Cháy rừng là một trong những thảm họa, gây thiệt hại đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ thiệt hại về cây rừng hay hệ sinh
thái rừng, mà còn mất đi cái nôi trú ngụ của nhiều loài động vật, làm ảnh hưởng đến mội trường sinh thái và nhất là làm mất đi kho tàn
vi sinh vật vô cùng quý giá trong đất. Tác hại và tính chất nguy hiểm của việc cháy rừng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học....
Hình 1: Đốt nương làm rẫy không làm đường băng cản lửa đám cháy lây lan vào rừng tự nhiên
Nhằm hạn chế tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra Trung tâm Khuyến nông xin giới thiệu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy trong rừng (PCCCR) như sau:
*/ Các nguyên nhân chính gây ra cháy rừng:
- Do hoạt động của con người, các hoạt động sản xuất của con người như đốt rừng làm nương rẫy, đốt than, đốt thực bì để thu nhặt kim loại, hun khói để lấy mật ong và nhiều hoạt động khác có thể gây cháy rừng. Hoạt động khai thác rừng hoặc vô ý gây cháy rừng cũng có thể là nguyên nhân gây cháy rừng.
- Do các hoạt động xã hội khác như trẻ em chăn trâu đốt lửa để sưởi ấm; đốt hương đi tảo mộ; phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số thả đèn trong các ngày lễ hội vô ý gây cháy; các hoạt động dã ngoại và bắn đạn thật trong quân đội gây cháy rừng…;
Hình 2: Tác hại và tính chất nguy hiểm của việc cháy rừng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học
*/Các biện pháp phòng cháy rừng trong những tháng cao điểm nắng nóng
- Tuyên truyền và giáo dục: Thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng phải được thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chịu trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng. Tổ chức hoạt động tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức về phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng, đào tạo người dân và nhân viên liên quan về cách phòng cháy chữa cháy báo cháy và cách sơ tàn an toàn khi xảy ra cháy rừng.
- Kiểm soát và giám sát: Tăng cường việc kiểm tra và giám sát các hoạt động trong khu vực rừng đặc biệt là việc đốt rác, đốt lửa. Hàng năm chủ rừng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và thực hiện việc giảm vật liệu cháy rừng để phòng ngừa nguy cơ cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra cháy rừng.
- Giám sát và kiểm soát mục đích sử dụng rừng: Đảm bảo rằng mục đích sử dụng rừng được thực hiện theo quy định và các hoạt động như khai thác gỗ, chăn nuôi hoặc du lịch được tiến hành một cách an toàn và tuân thủ quy tắc phòng cháy chữa cháy phối hợp với các cơ quan chức năng.
- Xác định và loại bỏ nguy cơ cháy: Xác định các yếu tố có thể gây cháy rừng bao gồm rác thải, chất khô, cây bị chết hoặc cây chưa được cắt tỉa. Loại bỏ các vật liệu dễ cháy và tạo khoảng trống an toàn để ngăn chặn sự lan truyền cháy.
- Thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan chức năng như lực lượng phòng cháy chữa cháy, cơ quan quản lý rừng, lực lượng bảo vệ môi trường và cộng đồng địa phương để tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và phản ứng nhanh khi có cháy rừng xảy ra. Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn người dân địa phương việc sử dụng lửa trong sản xuất, canh tác, đốt xử lý thực bì trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện đúng thời điểm, địa điểm; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng đối với các hộ dân có hoạt động sản xuất, canh tác gần rừng. Với phương châm “Phòng cháy hơn chữa cháy” thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCCR bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức phối hợp UBND các xã, các Hạt kiểm lâm, trạm kiểm lâm thực hiện tuyên truyền lưu động tại các xã có rừng trên địa bàn để người dân biết được sự nguy hiểm cũng như hậu quả nghiêm trọng của việc cháy rừng, ý nghĩa của công tác PCCCR./.