗi loại phân bón chia làm nhiều lần. Có thể rải phân quanh tán và lấp đất hoặc hòa với nước tưới. Trong thời gian chờ cây ghép tán có thể trồng xen đậu, lạc, cây phân xanh …
Khi cây cao 30 - 40 cm, bấm ngọn để tạo cành cấp II, từ đây sẽ tạo thành cành cấp III. Nên để 3 - 4 cành cấp I; 6 - 8 cành cấp II; 12 - 16 cành cấp III, cây sẽ có bộ tán thấp hình mâm xôi.
4. Sâu bệnh và cách phòng trị bệnh:
Đối với vườn mới trồng sâu bệnh chính thường hại trên lá non, lộc non và gốc rễ.
+ Nhóm sâu chích, hút: Bọ xít, rầy, rệp, nhện đỏ, bọ trĩ …
+ Nhóm sâu ăn lá: Sâu đo, sâu cuốn lá, châu chấu, vòi voi …
+ Bệnh hại lá: Xén mép lá, khô đầu lá, đốm lá …
+ Hại gốc rễ: Mối, kiến, bọ cánh cứng …
Đối với sâu, bệnh trên lá phun thuốc 2 lần cho mỗi đợt lộc, lần 1 khi cây bắt đầu phát lộc, lần 2 khi lộc rộ có thể phun riêng hoặc phun phối hợp cả thuốc sâu và bệnh.
+ Trừ nhóm sâu chích hút: Có thể dùng các thuốc như: Sherpa (0,1%), Trebon (0,1 - 0,2%), Depterx (0,2%), Danitol (0,1 - 0,2 %).
+ Trừ nhóm sâu ăn lá: Dùng 1 trong các thuốc sau: Decis ( 0,1 - 0,2%), Sumicidine ( 0,1 - 0,2%).
+ Phòng trừ bệnh: Rhidomil MZ ( 0,2%), Anvil ( 0,2%), Bayfidan ( 0,2%), Score ( 0,1 - 0,2%), Aliette ( 0,3%).
Đối với kiến, mối, bọ, bọ cánh cứng hại rễ, gốc: Sử dụng Basudin, Lindanfor, Sevidol để trị. Dùng 1 trong các loại thuốc trên, trộn 1 thuốc + 10 cát, rắc xung quanh gốc và hố./.