Đến dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn – ông Nguyễn Xuân Vũ– Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh; Lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ VN thị xã, lãnh đạo các phòng, ban của thị xã và UBND các xã, phường; đại diện các Doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, Tổ hợp tác, Công tác viên khuyến nông. Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn thị xã.
Bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn phát biểu khai mạc hội nghị
Hội nghị được nghe ông Ngô Văn Tân, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thị xã báo cáo Tổng kết 5 năm công tác khuyến nông (2018-2022) nhiệm vụ, giải pháp khuyến nông trong thời gian đến và các báo cáo tham luận của các đơn vị, địa phương về công tác phối hợp trong việc triển khai mô hình khuyến nông; hiệu quả chương trình chương trình nâng cao chất lượng đàn bò; Phương thức tổ chức sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm; hiệu quả việc áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất cây màu …
Trong 5 năm qua (2018-2022), từ khi chuyển giao các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y trực thuộc các Chi cục chuyên ngành của tỉnh về thuộc UBND thị xã sáp nhập Trạm Khuyến nông để thành lâp Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp đến nay, công tác khuyến nông trên địa bàn thị xã đã có những chuyển biến tích cực, nhiều mô hình có hiệu quả được triển khai và nhân rộng, tạo hiệu ứng tích cực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường:
Nhiều mô hình giúp giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân như: mô hình giống mới DT100, ST24, Hà Phát 3; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, mô hình cánh đồng chuyên canh trên cây màu, mô hình hoa lan, mô hình cơ giới hoá… Các mô hình tạo sinh kế cho người dân, tác dộng tích cực về mặt xã hội và môi trường như mô hình trồng nấm, mô hình liên kết, mô hình nuôi gà an toàn trên nền đệm lót sinh học, mô hình chăn nuôi bò thị lai BBB kết hợp xử lý chất thải bằng men vi sinh.
Ngoài ra, công tác khuyến nông đã tham gia tích cực cùng các ngành, địa phương trong công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và con vật nuôi. Làm tốt công tác dịch vụ hỗ trợ sản xuất, dịch vụ cung ứng tinh, nitơ phuc vụ lai tạo đàn bò; hỗ trợ cung ứng vắc xin dại chó, bẫy bã diệt chuột cho hệ thống dịch vụ cơ sở thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác khuyến nông trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Công tác thông tin tuyên truyền còn đơn điệu chưa phát huy tối đa các phương tiện truyền thông trong việc giới thiệu các tiến bộ khoa học ký thuật, các nhân tố điển hình trong sản xuất kinh doanh. Các mô hình đã thành công nhưng chưa được đầu tư nhân rộng vào sản xuất. Nội dung, phương pháp khuyến nông thiếu sự đa dạng, chưa phù hợp với tình hình mới .
Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh ghi nhận những kết quả công tác khuyến nông đã đạt được; đông thời đề nghị công tác khuyến nông cần sớm có những giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại hạn chế để sớm nhân rộng các mô hình thành công, các mô hình liên kết trong sản xuất thật sự chặt chẽ, rõ nét và hiệu quả; đề nghị UBND thị xã quan tâm chỉ đạo công tác khuyến nông theo quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Chương trình số 20-CTr/TU, ngày 31/10/2022 về Chương trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: “Xây dựng, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và bền vững, có khả năng cạnh tranh cao, kết cấu hạ tầng hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển KT- XH của tỉnh; bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn ngày được nâng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM; dân trí được nâng cao, hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, trong sạch, vững mạnh”. Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang thực hiện chủ trương chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp“ sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực (tài chính, con người) cho hoạt động công tác khuyến nông, xây dựng nâng cao năng lực hoạt động Tổ khuyến nông cộng đồng.
Ông Nguyễn Xuân Vũ– Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị;
Tại Hội nghị đã công bố tặng giấy khen của Chủ tịch UBND thị xã cho 5 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác tác khuyến nông giai đoàn 2018-2022.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu trao tặng giấy khen của Chủ tịch UBND thị xã cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến nông (2018-2022)
Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn ghi nhận kết quả công tác khuyến nông giai đoạn 2018-2022 và sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã với hệ thống khuyến nông. Để đạt được mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp thời gian đến đề nghị Lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã, Viên chức và người lao động Trung tâm, Khuyến nông viên, Tổ Khuyến nông cộng đồng
luôn bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đô thị Điện Bàn giai đoạn 2022-2026. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp hoạt động công tác khuyến nông; tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với Xây dựng Nông thôn mới; Phát triển nông nghiệp trong đô thị và ngoài đô thị; tăng cường công tác truyền thông; xây dựng mô hình khuyến nông xuất phát từ nhu cầu thực tế và nhu cầu thị trường. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất; xây dựng trang thông điển tử để chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác và có hiệu quả, hỗ trợ các trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã... áp dụng công nghệ thông tin để từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý nông trại, tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường./.