Nằm trong chuỗi kế hoạch hoạt động khuyến nông năm 2023. Từ ngày 23 đến ngày 29 tháng 10, đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cùng một số thành viên của Hợp tác xã, tổ Khuyến nông cộng đồng các địa phương trong tỉnh đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh phía Bắc. Với mục đích tìm hiểu một số chủ trương, cơ chế chính sách, thông tin về tổ chức, hoạt động, phương thức xây dựng Tổ khuyến nông cộng đồng tại cơ sở và tham quan các mô hình khuyến nông điển hình, tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.
Tại Nghệ An, đoàn được Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đưa đi tham quan mô hình sản xuất Sen lấy hoa và hạt gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị.
Mô hình trồng sen
Ngay buổi tham quan mô hình, anh Phạm Kim Tiến – Giám đốc hợp tác xã Sen Quê Bác chia sẻ kinh nghiệm trong phương pháp trồng sen, các giống sen mới, biện pháp phòng trừ một số loại sâu bệnh hại cũng như liên kết chế biến tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian đến sẽ xây dựng Hội sản xuất Sen của Nghệ An nhằm hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất sen bền vững.
Mô hình trông Nhãn
Đến tỉnh Hưng Yên, đoàn đã đi tham quan học tập mô hình trồng cây ăn quả như Nhãn, ổi, Bưởi, Cam,… Tromg đó mô hình trồng chuối tiêu hồng kết hợp với nuôi ghép các đối tượng thủy sản là mô hình đặt trưng, mang về lợi nhuận cao. Trung bình cho thu lãi từ 300- 350 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình chuối tiêu tại Hưng Yên
Anh Nguyễn Tùng Giang giám đốc HTX Tiến Thành chia sẻ: Giống chuối tiêu nuôi cấy mô là dễ trồng, cây sinh trưởng, phát triển mạnh, ít sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch và cho lãi cao hơn hẳn chuối thường. Với mức giá bình quân 8.000 đồng/kg, 1ha thu về khoảng 260 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 120 triệu đồng/1ha tăng hơn 30% so với thu nhập từ trồng các loại cây trồng khác.
Tại Quảng Ninh, đoàn đã tham mô hình trồng cây Na Đài. Đây là mô hình sản xuất với giống cây Na mới có tên QN-D1(xuất thân từ cây na Dứa Đài Loan). Giống này có khả năng sinh trưởng vượt trội và chống chịu sâu bệnh tốt. Cây ghép năm thứ 4 sau trồng đạt 30-40 quả/cây đạt trung bình 17,5 kg/cây, tương đương 8-10 tấn/ha); quả to trọng lượng bình quân đạt 500gram, ít hạt. Ngoài ra Quảng Ninh cũng đã thành lập hơn 100 tổ khuyến nông cộng đồng tại các địa phương. Với phương châm mỗi xã thành lập 1 tổ khuyển nông cộng đồng và giao phó chủ tịch xã làm tổ trưởng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ phát triển mạnh hơn để góp phần hỗ trợ cho tỉnh về đích nông thôn mới sớm nhất.
Mô hình Na Đài QN-D1 tại Quảng Ninh
Đến Hải Phòng đoàn được Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao. Các hợp tác xã nuôi tôm thẻ chân trắng được các công ty C.P hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm 3 giai đoạn và được hỗ trợ 50% con giống khi thực hiện mô hình. Liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm ổn định. Chính vì vậy mà các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh phát triển ổn định và bền vững.
Đánh giá về chuyến tham quan học tập, ông Lê Hữu Hà – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam – Trưởng đoàn tham quan cho rằng chuyến đi thực sự bổ ích, cán bộ khuyến nông và các thành viên tổ khuyến nông công đồng địa phương được trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các tỉnh phía Bắc về công tác hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng. Thông qua việc tham quan học tập các mô hình hiệu quả và trao đổi trực tiếp với các Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, Hợp tác xã, chủ trang trại,… đoàn công tác đã đút rút ra được những kinh nghiệm quý và những bài học hay để về áp dụng cho địa phương.
Qua tham quan học tập đã giúp các thành viên trong đoàn học được các phương pháp hoạt động khuyến nông hiệu quả, được chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt vấn đề sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó các thành viên trong đoàn cũng học được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức của bộ máy khuyến nông, chính sách và nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến nông của các địa phương và hiểu được văn hóa của các vùng miền.
Chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Qua tìm hiểu ý kiến từ các thành viên đoàn, việc tổ chức chuyến tham quan rất ý nghĩa thiết thực trong việc mở rộng tầm nhìn và kiến thức trong việc tổ chức hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng các địa phương và các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời các nội dung học hỏi đã giúp các thành viên tham gia học hỏi và tiếp thu được nhiều thông tin đạt kết quả mong đợi và sẽ chọn lọc các mô hình hiệu quả, phù hợp để áp dụng vào địa phương tìm kiếm được các phương thức canh tác mới trên các vùng miền, các phương pháp thực hiện nhằm tăng năng suất, giảm thiểu tác động và thích ứng tốt hơn với BĐKH, nâng cao nhận thức việc áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất và xúc tiến thương mại, từng bước xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế phù hợp và hiệu quả tại tỉnh Quảng Nam./.