Cách đây 73 năm, vào ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 125-SL: Ấn định luật lệ bài trừ bệnh truyền nhiễm gia súc. Đây là văn bản Pháp luật đầu tiên của nước ta về công tác Thú y, đánh dấu mốc lịch sử phát triển của Thú y Việt Nam và cũng là nền tảng của hệ thống pháp luật về thú y hiện nay. Ngày 12/7/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 664/QĐ-TTg về việc hằng năm lấy ngày 11/7 là “Ngày truyền thống của ngành Thú y Việt Nam”. Đây chính là sự ghi nhận đối với những đóng góp to lớn của ngành trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thú y - ngành nghề mà trong suy nghĩ của nhiều người “không được sạch sẽ, thơm tho” mỗi khi nhắc đến; vì đó là nghề thường xuyên tiếp xúc với động vật, giẫm phân, chất thải của gia súc, gia cầm... Có thể với nhiều người, khi ngang qua chuồng heo, chuồng bò sẽ lấy tay bịt mũi, che miệng nhưng với những cán bộ thú y hàng ngày tiếp xúc với vật nuôi và chuồng trại, dường như khướu giác đã trở nên “chai sạn” với những mùi khó chịu ấy, thậm chí đó đã trở thành thứ mùi thân thuộc của cuộc sống thường nhật.
Cán bộ thú y cơ sở tiêm phòng cho đàn vật nuôi
Trong xã hội, mọi ngành nghề đều quan trọng, nghề Thú y lại càng đáng trân trọng. Có dịp tiếp xúc thực tế mới thấy công việc của cán bộ thú y cơ sở rất vất vả, cực nhọc. Để thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi tại địa phương, nhiều anh chị em phải đi những đoạn đường rất xa, vào sâu từng con đường làng, đi bộ qua nhiều dốc núi, dốc đá, băng qua những cánh đồng cát trắng… Đã thế, công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm không phải lúc nào cũng thuận lợi vì bà con nông dân ban ngày đi làm đồng nên không thường xuyên có mặt ở nhà; cán bộ thú y cơ sở phải tranh thủ cả sáng sớm, trưa nắng hay chiều muộn… để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Thực tế, tiêm được mũi vắc-xin cho vật nuôi không hễ dễ dàng vì những tai nạn, rủi ro mà những thú y viên gặp phải như: bị bò húc, bò đá, bị chó cắn và mắc những bệnh truyền lây từ động vật sang người… rất nguy hiểm tới tính mạng.
Rồi giữa đêm khuya, khi tất cả mọi người đã chìm sâu trong giấc ngủ, những cán bộ thú y phải làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ tại lò mổ để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch mang ra thị trường tiêu thụ. Đó là chưa kể những lúc xảy ra dịch bệnh, cán bộ thú y dường như chẳng có giờ nghỉ, điện thoại reo liên hồi bất kể ngày đêm mỗi khi nhà dân có gia súc, gia cầm ốm, chết; có những cán bộ nữ từng kiệt sức vì cả canh trưa phải đứng giữa cánh đồng cát trắng để giám sát việc tiêu huỷ gia súc, làm việc quên ăn, “mua ổ bánh mì treo xe từ sáng tới chiều, tối về mềm nhũn phải đem vứt vì hỏng, người mệt nhoài không nuốt nổi miếng cơm. Những lúc như vậy, nghề thú y lại càng trở nên cao quý. Bởi vì, chỉ có sự tận tâm, lòng đam mê và tình yêu nghề thực sự mới đảm đương và bám trụ được lâu dài với công việc.
Ngành Thú y cũng là một trong số ít các ngành kỹ thuật chuyên sâu được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Châm ngôn có câu: “Nhân y là bảo vệ tính mạng cho con người, còn Thú y là bảo vệ tính mạng cho loài người”. Quả đúng như vậy, vì bao nhiêu loại bệnh lây nhiễm cho con người đều bắt nguồn từ động vật. Trong cuộc sống, con người lại không thể tách rời thế giới động vật vì nhu cầu sinh tồn nên vấn đề dịch bệnh động vật luôn được quan tâm, cẩn trọng. Khi là một bác sĩ Thú y, công việc của họ không chỉ khám chữa bệnh cho vật nuôi mà còn phải phòng bệnh cho cộng đồng - “làm thú y vì nhân y”. Đây là một trong những ý nghĩa cao đẹp nhất của nghề bác sĩ Thú y nói riêng, cũng như ngành Thú y nói chung.
Cán bộ thú y cơ sở tiêm phòng cho đàn vật nuôi
Người chọn nghề không bằng nghề chọn người. Một khi đã có cơ duyên đến với nghề, bản thân nên có đam mê và hài lòng công việc mình đang làm. Chúng tôi – những cán bộ khuyến nông nói chung và cán bộ thú y nói riêng luôn cảm thấy hài lòng và tự hào về ngành nghề mình đang đảm nhận. Những giá trị cao đẹp mà người cán bộ thú y có được luôn nhiều hơn những vất vả, cực khổ mà họ phải đối mặt. Đấy cũng chính là động lực làm cho cán bộ thú y cảm thấy yêu ngành, yêu nghề và luôn giàu năng lượng để cống hiến cho ngành. Bởi lẽ, Thú y - ngành nghề tuy vất vả, nhiều thăng trầm nhưng đáng trân trọng và tự hào./.