Trong những năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt 3,0%/năm; năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản ngày càng được cải thiện, Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới, đứng thứ hai Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản;
Để đạt được các thành tích trên, có sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và bà con nông dân. Trong đó, vai trò của khuyến nông là rất quan trọng, đặc biệt là chuyển giao tiến bộ về kỹ thuật, tiến bộ về tổ chức sản xuất, làm thay đổi nhận thức và kỹ năng sản xuất nông nghiệp của nông dân bằng nhiều hình thức khác nhau như: xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền và tư vấn trực tiếp cho nông dân.
Ngày 24/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83/2018/NĐ-CP về Khuyến nông với những quy định chi tiết các nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống khuyến nông từ Trung ương tới địa phương, các chính sách hỗ trợ, nguồn kinh phí cho tổ chức hoạt động khuyến nông. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động khuyến nông vẫn còn bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc chưa ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu của sự phát triển để mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn, chuyên nghiệp hơn và gia tăng năng suất lao động, cũng như xây dựng chân kiềng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của nền nông nghiệp.
Hệ thống Khuyến nông với vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường, là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc chuyển đổi số hoạt động khuyến nông là đòi hỏi cấp thiết để phù hợp và bắt kịp với chiến lược chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thực trạng chung của công tác chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp nói chung và công tác Khuyến nông nói riêng đó là:
- Cơ sở dữ liệu ngành chưa được số hóa, dữ liệu còn nằm phân mảnh tại các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả người dân gây khó cho quá trình đồng bộ dữ liệu;
- Nguồn nhân lực thực hiện công tác chuyển đổi số còn thiếu, chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin, công nghệ số do đó còn khó tiếp cận công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn;
- Hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị trực liên quan chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả;
- Hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư.
Ngày 12/4/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những nội dung chính của Nghị quyết nêu rõ, lĩnh vực Nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với các nội dung như sau:
- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
- Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu chuyên ngành về: đất đai, thổ nhưỡng, phòng, tránh thiên tai; kinh tế vườn …để người dân có thông tin nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
- Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như: Dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch….
Ngày 14/9/2022 UBND tỉnh đã có Quyết định số 2369/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch xây dựng Tổ Khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025; Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các huyện trên địa bàn tỉnh tổ chức 11 lớp/11 xã/ 7 huyện tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên Tổ KNCĐ tổng số người tham gia 307 người. Lớp tập huấn ngoài nội dung chuyển giao quy trình chuyên môn về kỹ năng khuyến nông, Trung tâm còn giới thiệu một số vấn đề liên quan về chuyển đổi số trong nông nghiệp và công tác khuyến nông. Tiếp cận smart quang nam egov quang nam. Năm 2023: Trung tâm dự kiến sẽ tổ chức 16 lớp với tổng sô người tham gia khoảng 480 người.
Ngay sau khi ban hành quyết định xây dựng Tổ Khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam Đ/c Hồ Quang Bửu – phó chủ tịch UBND tỉnh đã lập nhóm zalo “Tổ khuyến nông cộng đồng Qnam” đến nay đã có 139 thành viên kết nối và chia sẻ các thông tin liên quan đến công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cách tiếp cận chuyển đổi số đối với các khuyến nông viên cộng đồng.
Thực tế hiện nay trong công tác Khuyến nông chúng ta chỉ đang mới tập trung vào ứng dụng công nghệ số trong việc thông tin tuyên truyền, đang thiếu các công cụ, ứng dụng để quản lý dữ liệu về dự án khuyến nông, chương trình đào tạo tập huấn, quản lý các đơn vị (nhân sự, tài sản), thư viện số khuyến nông.
Tại một Hội nghị giao ban gần đây của bộ Nông nghiệp và PTNT, một trong chín nhiệm vụ trọng tâm mà đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh đó là: “Năm 2023 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin chuyên nghiệp.”


Cũng theo lời Bộ trưởng “ Năm 2023 là năm triển khai chủ trương tri thức hoá nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp”. Huy động các viện, trường, nhà khoa học chuyên gia trong và ngoài ngành, các cơ quan truyền thông có chương trình huấn luyện nông dân tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, thương mại điện tử, kỹ năng làm nông mới, giá trị và kỹ năng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có nhiệm vụ Khuyến nông của chúng ta.
Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính khác nhau ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành. Từ đó thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang một cách hiện đại, thông minh và có hiệu quả hơn.
Về phía ngành Nông nghiệp tỉnh ta vừa qua Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 529/KH-SNN&PTNT về Chuyển đổi số của Sở Nông nghiệp và PTNT năm 2023. Một trong những mục tiêu đặt ra đó là:
- Xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, trên các lĩnh vực: Trồng trọt và BVTV, Chăn nuôi và Thú y, Thủy sản và quản lý tàu cá, Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.
Nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến nông được đặt ra đó là:
1. Hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số theo Quyết định 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ;
2. Hỗ trợ đưa nông sản (sản phẩm chủ lực, đặc sản, OCOP) lên Phiên chợ Khuyến nông…
Về Phiên chợ khuyến nông trong năm 2022 Trung tâm đã đưa lên sàn được 24 sản phẩm OCOP của các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Nông sơn, Quế Sơn.


Thực hiện chuyển đổi số trong công tác khuyến nông nằm trong định hướng chung về chuyển đổi số toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chuyển đổi đổi số khuyến nông tức là hướng tới Khuyến nông số, chuyển từ hình thức khuyến nông truyền thống chỉ áp dụng phương pháp cầm tay chỉ việc cho nông dân sang khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ năng kinh doanh, hấp thụ tư duy kinh tế nông nghiệp, tham gia các hình thái tổ chức nông dân như HTX, THT, tạo ra môi trường nông thôn văn minh, giàu bản sắc thông qua các công cụ công nghệ thông tin, công nghệ số. Từ đó giúp cho Khuyến nông trở thành cánh tay nối dài và trực tiếp nhất truyền tải các tri thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật – công nghệ thông qua khuyến nông số để nâng cao hiệu suất công tác trong các hoạt động về quản lý dự án, tư vấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức khuyến nông tới người dân nông thôn nhằm hướng tới ”Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp nói như bà Nguyễn Thị Thành Thực- Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam-VIDA “Chuyển đổi số Nông nghiệp- Chuyến tàu không thể lỡ” Vậy để không lỡ chuyến tàu trên chúng ta phải làm gì và bắt đầu từ đâu, đó là:
Chuyển đổi số bắt đầu từ nông dân, giúp họ tiếp cận được với các phần mềm quản lý nông nghiệp thông qua các app được cài đặt trên điện thoại, thay thế sổ tay Nông hộ ghi chép bằng giấy sang ghi chép bằng phần mềm trên điện thoại- Nhật ký điện tử
Số hoá dữ liệu từng nông hộ lựa chọn phần mềm trên điện thoại (app) đơn giản, dễ dùng, cập nhật đa phương tiện (tải ảnh, video, ghi chép).
Số hoá dữ liệu của từng nông hộ/THT/HTX/DN : đất đai, vật nuôi, cây trồng, sản phẩm hàng hoá, quy trình chăm sóc.
Để tiến trình chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp nói chung và công tác khuyến nông nói riêng trong thời gian đến đạt những kết quả những việc cần quan tâm đó là:
- Nhân lực của ngành chuyên trách CNTT, phụ trách tham mưu chuyển đổi số của đơn vị trực thuộc Sở phải được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin.
- Xây dựng và phát triển nền tảng cho CĐS: Chuyển đổi nhận thức: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nông dân, HTX, doanh nghiệp về CĐS trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Phát triển nền tảng dữ liệu số: Hình thành nền tảng dữ liệu số NN, HTX phục vụ công tác quản lý, điều hành Ngành NN, HTX, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ NN số.
- Phát triển kinh tế số: Xây dựng thí điểm từ 01-02 mô hình mẫu về sản xuất, kết nối thông minh có quy mô vùng, công nghiệp cho lĩnh vực NN, HTX.
- Phát triển nông dân số, nông thôn số: Phối hợp với các ngành chức năng triển khai đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho các doanh nghiệp NN, HTX, nông dân./.