
Bón phân cho cây Măng cụt giai đoạn cho quả
1. Bón phân cho cây măng cụt
* Liều lượng phân bón: Lượng phân bón cho cây Măng cụt có thể tăng, giảm tùy thuộc vào điều kiện đất trồng, tình trạng sinh trưởng và năng suất của cây để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp. Liều lượng phân bón cụ thể theo từng độ tuổi như sau:
Bảng 1: Liều lượng phân bón cho cây Măng cụt/năm
Tuổi cây (năm)
Phân bón
|
1 - 2
|
2 - 4
|
4 - 6
|
6 - 8
|
8 - 10
|
Trên 10
|
Phân hữu cơ (kg/cây)
|
5-10
|
15-20
|
15-20
|
20-30
|
20-30
|
40-50
|
Phân vô cơ (kg/cây)
|
|
|
|
|
|
|
- Lân nung chảy
|
0,50
|
0,50
|
1,00
|
5,00
|
5,00
|
5,00
|
- Vôi nông nghiệp
|
0,50
|
0,50
|
1,00
|
2,00
|
2,00
|
2,00
|
- NPK: 20-20-15
|
0,30
|
0,50
|
1,00
|
1,50
|
1,50
|
1,50
|
- Đạm Urea
|
0
|
0
|
0
|
1,00
|
1,50
|
2,00
|
- Kaliclorua
|
0
|
0
|
0
|
0,50
|
1,00
|
1,50
|
* Cách bón:
- Giai đoạn cây chưa cho quả: Mỗi năm bón 02 lần, trong đó:
+ Lần 1: Bón đầu mùa mưa (tháng 7-8): bón toàn bộ phân chuồng + 100% lân + 100% vôi + 50% NPK.
+ Lần 2: Bón cuối mùa mưa (tháng 01- 02): bón 50% lượng NPK còn lại.
- Giai đoạn cây cho quả ổn định: Mỗi năm bón 03 lần, trong đó:
+ Lần 1: Ngay sau khi thu hoạch xong, tiến hành tỉa cành tạo tán, kết hợp bón toàn bộ phân chuồng + 40% lân + 50% urea + 30% NPK + 20% kali và 50% vôi.
+ Lần 2: Trước khi ra hoa 30-40 ngày bón 40% lân + 20% urea + 30% NPK + 40% kali.
+ Lần 3: Bón sau khi cây đậu trái (đường kính quả 1- 2 cm) bón 20% lân + 30% urea + 40% NPK + 40% kali và 50% vôi còn lại.
* Lưu ý:
+ Bón phân cho cây Măng cụt theo hình chiếu tán. Trong đó, lần 1 nên đào rãnh xung quanh gốc, sâu 15 - 20 cm, rộng từ 20 - 30 cm bón phân vào rãnh, lấp đất lại và tưới nước đủ ẩm; các lần bón tiếp theo rải phân, kết hợp xới nhẹ lên vùng bón lần 1.
+ Riêng đối với vôi được rải lên mặt đất trong vùng tán của cây, không bón chung với các phân vô cơ khác.
+ Đối với cây đã cho quả, sau khi đậu quả khoảng 45 - 50 ngày có thể phun bổ sung phân bón lá NPK (20:20:20) 3 - 5 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày để hạn chế hiện tượng rụng quả.
Bón phân theo hình chiếu tán cây giai đoạn kiến thiết cơ bản
* Bón phân cho măng cụt theo nguyên tắc 5 đúng
- Bón đúng loại phân
+ Cây măng cụt yêu cầu phân gì thì bón phân đó. Phân bón cho cây có 2 loại chính là phân hữu cơ và phân vô cơ. Phân vô cơ có nhiều loại, nhưng có 3 loại chính là đạm - N, lân – P và kali - K. Chú ý ở đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axit cao quá ngưỡng (ví dụ: phân Amoni Sunfat (NH4)2SO4; phân Amoni Clorua (NH4Cl)) và trên nền đất kiềm không bón các loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng.
- Bón đúng nhu cầu sinh lý của cây măng cụt
+ Nhu cầu dinh dưỡng của cây măng cụt tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Ở giai đoạn sinh trưởng phát triển thân, cành cần đạm hơn kali; ở thời kỳ phát triển quả lại cần kali hơn đạm. Bón đúng loại phân mà cây cần mới phát huy hiệu quả.
+ Bón phân có 3 thời kỳ: bón lót trước khi trồng (hay bón hồi phục sau khi cây thu hoạch vụ trước), bón thúc (nhằm thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây, tạo chồi lá mới) và bón rước hoa, nuôi hoa, bón nuôi quả...
- Bón đúng điều kiện đất đai
Bón phân là hình thức bổ sung vào đất chất dinh dưỡng cho cây măng cụt. Ngoài ra, còn có các vi sinh vật đất phân hủy các chất hữu cơ có sẵn hoặc cố định N từ không khí vào đất, do vậy bón phân hữu cơ còn có tác dụng kích thích hoạt động của tập đoàn vi sinh vật trong đất. Nhờ đó cây được tăng cường cung cấp các chất dinh dưỡng cân đối hơn. Bón phân không những cần cho cây măng cụt mà còn giúp cho vi sinh vật đất phát triển hữu hiệu hơn.
Tuy nhiên việc bón phân cho cây măng cụt về số lượng và công thức bón cũng có thể tăng giảm hoặc thay đổi tùy thuộc vào điều kiện đất trồng, đường kính tán, năng suất thu họach vụ trước và tình hình sinh trưởng của cây.
- Bón đúng lúc
Mùa vụ, nhiệt độ và thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của phân bón. Mưa làm rửa trôi, nắng khô làm phân bón khó tan và rất dễ bốc hơi, cây không còn nhiều dinh dưỡng để phát triển, đôi khi còn gây cháy lá, hư hoa, hư quả...
Vì vậy, nên bón phân cho cây măng cụt lúc sáng sớm, chiều mát tránh bón vào buổi trưa, ngày mưa lớn...
- Bón đúng phương pháp
Có 2 loại phân bón: Phân bón gốc và phân bón lá. Tùy nhu cầu phát triển của mỗi giai đoạn mà có phương pháp bón thích hợp. Với phân bón gốc thì bón vào hố, rãnh theo hình chiếu tán cây. Với phân bón lá thì phun đều trên lá, nếu ướt được cả 2 mặt lá thì càng tốt.
Vườn cây Măng cụt
2. Tưới và tiêu nước cho cây măng cụt
2.1. Xác định nhu cầu nước của cây
Măng cụt là cây có nhu cầu nước rất lớn, đồng thời do hệ thống rễ cây không có lông hút và phát triển kém nên rễ măng cụt khi tiếp xúc với đất khó hút nước vì vậy cần tưới nước thường xuyên, nhất là trong giai đoạn cây con và cây đang mang quả.
Cây măng cụt không thể sinh trưởng phát triển tốt ở vùng quá khô hay quá ẩm. Cây yêu cầu lượng mưa thấp nhất phải đạt 1.270 mm/năm, phân bố đều trong năm và không mưa ở giai đoạn cây mang quả. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn phát triển nhu cầu nước cũng khác nhau:
- Giai đoạn kiến thiết cơ bản:
+ Cần tưới đủ ẩm.
+ Thiếu nước cây có thể chết héo, lá cháy khô, còi cọc, ốm yếu.
+ Thừa nước rễ không phát triển được hoặc có thể bị chết thối.
Vào giai đoạn này nhu cầu về ẩm độ của cây măng cụt là 65 - 80% độ ẩm tối đa. Ở giai đoạn mới trồng nếu tưới kịp thời và đầy đủ, cây con sẽ nhanh bén rễ, phát triển xanh tốt.
- Giai đoạn kinh doanh:
+ Trước khi ra hoa yêu cầu ẩm độ thấp.
+ Khi đã đậu quả, đặc biệt khi quả lớn nhanh yêu cầu ẩm độ cao nếu thiếu nước quả sẽ bị rụng, quả nhỏ, làm giảm chất lượng cũng như sản lượng.
+ Thừa nước: Ức chế hoạt động của rễ, rụng hoa, rụng quả.
Giai đoạn này độ ẩm đất mà cây yêu cầu là 70 – 90%. Khi quả sắp chín, yêu cầu về ẩm độ lại thấp (khoảng 50 – 60%). Nếu ẩm độ cao sẽ làm giảm chất lượng quả và quả chín muộn. Do đó, cần phải tưới nước cách ngày cho cây nhất là ở giai đoạn sau khi trổ hoa và giai đoạn mang quả.
2.2. Tưới nước cho măng cụt
a. Xác định thời điểm tưới nước cho cây
-. Giai đoạn cây con: Phải tưới đầy đủ nước nhất là trong những tháng mùa khô để giúp cây mạnh khoẻ, nhanh phát triển. Tuy nhiên nếu cây con bị ngập úng sẽ chết nên cần chú ý thoát nước tốt cho vườn cây.
-. Giai đoạn cây ra hoa và mang quả:
+ Cần tưới nước cách ngày cho cây nhất là lúc sau khi cây trổ hoa, đậu quả giúp hoa phát triển tốt, đậu quả nhiều và quả nhanh phát triển.
+ Trong giai đoạn cây mang quả nên chú ý tưới đều vừa đủ ẩm, tránh trường hợp vườn quá khô lại quá ướt bất thường sẽ đưa đến hiện tượng rụng quả non.
+ Khi quả măng cụt hết giai đọan phát triển quả thì ngưng tưới nước, giảm mực thủy cấp trong mương và kết hợp với việc đậy gốc khi có mưa nhiều sẽ giảm đi hiện tượng mủ quả và sượng quả măng cụt.
* Tưới nước cho cây măng cụt:
- Tưới nhỏ giọt: Tưới nhỏ giọt thấm từ từ vào trong đất, đi ngay vào hệ thống rễ, không phí nước vào những vùng không có sự sinh trưởng. Do nước chỉ tưới ngay vùng có rễ nên lượng nước ít hơn, nhưng lại luôn giữ được lượng nước ổn định, ít mất nước do gió và nắng. Dòng nước chảy rất chậm và sử dụng hiệu quả qua hệ thống tưới nhỏ giọt cho phép tưới trên diện tích rộng hơn so với phương pháp truyền thống từ cùng một nguồn nước. Bên cạnh đó, tưới nhỏ giọt không cần áp suất lớn để cung cấp nước, hạn chế cỏ dại.
Thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt phân bón có thể được cung cấp thường
xuyên cho cây với lượng nhỏ nên hiệu suất sử dụng sẽ rất cao, từ đó cũng tiết
kiệm được phân bón và công lao động. Nếu có điều kiện đầu tư thì với cây măng cụt tưới nước theo phương pháp này rất tốt.
Hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây Măng cụt
- Tưới rãnh: Là phương pháp tưới nước để nước chảy theo các rãnh được thiết kế giữa các hàng cây. Nước được thấm dần vào đất và cung cấp cho cây măng cụt.
Cách tưới nước này tiết kiệm và chủ động được nước tưới cho vườn cây,
lớp đất mặt vẫn tơi xốp, không bị dí chặt, kết cấu đất vẫn giữ vững, đất không bị bào mòn, chất dinh dưỡng không bị rửa trôi. Nhưng tưới theo kiểu này lãng phí một phần nước ở cuối rãnh tưới; gặp khó khăn trong việc vận chuyển công cụ sản xuất qua rãnh; phải chi phí khá lớn nhân công và thời gian cho việc cải tạo các rãnh nước.
Tưới nước cho măng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây măng cụt.
* Tưới sau khi trồng:
- Sau khi trồng phải tưới nước ngay để cây chóng hồi phục. Tùy chân đất thấp hay cao, loại đất mà ta có thể tưới để đảm bảo độ ẩm đất cho cây con phát triển.
- Măng cụt mới trồng nên tưới ngày một lần trong khoảng 4 tháng. Sau đó chỉ tưới khi gặp hạn.
- Tủ gốc bằng rơm, rạ khô sẽ bớt được công tưới; nhưng mùa mưa nên bỏ rơm tủ đi vì dễ gây bệnh và cũng là ổ chứa mối hại cây măng cụt.
* Tưới nước giai đoạn kiến thiết cơ bản:
- Khi thấy cây có hiện tượng thiếu nước phải tiến hành tưới nước.
- Lượng nước tưới tùy theo mức độ khô hạn và phương pháp tưới. Nếu số lần tưới càng nhiều thì lượng nước ít lại và đảm bảo đủ ẩm cho cây măng cụt phát triển.
* Tưới nước giai đoạn kinh doanh:
- Tưới nước cách ngày cho cây măng cụt đặc biệt là sau khi cây ra hoa, đậu quả. Nhưng khi gần thu hoạch thì ngưng tưới nước.
- Lượng nước tưới: Tùy thuộc vào phương pháp tưới nhưng đảm bảo tưới đủ ẩm cho cây măng cụt.
2.3. Tiêu nước cho măng cụt
a. Xác định tác hại của sự ngập úng
Khi trồng măng cụt trên vùng đất thấp sẽ dễ bị rủi ro do ngập úng, do tần suất xuất hiện lũ ngày càng cao trong những năm gần đây.
Nếu vườn măng cụt bị ngập sẽ làm cho những lỗ nhỏ trong đất chứa đầy nước, kém thoáng khí, thiếu oxy cung cấp cho rễ cây hô hấp, đất trở nên bão hòa và rễ dễ bị hủy hoại.
Ngoài ra, trong quá trình bị ngập nước rễ cây còn sản sinh ra khí ethylene làm kích thích ra rễ mới; nhưng với hàm lượng lớn thì sẽ gây ngộ độc cho cây, làm cho lá bị vàng và rụng nhiều. Bên cạnh đó, khi cây bị ngập úng, dễ bị tổn thương đặc biệt là rễ, tính kháng kém nên cũng là cơ hội cho các loại nấm bệnh phát triển.
Ở giai đoạn cây con nếu bị ngập úng cây sẽ chết. Ở giai đoạn trưởng thành nếu bị ngập nước nhẹ trong thời gian ngắn thì cây vẫn sống, nhưng phát triển chậm lại, cây bị suy kiệt, cằn cỗi, chất lượng và hiệu quả của hoa và quả kém. Còn bị ngập nặng, độ ẩm trong đất cao vượt quá nhu cầu của cây, thì rễ sẽ bị nghẹt, kém phát triển, thậm chí bị thối và chết, không có khả năng phục hồi trở lại.
b. Tiêu nước cho vườn măng cụt
Tiêu nước hay thoát thủy là biện pháp kỹ thuật nhằm rút bớt nước ứ đọng trong đất vườn nhiều quá mức khiến sự sống, tăng trưởng và năng suất cây măng cụt có thể bị ảnh hưởng.
* Tiêu nước ngay khi có dấu hiệu ngập úng: Phương châm tiêu nước là sự tổng hợp của “Rải nước – Chôn nước – Tháo nước”.
- Rải nước: Chia nhỏ các khu tiêu nước riêng biệt nhằm phân tán lượng nước cần tiêu theo yếu tố địa hình. Nghĩa là, nước ở tiểu vùng nào thì tiêu ngay ở chỗ đó.
- Chôn nước: Cho nước lắng rút xuống tại chỗ ở những nơi trũng hoặc trữ tạm ở các ao, đìa, kênh tiêu để trữ tạm thời.
- Tháo nước: Dùng biện pháp tiêu thoát nhanh tại những nơi có thể rút tháo nước thuận lợi. Đôi khi tháo nước cần có những biện pháp hỗ trợ như dùng bơm để bơm nước ra ngoài khu vườn.
Tóm lại, khai rãnh ở mặt liếp, thoát nước trong mương (dựa vào triều kém
hoặc bơm thoát nước) ngay để hạ nhanh mực thuỷ cấp trong liếp, giúp đất nhanh
thông thoáng hơn và rễ nhanh hồi phục hơn.
* Phục hồi vườn cây sau ngập úng: Sau mùa lũ nếu chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật sẽ rất dễ ảnh hưởng đến năng suất của những vụ sau. Do đó cần áp dụng các biện pháp khắc phục:
- Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (dài 8 - 10 cm) để phá váng, giúp đất được thông thoáng.
- Đào mương để nước rút nhanh ra khỏi vườn cây.
- Nên sử dụng phân bón lá có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cây trồng như: N, P, K, Ca, Mg, S, Fe... để phun trên lá, thân cây. Cắt tỉa cành non, lá non ra trong giai đoạn vườn cây bị ngập úng.
- Cần cung cấp thêm chất vôi cho vườn cây măng cụt trong giai đoạn này với liều lượng từ 0,5 - 1 kg cho mỗi gốc (khoảng 500 kg – 1.000 kg/ha) để vừa giải phóng các dinh dưỡng bị đất giữ chặt, hóa giải các độc tố trong đất, mà còn cung cấp Canxi trực tiếp cho cây măng cụt để cây sinh trưởng khỏe hơn. Chú ý phòng trừ các loại bệnh do nấm tấn công ở vùng gốc và rễ cây bằng các loại thuốc thích hợp.
Nói chung để bảo vệ và chăm sóc tốt vườn cây măng cụt trong mùa mưa lũ, nên quan tâm đến vấn đề xây dựng bờ bao bảo vệ vườn cây chắc chắn, việc này cần phải làm trước tiên, để giúp cây măng cụt không bị ngập úng. Ngoài ra còn phải thực hiện chăm sóc vườn măng cụt đúng qui trình kỹ thuật, nhằm giúp cho cây măng cụt phát triển khỏe, nâng cao sức chống chịu với điều kiện bất lợi.