Đông xuân 2014-2015, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn như: đầu vụ mưa lạnh kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của nhiều loại cây trồng, nhất là cây trồng cạn, đặc biệt ảnh hưởng của đợt mưa lớn trái mùa diễn ra từ 24 - 28/3/2015 trên diện rộng, đúng vào dịp các trà lúa trỗ rộ, làm giảm năng suất một số trà lúa và ảnh hưởng đến một số diện tích cây màu: dưa hấu, ớt, thuốc lá...Nhưng xét tổng thể, có thể nói vụ Đông Xuân (ĐX) năm nay là một trong những vụ Nông nghiệp được mùa trên nhiều lĩnh vực. Đó cũng là ý kiến của đa số địa biểu tại Hội nghị sơ kết sản xuất Đông xuân 2014-2015 và triển khai sản xuất vụ Hè Thu 2015 do Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Nam tổ chức vào ngày 05/05/2015.
Theo đó, cây lúa sản xuất được 43.470 ha (đạt hơn 101% kế hoạch), năng suất bình quân ước đạt 55,7 tạ/ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1,2 tạ/ha (là vụ ĐX có năng suất cao nhất), nhưng so với ĐX các năm trước đó thì ĐX năm nay vẫn đạt cao hơn (cụ thể ĐX 2011-2012: 54,7 tạ/ha, ĐX 2012-2013: 55,3 tạ/ha); cây ngô diện tích sản xuất 5.671 ha, năng suất đạt 43,6 tạ/ha tương đương với ĐX năm trước (43,87 tạ/ha), cây lạc diện tích 8.400 ha năng suất đạt 22,5 tạ/ha, cao hơn ĐX năm ngoái 3,84 tạ/ha. Đối với chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng hơn cùng kỳ năm trước, cụ thể: đàn bò 151.249 con (tỷ lệ bò lai đạt 47%), tăng 6,3%; đàn trâu 70.800 con tăng 1,4%, đàn lợn 500.500 con, tăng 1,4%; tổng đàn gia cầm 5.453.000 con tăng 4,5 %. Về lĩnh vực thủy sản, cả sản lượng khai thác và nuôi trồng đều tăng hơn cùng kỳ, cụ thể là: Khai thác đạt 19.550 tấn, tăng 5,7%; nuôi trồng 5.670 ha, sản lượng thu hoạch 3.390 tấn, tăng 5,94%. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như trồng rừng, thủy lợi, phát triển nông thôn đều có những kết quả khá tốt, hầu hết đều có bước tăng trưởng hơn cùng kỳ.
Những kết quả trên là tiền đề thúc đẩy sản xuất, mà cụ thể là vụ Hè Thu 2015, để hy vọng Quảng Nam lại có một năm sản xuất Nông nghiệp thắng lợi toàn diện. Nhưng để đạt được điều này, các ngành các cấp mà đặc biệt là bà con nông dân Quảng Nam cần thực hiện tốt những nhiệm vụ chính, đó là (1) Bám sát lịch thời vụ và cơ cấu giống của Sở đã ban hành, tổ chức sản xuất tốt, hạn chế tối đa những bất lợi của thời tiết, sử dụng nước tưới tiết kiệm, có phương án phòng chống hạn và nhiễm mặn cụ thể, hiệu quả, bám sát dự tính dự báo của Ngành Bảo vệ thực vật để phòng chống có hiệu quả dịch hại. (2) Tăng cường phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các cơ chế khuyến khích chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh. (3) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cho ngư dân trong tỉnh khai thác có hiệu quả Vụ cá Nam (thường là chiếm 2/3 sản lượng khai thác cả năm); đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, giám sát và xử lý tốt tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; Tiếp tục nghiên cứu triển khai có hiệu quả Nghị định 67 của Chính phủ, chú trọng cả 2 nhiệm vụ là phát triển tàu công suất lớn và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá (cả tàu dịch hậu cần và dịch vụ hậu cần trên bờ) (4) Chú trọng công tác tổ chức trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng (5) nâng cao hiệu quả đầu tư, có trọng tâm, trọng điểm để đến cuối năm 2015 Quảng Nam có 46 xã, 01 huyện (Phú Ninh) và 01 thị xã (Điện Bàn) đạt chuẩn Nông thôn mới. Cuối cùng, để đạt được những nhiệm vụ trên, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng những mô hình có hiệu quả, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, thúc đẩy mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, đồng thời không thể thiếu sự quyết tâm chỉ đạo, vào cuộc đồng hành cùng nông dân của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị.