Kỳ cuối: Nhiệm vụ, giải pháp hoạt động của hệ thống khuyến nông trong thời gian đến
Công tác khuyến nông của tỉnh trong thời gian đến cần hướng tới mục tiêu
Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01.2022, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang thực hiện chủ trương chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp“ sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đề ra mục tiêu là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Phát huy những thành tích và kinh nghiệm đạt được trong 30 năm qua, bám sát định hướng phát triển của ngành nông nghiệp và nhu cầu của nông dân, tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, hiện thực hóa chủ trương xây dựng “Nông nghiệp thịnh vượng – Nông dân giàu có - Nông thôn văn minh, hiện đại”.
Tăng cường Liên kết trồng rừng gỗ lớn, thu mua, chế biến sản phẩm từ gỗ xuất khẩu
Để đạt mục tiêu đó, hệ thống khuyến nông cả tỉnh cần tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau
1. Về kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ; xây dựng nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ chế chính sách và quản lý hoạt động của hệ thống khuyến nông
Củng cố lại, tăng cường năng lực hoạt động của mạng lưới khuyến nông viên cấp xã, cộng tác viên khuyến nông thôn bản để đảm bảo là cánh tay nối dài của hệ thống khuyến nông đến tận người nông dân. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025 (theo Quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 của UBND tỉnh) nhằm tăng cường hiệu quả công tác khuyến nông ở cơ sở. Tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả đạt được và đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tang cường năng lực cho hệ thống khuyến nông cơ sở.
Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, các tiêu chuẩn, qui định về quản lý hoạt động khuyến nông theo Thông tư số 75/2019/TT-BTC, ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính về Qui định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông phù hợp với tình hình mới, tương xứng với đặc thù kinh tế - xã hội của địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Thực hiện giao bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho tổ chức khuyến nông Nhà nước cấp tỉnh, huyện trên một số hoạt động theo phương thức Nhà nước giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng thực hiện chức năng hỗ trợ quản lý Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp.
Triển khai thực hiện Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT, ngày 28/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về qui định mã số chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng. Xây dựng chính sách đãi ngộ để khuyến khích cán bộ khuyến nông làm việc lâu dài, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Lồng ghép các hoạt động khuyến nông với việc triển khai các chương trình, chính sách xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.
Tham mưu ban hành hướng dẫn tạm thời một số qui định về tiêu chuẩn, định mức chưa có nhưng trong thực tế có nhu cầu thực hiện như: mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình nông nghiệp gắn với chuyển đổi số, tiêu chuẩn sản xuất theo hướng hữu cơ, định mức KT-KT một số loại cây trồng, vật nuôi bản địa...
2. Đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông
Bám sát chủ trương, định hướng, mục tiêu, chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, của UBND tỉnh, của ngành nông nghiệp hàng năm. Trước mắt, trong giai đoạn trung hạn, hệ thống khuyến nông của Tỉnh cần bám sát để triển khai thực hiện Chương trình khuyến nông tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025 (được phê duyệt theo Quyết đinh số 74/QĐ-UBND, ngày 09/01/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam) và Quyết định số 2240//2020/QĐ-UBND ngày 09/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.
Chương trình khuyến nông cần tập trung phục vụ các Chương trình lớn của Tỉnh: Chương trình Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với Xây dựng Nông thôn mới, chương trình Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình Giảm nghèo bền vững, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm... để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác khuyến nông nhằm phát triển các ngành hàng có lợi thế, đồng thời nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Thực hiện rà soát, cập nhật, chọn lọc các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, mô hình sản xuất thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương để triển khai áp dụng trên diện rộng nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, có hiệu quả về kinh tế và xã hội, tránh dàn trải, lãng phí.
Đẩy mạnh áp dụng các phương pháp tiếp cận khuyến nông tiên tiến, phương pháp khuyến nông có sự tham gia của người dân (PEAM), nhất là phương pháp lớp học hiện trường (FFS); phương pháp giảng dạy lấy học viên làm trung tâm (LCTM),... vào hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động.
Khuyến cáo mở rộng áp dụng mô hình nuôi bò lai BBB cho hiệu quả kinh tế cao
3. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất; mở rộng và cải tiến các kênh truyền thông để chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác và có hiệu quả đến đối tượng hưởng lợi
Hướng dẫn, hỗ trợ các trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã,...áp dụng công nghệ thông tin để từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý nông trại, tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường,...Có kế hoạch cụ thể để đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng truyền thông cho cán bộ khuyến nông các cấp như kỹ năng viết tin, bài, xây dựng tờ rơi, áp phích, băng hình,...phát triển và cải tiến các kênh truyền thông cộng đồng về công tác khuyến nông qua hệ thống báo viết, báo hình, báo nói và báo điện tử; đồng thời cập nhật, đăng tải thông tin về giá cả, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tình hình hội nhập và cạnh tranh quốc tế đến tận người sản xuất
Thúc đẩy sự tham gia tích cực của các cấp, ban, ngành vào hoạt động truyền thông, cập nhật thông tin một cách đa dạng, nhiều chiều, khách quan và kịp thời nhằm đưa ra các dự báo chính xác phục vụ chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn.
4. Chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác khuyến nông
Tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác khuyến nông các cấp. Trong đó, ưu tiên cho việc đào tạo cán bộ khuyến nông cấp huyện và xã.
Chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành, kiến thức thực tế, tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ, đồng thời nâng cao kỹ năng giao tiếp, truyền đạt, tổ chức hội thảo, xây dựng mô hình và đánh giá các hoạt động khuyến nông.
Đầu tư nâng cấp cơ sở, vật chất, trợ huấn cụ, trang bị phương tiện làm việc cho hệ thống khuyến nông. Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông để tham gia tích cực vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở (Chú trọng đến các thành viên Tổ Khuyến nông cộng đồng); cải thiện điều kiện môi trường làm việc và tạo cơ hội phát triển cho cán bộ khuyến nông trẻ.
5. Huy động tối đa các nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông
Tranh thủ các nguồn lực thực hiện chương trình khuyến nông thông qua liên kết với các Viện, Trường, các Trung tâm nghiên cứu, các đơn vị kỹ thuật trong ngành để tiếp nhận nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ sản xuất.
Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vốn nghiên cứu khoa học và các nguồn vốn liên kết khác từ các Dự án, các doanh nghiệp nông nghiệp, các Tổ chức Quốc tế… để tăng cường và đa dạng hóa, xã hội hóa công tác khuyến nông, đưa tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Tích cực triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác khuyến nông, thông qua việc đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các tổ chức xã hội tham gia... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và tinh thần, trách nhiệm trong công tác khuyến nông.
Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch tại TP Hội An
6. Thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong thời gian tới
Đẩy nhanh việc hình thành và đổi mới hình thức hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác theo hình thức dịch vụ trọn gói từ cung ứng các dịch vụ đầu vào đến tìm đầu ra cho sản phẩm xứng đáng là đầu mối đại diện cho nông dân trong mối liên kết “bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp
Khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn... từ tổ chức sản xuất, đến thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Phương án liên kết được thực hiện theo 2 mô hinh: liên kết dọc và liên kết ngang.
Trong mô hình liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cả vai trò đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nông dân nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của mình. Mô hình nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất. Doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư giống, vốn, KHKT và tổ chức quản lý dự án. Người nông dân trở thành những cổ đông, được chia cổ tức hoặc được tuyển dụng thành người lao động làm công ăn lương, nông dân tham gia vào các công đoạn sản xuất và nhận tiền lương khi lao động.
Mô hình liên kết theo chiều ngang, liên kết giữa những người sản xuất, các đơn vị kinh doanh với nhau. Điển hình là mô hình các hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác kiểu mới. Các HTX này đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất cả ở đầu vào và đầu ra cho hộ xã viên như cung cấp vật tư, phân bón, nguyên liệu thức ăn gia súc, bảo vệ thực vật và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. HTX cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông hộ, đại diện cho hộ ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản; Bảo vệ quyền lợi cho xã viên.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hỗ trợ hình thành các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng dưới hình thức HTX dịch vụ nông nghiệp, công ty cổ phần. Loại hình này thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất như tưới tiêu, cung cấp giống, vật tư phân bón, tổ chức dịch vụ làm đất, thu hoạch và chuyển giao KHKT, dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung và tiêu thụ nông sản cho xã viên.
Nghiên cứu thí điểm thực hiện mô hình hoạt động theo cơ chế đối tác công tư (PPP) nhằm huy động, thu hút nguồn lực và sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động khuyến nông và tăng thu ngân sách cho địa phương.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở ban ngành và chính quyền địa phương, hệ thống khuyến nông tỉnh Quảng Nam đã không ngừng lớn mạnh, đã có nhiều thành tích quan trọng đóng góp cho sự phát triển chung của nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Tỉnh. Chặng đường dài ấy cũng đủ để khẳng định vai trò, sứ mệnh công tác khuyến nông đối với Chương trình Tam nông. Trong thời gian tới, hệ thống khuyến nông cả Tỉnh cần tích cực phát huy những thành tích và kinh nghiệm tốt, khắc phục những hạn chế, yếu kém, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn sản xuất và mong đợi của bà con nông dân, xứng đáng với sự kỳ vọng của tư lệnh ngành nông nghiệp (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan): “Ở đâu có nông dân - Ở đó có khuyến nông”./.