Lớp tập huấn đã triển khai các chuyên đề về vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Kỹ năng phát triển sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của địa phương và chuyên đề Tổng quan Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và định hướng giai đoạn 2026-2030.
Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
PGS.TS Nguyễn Minh Phương-Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ
Hà Nội tại buổi tập huấn
Tại buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Minh Phương trình bày một số nội dung trọng tâm của Bộ Nội vụ trong tham mưu triển Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm:
- Đề án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn cho cán bộ, công chức xã theo quy định, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
- Các điểm mới của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, thay thế 4 văn bản quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã (Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2000 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2021 của Chính phủ về công chức, xã, phường, thị trấn và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố).
Kỹ năng phát triển sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của địa phương
TS. Đặng Văn Cường, Trưởng bộ phận cấp chứng thư, cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường - RETAQ báo cáo chuyên đề
Chuyên đề này tập trung những điểm then chốt và những điểm mới triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào: Bộ máy tổ chức; Chu trình OCOP thường niên từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh; Phân cấp trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm của cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương; Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng OCOP. Những nội dung có thể được ngân sách hỗ trợ khi tham gia, triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn các địa phương; Hiểu được bản chất sản phẩm OCOP trong phát triển các loại sản phẩm của xã, huyện, vai trò của Tài nguyên bản địa trong kinh tế thị trường; Quy trình, thủ tục đăng ký, lập hồ sơ cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP; biết rõ hơn về một số công cụ kích cầu tiêu thụ và XTTM sản phẩm OCOP.
Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và định hướng giai đoạn 2026-2030 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2020, ông Trần Nhật Lam – Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương nêu lên những thành tựu nổi bật:
- Đã làm thay đổi nhận thức sâu sắc của toàn bộ cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trên phạm vi cả nước.
- Chương trình xây dựng NTM góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện.
- Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh.
- Quá trình triển khai đã chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng, tạo sự quan tâm hài hòa và toàn diện trên các lĩnh vực.
- Chương trình NTM đã thu hút và huy động nguồn lực của toàn xã hội, đặc biệt là sự đóng góp của cộng đồng, người dân.
- Chương trình đã hình thành được một hệ thống bộ máy chỉ đạo, điều hành, quản lý, giúp việc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
- Hệ thống cơ chế, chính sách thực hiện cơ bản được hoàn thiện, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới.
Ông: Trần Nhật Lam – Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương báo cáo kết quả 10 năm xây dựng NTM (2010-2020)
và triển khai nhiệm vụ, nội dung xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Lam cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đó là:
- Kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, vẫn còn khoảng cách chênh lệch về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền.
- Sự kết nối giữa nông thôn và đô thị còn hạn chế, NTM chưa hài hoà và phù hợp với quá trình đô thị hoá, dẫn đến quy hoạch manh mún, đứt gãy, các trung tâm đô thị, thị xã, thị tứ chưa phát huy được vai trò đầu tầu về kinh tế, chưa tạo ra được các hiệu ứng lan toả.
- Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế.
- Môi trường nông thôn tuy được quan tâm nhưng chưa thực sự chuyển biến rõ nét, vẫn là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương, nhất là xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, chất thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề
- Nhiều giá trị văn hóa truyền thống ở một số địa phương đang dần bị mai một, các tệ nạn xã hội (ma túy, cờ bạc, trộm cắp…) ở nông thôn vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp
- Một số địa phương chưa quan tâm nhiều đến tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
- Nhiều địa phương chưa nhìn nhận đúng mức, chưa hiểu rõ và chưa phát huy được nhiều giá trị, tiềm năng dư địa, chức năng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Giải pháp xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
“Tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM theo hướng gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn về nếp sống tới từng thôn, bản, ấp, hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn. Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và xây dựng NTM cấp thôn, bản…”
Tổng kết lớp tập huấn, ông Hoàng Quốc Long, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ cho rằng lớp tập huấn đã truyền đạt được những nội dung cơ bản nhằm cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp Sở, cấp huyện. Ban Tổ chức lớp học, ghi nhận những ý kiến thảo luận, đề xuất của học viên tham dự lớp Tập huấn để kiến nghị các Bộ, ngành liên quan giải quyết, tháo gỡ./.