Những ngày đầu tháng 5, trên khắp các cánh đồng trồng dưa hấu của các xã Tam Phước, Tam Lộc, Tam Thành… thuộc huyện Phú Ninh, người dân tập trung thu hoạch dưa để bán. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, vụ dưa hấu năm nay đạt cả về sản lượng và giá bán. Năng suất bình quân trên dưới 30 tấn/ha và giá bán dao động từ 5000 - 6000 đồng/kg. Tuy nhiên, người nông dân bán dưa chủ yếu thông qua thương lái; chưa có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm dưa hấu được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc… Đây là, nguyên nhân tiềm ẩn rủi ro cao “được mùa, mất giá…” đã nhiều năm qua nhưng chưa có chuyển biến.
Hình ảnh: Vùng trồng dưa hấu tập trung
Vùng trồng dưa hấu của huyện Phú Ninh đã được cấp 9 MSVT (mã số vùng trồng) xuất khẩu. Nhưng trong thời gian qua, việc duy trì các MSVT này chưa được thực hiện tốt theo quy định như: Các MSVT đã được cấp chưa cập nhật được danh sách nông dân, diện tích sản xuất cụ thể của từng hộ; tổ chức sản xuất trong vùng trồng không theo tiêu chuẩn quy định (an toàn thực phẩm, GAP hoặc tương đương); Trong mỗi vùng trồng không thực hiện sản xuất và quản lý sinh vật gây hại theo cùng một quy trình cụ thể; không có nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; … Dẫn đến MSVT cấp chưa phát huy hiệu quả, không duy trì được các yêu cầu MSVT đối với nước nhập khẩu (Trung Quốc). Vì vậy, chưa có lô dưa hấu nào có nguồn gốc xuất xứ tại Quảng Nam, đã được cấp MSVT xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Hình ảnh: Vùng trồng dưa hấu tập trung, là điều kiện để cấp MSVT
Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu dưa hấu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Với việc ký kết Nghị định thư, phía Việt Nam đã cam kết tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuât, điều kiện về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Việc này giúp nâng cao uy tín, chất lượng của dưa hấu Việt Nam, tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu bền vững.
Đối với Quảng Nam nói chung và huyện Phú Ninh nói riêng (thủ phủ sản xuất dưa hấu của tỉnh) để đảm bảo cho sản xuất dưa hấu bền vững, đầu ra ổn định, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Điều quan trọng là cần tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau đây:
- Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể có MSVT đã được cấp rà soát, cập nhật hồ sơ đầy đủ thông tin về vùng trồng như: diện tích, danh sách hộ nông dân tham gia sản xuất, hồ sơ ghi chép phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm (đối với các MSVT không đáp ứng diện tích tối thiểu theo quy định, phải có phương án mở rộng diện tích vùng trồng); thực hiện đăng ký, cập nhật thông tin trước mỗi vụ sản xuất, thu hoạch theo quy định; tổ chức liên kết sản xuất dưa hấu theo quy trình VietGAP và đăng ký cấp Giấy chứng nhận VietGAP theo quy định. Trường hợpvùng trồng không thực hiện khắc phục để đáp ứng yêu cầu, quy định của nước nhập khẩu theo Tài liệu kỹ thuật hướng dẫn thiết lập và quản lý MSVT, CSĐG phục vụ xuất khẩu (Công văn 1624/BVTV-HTQT ngày 23/6/2023 của Cục Bảo vệ
thực vật) sẽ thực hiện thu hồi mã số đã cấp theo quy định;
- Tham mưu bố trí nguồn lực để chủ động tổ chức thực hiện tốt công tác thiết lập và quản lý MSVT; tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu;
- Bố trí cán bộ làm đầu mối và có phương án chuyển giao khi có sự thay đổi vị trí công tác để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động quản lý MSVT;
- Chủ động có các biện pháp bảo vệ các mã số đã được cấp, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý địa phương khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng hay khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời;
- Phối hợp, thực hiện công tác giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng đã được cấp mã số; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng;
Trong thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương, tổ chức nhiều lớp tập huấn liên quan đến MSVT và cơ sở đóng gói; ngày 05/4/2024 UBND huyện Phú Ninh cũng đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai, hướng dẫn xây dựng, đăng ký cấp và quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn huyện . Hy vọng rằng, với những bước đi cụ thể và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý ở địa phương sẽ giúp cho vùng trồng dưa hấu ở huyện Phú Ninh phát triển bền vũng./.