|
Áp dụng mô hình mới, năng suất lúa vụ hè thu ở Tam Trà tăng cao.Ảnh: VĂN PHIN |
Tam Trà là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Núi Thành. Xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 9.733ha, đất sản xuất nông nghiệp 522,8ha, trong đó đất trồng lúa 106,8ha gồm đất lúa chủ động nước: 90ha, không chủ động nước: 16,8ha, có 10ha đất rẫy. Nhiều năm qua, Tam Trà có ngành sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững, đặc biệt là năng suất lúa đạt thấp và bấp bênh so với các địa phương khác của huyện Núi Thành (lúa nước chỉ ở mức 40 - 45 tạ/ha, lúa rẫy 20 - 25 tạ/ha). Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đưa các giống lúa mới vào sản xuất còn hạn chế. Bà con nông dân theo tập quán sạ cấy dày và chưa có kiến thức về cách bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Để góp phần nâng cao kiến thức về sản xuất cây lúa cho bà con, đặc biệt là đồng bào Co ở miền núi, vụ hè thu năm nay, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành đã thực hiện mô hình thâm canh canh tác lúa cải tiến (gọi tắt là SRI, tức là bắt mạ non, cấy mật độ thưa) tại thôn Tú Mỹ. Đây là thôn có nhiều đồng bào dân tộc Co sinh sống.
Mô hình SRI với mục đích làm thay đổi tập quán canh tác cây lúa của đồng bào dân tộc ở những vùng lúa có đặc thù địa hình không thuận lợi, ruộng bậc thang, manh mún và không chủ động về nguồn nước. Mô hình đã được 2 hộ đồng bào dân tộc Co thực hiện trên diện tích 6 sào tại đồng Đập Đá (thôn Tú Mỹ) với 30 hộ tham gia học tập. Với việc sử dụng giống OM4900, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành tập huấn kỹ thuật bắc mạ, cấy và các quy trình điều tiết nước, quản lý cỏ dại và kỹ thuật bón phân hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên ruộng lúa. Trong bắc mạ, theo hướng dẫn của mô hình SRI, bà con dùng đất xốp và phân nên khi nhổ mạ không phải giũ mạnh và cắt ngọn như trước đây để giữ cho cây mạ khỏe. Kết quả năng suất lúa trong mô hình đạt 28,2 tạ/ha, tăng hơn 7,2 tạ/ha so với sản xuất trên cùng loại đất ngoài mô hình. Sản xuất theo mô hình SRI tiết kiệm được thuốc bảo vệ thực vật, lượng giống và năng suất tăng lên đem lại tổng lợi nhuận mỗi sào là 394.000 đồng. Nếu đem áp dụng cho 10ha lúa rẫy ở xã Tam Trà thì sẽ thu lợi 78.800.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, đồng bào dân tộc Co, thôn Tú Mỹ, xã Tam Trà vui mừng: “Trước đây chúng tôi cũng có cấy mạ nhưng cấy dày, tốn mạ mà năng suất thấp, nay theo hướng dẫn của mô hình SRI, chúng tôi thấy rất có lợi, ít tốn giống, ít làm cỏ, giảm thuốc trừ sâu mà năng suất đạt cao, chúng tôi rất mừng và tiếp tục sản xuất theo mô hình này”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Trà cho hay: “Những năm qua, Đảng và Nhà nước hỗ trợ rất nhiều cho Tam Trà thông qua các Chương trình 134, 135 và nhiều chương trình, dự án khác. Tuy nhiên, xã vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Mô hình thâm canh canh tác lúa cải tiến (SRI) trên đồng đất Tú Mỹ có hiệu quả mở ra hướng đi mới cho sản xuất cây lúa rẫy ở Tam Trà. Chúng tôi mong rằng ngành nông nghiệp huyện Núi Thành và các trạm kỹ thuật tiếp tục giúp đỡ để đồng bào dân tộc Co nhân rộng mô hình này trong những vụ mùa tới”.
Qua thực tế mô hình thâm canh lúa cải tiến trên đồng Đập Đá, thôn Tú Mỹ (Tam Trà) đã đạt kết quả. Đây là mô hình làm thay đổi tập quán canh tác cây lúa theo hướng có lợi, nâng cao kỹ năng hiểu biết về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng cho bà con đồng bào Co, nâng cao thu nhập, giảm ô nhiễm môi trường nhờ giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật đồng thời mô hình cũng gắn kết tính cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới. Kỹ sư Trần Văn A, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành khẳng định: “Mô hình canh tác lúa cải tiến SRI chuyển đổi từ sạ qua bắc mạ non để cấy với mật độ thưa hợp lý trên đất Tam Trà đã đem lại hiệu quả về nhiều mặt. Từ hiệu quả trên, tôi đề nghị các ngành tiếp tục quan tâm. Xã Tam Trà và đồng bào dân tộc Co nhân rộng mô hình SRI ở những chân ruộng bậc thang, không chủ động nguồn nước trên địa bàn. Đây là mô hình được tỉnh hỗ trợ cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được phát huy hiệu quả”.
VĂN PHIN