Dự án Phát triển mô hình chăn nuôi gà thịt thương phẩm (Ri lai, Mía lai, Chọi lai…) theo VietGAHP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam chủ trì. được triển khai thực hiện tại 6 xã của 3 huyện Hiệp Đức, Phú Ninh và Thăng Bình với 16 hộ tham gia. Giống gà chuyển giao cho dự án là gà Ri lai MD2.BĐ/MD3.BĐ đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo đúng chất lượng gà loại 1. Kết quả dự án đã thực hiện được 3 mô hình chăn nuôi gà thương phẩm lông màu quy mô 16.000 con gà, đạt 8 chứng nhận VietGAHP tại 8 tổ hợp tác chăn nuôi với chỉ tiêu kỹ thuật đàn gà ở 14 tuần tuổi: tỷ lệ nuôi sống 96,40%, khối lượng cơ thể: 2,04 kg/con; tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng: 2,75 kg.
Cấp phát vật tư tại các mô hình trình diễn
Các mô hình đều cho kết quả cao về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, đem lại thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi gà bền vững và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, là cơ sở để hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Mô hình chăn nuôi gà thịt thương phẩm theo VietGAHP được quản lý tốt hơn, tỷ lệ nuôi sống cao hơn, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng giảm, hạn chế dịch bệnh, giảm lượng thuốc thú y sử dụng so với chăn nuôi truyền thống. Sản phẩm gà thịt thương phẩm nuôi đảm bảo an toàn có chất lượng và giá trị cao, chất lượng thịt thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn so với gà thịt lông màu chăn nuôi nhỏ lẻ. Tăng hiệu quả kinh tế 17,32% so với chăn nuôi gà thịt đại trà nhỏ lẻ của nông hộ.
Mô hình trình diễn tại hộ ông Hồ Ngọc Bình, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh năm 2021
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, tổng kết thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến kết quả và nhân rộng mô hình theo quy định. Trung tâm đã tổ chức được 06 lớp tập huấn trong mô hình cho 26 hộ tham gia; 06 lớp đào tạo tập huấn ngoài mô hình cho 180 học viên từ các huyện trong tỉnh; 06 cuộc hội thảo tham quan cho 295 người; 6 cuộc hội nghị tổng kết cho 300 người.
Quang cảnh lớp tập huấn của dự án
Dự án được thực hiện đã giúp các hộ nông dân tại Quảng Nam tiếp cận với quy trình chăn nuôi gà theo VietGAHP. Thông qua mô hình các hộ nông dân đã nắm vững quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học và dịch bệnh, từ đó nâng cao trình độ cho người chăn nuôi. Đồng thời tạo ra nguồn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tạo sản phẩm an toàn cho thị trường. Từ hiệu quả của mô hình đã đánh thức được tiềm năng chăn nuôi gà thịt lông màu thương phẩm theo VietGAHP tại tỉnh Quảng Nam. Tăng thu nhập cho người sản xuất, nâng cao đời sống nông dân góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đồng thời hướng tới phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững./.