Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

NÔNG NGHIỆP QUẢNG NAM: Sau một năm nhìn lại !
Người đăng: Duy Nguyên .Ngày đăng: 28/12/2022 23:33 .Lượt xem: 208 lượt.
Năm 2022, ngành nông nghiệp Quảng Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất luôn ở mức cao; tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, phức tạp. Tuy nhiên, vượt qua các thách thức đó, năm 2022 giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) đạt 15.118 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Nông nghiệp đạt 8.986,5 tỷ đồng, tăng 2,7%.

Năm 2022 chuẩn bị kết thúc, đánh dấu một mốc thời gian vượt khó của ngành nông nghiệp. Đó là sự tác động của nhiều yếu tố như: Tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, phức tạp, một số đợt mưa trái mùa rất lớn cuối tháng 3 đầu tháng 4/2022 đã gây thiệt hại nặng cho sản xuất, năng suất các loại cây trồng giảm đáng kể; đợt mưa lớn diện rộng từ ngày 7/8 đến ngày 9/8, mưa giữa ngày làm cho một số diện tích lúa bị lem lép thối hạt, năng suất lúa và một số cây trồng bị ảnh hưởng. Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi thường xuyên xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ gây hại. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu,… không giảm sau những đợt tăng giá, cấu thành giá thành sản phẩm nông nghiệp cao, làm cho giá bán ra cao hơn nhiều so với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, cũng cần nhìn nhận sản xuất nông nghiệp trong năm 2022 còn hiện rõ một số điểm yếu, đó là: Liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, giá cả nông sản thiếu ổn định. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất chưa nhiều. Từ đó dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản còn thấp. Mặt khác, biến đổi khí hậu tiếp tục có những diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp, là thách thức đối với sự phát triển bền vững...

Kết quả một số chỉ tiêu cơ bản của sản xuất nông lâm thủy sản

Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) đạt đạt 15.118 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Nông nghiệp đạt 8.986,5 tỷ đồng, tăng 2,7%; lâm nghiệp đạt 1.724,2 tỷ đồng, tăng 5,8% (tốc độ tăng tương đương năm 2021); thủy sản đạt 4.407,3 tỷ đồng, tăng 0.78%. Giá trị sản phẩm trồng cây hàng năm trên 1 ha ước đạt 92 triệu đồng (tương đương năm 2021 và tăng hơn 2 triệu đồng so năm 2020), giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1 ha ước đạt khoảng 400 triệu đồng (tăng hơn 5 triệu đồng so năm 2020). Các địa phương đã chủ động thực hành nghiêm chặt chẽ mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét tiếp tục tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như: lâm nghiệp, thủy sản, rau, quả. Sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm được phát triển.

          Công tác chuyển giao công nghệ, khuyến nông ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Trong năm, tiếp tục thực hiện thành công nhiều mô hình mới tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chuyển giao như: phân hữu cơ vi sinh từ các phụ phế phẩm nông nghiệp để sản xuất rau sạch; Mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ ứng dụng IMO (vi sinh vật bản địa) liên kết tiêu thụ sản phẩm: chănnuôi theo hướng hữu cơ ứng dụng IMO (vi sinh vật bản địa) liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhằm tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, ốc bươu vàng, sản xuất các chế phẩm vi sinh (IMO) và thảo mộc nhằm hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, thức ăn công nghiệp để giảm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng thịt, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình nuôi cá Thát lát cườm, cá Chim vây vàng lồng bè; Chăn nuôi vịt trên sàn lưới nhựa đều là những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao dễ chuyển giao vào sản xuất đại trà. Các mô hình mang tính chất cộng đồng như Mô hình IPM quy mô thôn ở Phú Ninh, mô hình quản lý chuột cộng đồng theo quy mô thôn ở Đại Lộc đã thể hiện ưu điểm trong sản xuất giúp quản lý dịch hại tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường.

Về lĩnh vực trồng trọt

 Tính chung cả năm 2022, cả tỉnh gieo trồng được 145 nghìn ha cây hàng năm, tăng 0,1% (+174 ha) so với năm 2021, trong đó: cây lương thực có hạt 94,7 nghìn ha, tăng 0,5% (+457 ha); cây chất bột có củ 11,9 nghìn ha, giảm 2,5% (-308 ha); cây có hạt chứa dầu 11,8 nghìn ha, tăng 1,9% (+224 ha); cây rau, đậu và các loại hoa 18,7 nghìn ha, giảm 1,8% (-342 ha); cây hàng năm khác 7,0 ngìn ha, tăng 2,0% (+141 ha).

Cây lúa cả năm gieo cấy đạt 83,2 nghìn ha, tăng 576 ha (+0,7%) so với năm 2021; năng suất theo thống kê ước đạt 52,54 tạ/ha, giảm 3,4 tạ/ha; sản lượng đạt 437,2 nghìn tấn, giảm 25,1 nghìn tấn. Diện tích gieo trồng cây hằng năm khác năm 2022 đạt 61,8 nghìn ha, giảm 402 ha (-0,6%) so với năm 2021. Một số cây có diện tích giảm mạnh như: Sắn đạt 9.050 ha, giảm 297 ha (-3,2%), ngô đạt 11.549 ha, giảm 119 ha (-1,0%); mía đạt 289 ha, giảm 28 ha (-8,9%); dưa hấu đạt 1.208 ha, giảm 32 ha (-2,6%);...

Cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển dịch tốt, đa số các địa phương đều tuân theo cơ cấu giống của tỉnh ban hành. Diện tích sản xuất giống trung, ngắn ngày tăng hơn so với giống dài ngày; các huyện đồng bằng, trung du, giống trung, ngắn ngày được cơ cấu nâng cao dần (chiếm 82 - 87%). Các giống trung, ngắn ngày được sản xuất với diện tích lớn như: KD18, HT1, PC6, Thiên ưu 8, BC15, Hà Phát 3. Việc bố trí cùng giống, cùng thời vụ đã thuận lợi trong việc thu hoạch lúa nhanh gọn bằng máy gặt đập liên hợp. Bên cạnh đó, nhờ tỷ lệ cơ giới hoá ở khâu làm đất cao nên việc xuống giống được thuận lợi. Nhìn chung trong năm 2022, tình hình dịch hại trên cây trồng được kiểm soát, đa số các đối tượng đều có DTN thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Một số đối tượng tuy có nổi lên (rầy nâu, OBV, chuột, bệnh lem lép thối hạt trên cây lúa; bệnh khảm lá trên cây sắn...) nhưng nhờ sự chủ động, tăng cường giám sát đồng ruộng; hướng dẫn các giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả qua nhiều kênh thông tin; công tác phối kết hợp chỉ đạo đồng bộ nên đã khống chế dịch hại lây lan gây hại diện rộng, không ảnh hưởng lớn đến sản lượng chung của toàn tỉnh.

         Chuyển đổi cây trồng: Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1432/QĐ-UBND ngày 26/5/2022 về Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trên cơ sở đó, các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong năm, các địa phương đã duy trì diện tích chuyển đổi của các năm trước và tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng cạn ngắn ngày, cây dược liệu, cây ăn quả có hiệu quả cao hơn. Tổng diện tích chuyển đổi trong năm là 1.104 ha, trong đó vụ Đông Xuân 2021- 2022 là 523 ha, vụ Hè Thu 2022 là 581 ha. Loại hình chuyển đổi khá đa dạng, cây trồng có diện tích chuyển đổi lớn chủ yếu là: Cây ăn quả (214 ha), ngô (162 ha), lạc (115 ha), rau các loại (91 ha)… Các địa phương có diện tích chuyển đổi lớn như Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Phước Sơn, Tiên Phước,... Hầu hết diện tích chuyển đổi đều có hiệu quả cao hơn so với sản xuất lúa. Cây trồng trong mô hình chuyển đổi đều cho lợi nhuận tăng bình quân từ 20 - 30% so với sản xuất lúa trong cùng thời vụ, trên cùng chân đất. Riêng đối với một số mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng sen cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa.

         Qua kiểm tra, theo dõi, tổng hợp kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhìn chung các địa phương đều tổ chức hướng dẫn, vận động nông dân thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, việc lập và triển khai kế hoạch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp&PTNT, UBND tỉnh… chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, đa số các địa phương chưa xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

         Tình hình liên kết sản xuất (LKSX) trong lĩnh vực trồng trọt: Trong năm 2022, có 33 Công ty, đơn vị tổ chức sản xuất giống cây trồng trên địa bàn tỉnh, trong đó có 30 công ty sản xuất giống lúa, 01 công ty sản xuất giống lúa, ngô, 01 công ty sản xuất giống ớt, 01 công ty sản xuất giống hành tím. Tổng diện tích sản xuất giống lúa 5.127,5 ha, trong đó vụ Đông Xuân 2021- 2022 là 4.088,5 ha, vụ Hè thu 2022 là 1.039 ha (diện tích sản xuất giống lúa lai F1 là 292 ha, lúa thường 4.835,5 ha). Diện tích sản xuất giống ngô 20 ha, diện tích sản xuất giống ớt 02 ha, diện tích sản xuất giống hành tím 02 ha. Một số địa phương, HTX liên kết với các Công ty, Doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ nông sản cho người dân như Duy Xuyên liên kết hơn 230 ha để sản xuất các loại cây trồng (sen 78 ha, dâu tằm 47 ha, ớt 35 ha, rau các loại 15 ha...) nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn: Đến nay, các địa phương đã thực hiện rà soát, khoanh vùng định hướng phát triển các vùng chuyên canh theo kế hoạch; định hướng xây dựng mô hình điểm về LKSX, tiêu thụ sản phẩm; bố trí, lồng ghép nguồn ngân sách để triển khai thực hiện kế hoạch. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực đội ngũ HTX, THT và người dân nhằm phục vụ phát triển sản xuất các vùng rau, củ, quả với 300 lượt nông dân tham gia. Tổng diện tích sản xuất rau, củ, quả an toàn đã thực hiện là 58 ha (trong đó rau chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP là 26,3 ha, rau chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương là 31,7 ha). Như vậy, so với kế hoạch thì diện tích thực tế sản xuất rau, củ quả an toàn trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh còn thấp, chỉ đạt 3,1% (đối với rau chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP) và 26% (đối với rau chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương). Tuy diện tích sản xuất rau an toàn theo các tiêu chuẩn còn thấp, nhưng hầu hết các sản phẩm đều có đầu ra ổn định, thu nhập của người trồng rau được tăng lên đáng kể.

Tình hình phát triển cây dược liệu: Đối với cây Quế: UBND các huyện đã xây dựng Kế hoạch Bảo tồn và phát triển cây Quế Trà My năm 2022 với tổng kinh phí 1,728 tỉ đồng. Kết quả đã hỗ trợ cây giống trồng mới 503.000 cây/KH 563.000 cây, đạt 89,34%; giải ngân đến tháng 11/2022: 612,5 triệu đồng/1.728 triệu đồng; đạt 35,45% so với kế hoạch (ước thực hiện cả năm 1.572 triệu đồng/1.728 triệu đồng, đạt 91%). Sâm Ngọc Linh:  Năm 2022, tổng diện tích trồng mới 22,3 ha, nâng tổng diện tích Sâm Ngọc Linh hiện có lên 1.272,3 ha. Về trồng thử nghiệm di thực Sâm Ngọc Linh đến nay đã trồng 8.000 cây (trong năm 2022, đã cấp cho 02 huyện Tiên phước và Núi Thành, mỗi huyện 1000 cây; huyện Đông Giang chưa nhận). Đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật theo dõi, đánh giá mô hình trồng thử nghiệm di thực Sâm Ngọc Linh để các đơn vị tổ chức thu thập thông tin, đánh giá kết quả trong quá trình theo dõi. Trong năm cho 2 đơn vị thuê môi trường rừng 57,41 ha trồng sâm Ngọc Linh, đến nay, có 19 tổ chức, doanh nghiệp đơn vị với diện tích là 364,52 ha, 14 đơn vị thực hiện trồng với diện tích 34 ha. Hằng năm, tổ chức kiểm tra tình hình thuê môi trường rừng và việc chấp hành hướng dẫn kỹ thuật trồng dưới tán rừng, trên cơ sở đó ngành nông nghiệp đã ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục tồn tại, hạn chế trong trồng, chăm sóc Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

Về lĩnh vực Chăn nuôi:  Chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi theo chuỗi, khép kín từ con giống, vật tư đầu vào đến sản xuất và chế biến, tiêu thụ. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tại thời điểm tháng 11/2022 như sau: Đàn trâu có 59,25 nghìn con, tăng 1,5% (+850 con); đàn bò ước đạt 175,2 nghìn con (+1,2%;+2.000 con); đàn lợn có 337 nghìn con (+3,1%;+10.141 con); đàn gia cầm có 8,95 triệu con (+2,2%;+190 nghìn con), trong đó đàn gà 7,32 triệu con (+4,3%;+302 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,03 nghìn tấn (+5,2%, +100 tấn); sản lượng thịt bò hơi đạt trên 10 nghìn tấn (+5,5%;+523 tấn); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt gần 23 nghìn tấn (+5,62%;+1.224 tấn); sản lượng thịt gia cầm đạt 18,4 nghìn tấn (+9,1%;+1.536 tấn), trong đó sản lượng thịt gà đạt 15 nghìn tấn (+9,6%;+1.321 tấn); trứng gia cầm đạt trên 212 triệu quả (+4,4%;+1.321 nghìn quả) so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 17,70% (1.659.594 con)/tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh (9.374.750 con); trong đó đàn lợn chiếm 21,83% (74.273 con)/tổng đàn lợn của tỉnh (340.200 con); tổng đàn gia cầm đạt 17,99% (1.582.800 con)/tổng đàn gia cầm của tỉnh (8.800.000 con).

Đối với lĩnh vực Thủy sản: Tổng sản lượng thủy sản cả năm 2022 ước tính đạt 127,2 nghìn tấn, tăng 1,7% (+2.119 tấn) so với năm 2021, trong đó: sản lượng khai thác thủy sản đạt 99,6 nghìn tấn, chiếm 78,3%, tăng 1,6% (+1.526 tấn); sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 27,6 nghìn tấn, chiếm 21,7%, tăng 2,2% (+593 tấn). Việc nuôi cá lồng bè hiện nay được thả nuôi chủ yếu tại dòng sông Tam Kỳ và các lòng hồ chứa nước (Khe Tân, Sông Tranh II, Đăk Mi 4, ...); số lồng bè được thả đạt 580 lồng (60-75 m3/lồng) bao gồm các loại: cá rô phi, cá diêu hồng, cá trắm, cá trôi, cá mè, cá chép, cá lóc, cá trê và một số thủy đặc sản khác như cá chình, cá lăng nha, ếch, ...

Về cơ sở đóng tàu, dịch vụ hậu cần: Hiện nay, toàn tỉnh có 05 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận (GCN) cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu thuyền theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP (04 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ đã được Sở nông nghiệp và PTNT cấp GCN, 01 cơ sở đóng tàu vỏ thép được Tổng cục Thủy sản cấp GCN).

Về cảng cá, bến cá và khu tránh trú bão: Toàn tỉnh có 02 cảng cá: cảng cá Tam Quang (Tam Quang - Núi Thành) và cảng cá An Hòa (Tam Giang - Núi Thành) là cảng loại II, đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác; 02 bến cá: Bến cá Tam Phú (Tam Kỳ) và bến cá Thanh Hà (Hội An); 04 công trình tránh trú bão tập trung; ngoài ra còn có các vịnh kín gió dọc sông Trường Giang cơ bản đáp ứng được một phần nhu cầu của ngư dân trong việc neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền.

Về Tổ, đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá: Đến nay, toàn tỉnh có 09 nghiệp đoàn nghề cá (trực thuộc Liên Đoàn lao động tỉnh) với 720 tàu/4.879 lao động tham gia; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia. Thực hiện chính sách hỗ trợ và phát triển thủy sản đạt kết quả, tiếp tục đang tiến hành tổng hợp rà soát để tổ chức thẩm định theo quy định.

Trong lĩnh vực Lâm nghiệp

Quan tâm đến công tác quản lý rừng, tăng cường theo dõi biến động trên hệ thống cảnh báo mất rừng cũng như các ứng dụng công nghệ khác. Tiến hành tập huấn và bàn giao thiết bị Flycam cho các đơn vị; triển khai cho các đơn vị thử nghiệm hệ thống FRMS 4.0 để thực hiện theo dõi, tổng hợp diện tích biến động rừng, các điểm cảnh báo mất rừng trên hệ thống quản lý, giám sát tài nguyên rừng tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên hiện Hệ thống theo dõi diễn biến rừng của Tổng cục Lâm nghiệp - FRMS đang nâng cấp và chưa hoàn thiện nên việc cập nhật diễn biến rừng bị chậm trễ. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 01 Phương án Phương án quản lý rừng bền vững, các đơn vị còn lại đang triển khai thực hiện để hoàn chỉnh, xây dựng phương án. Đến nay đã lập Đề cương, dự toán kinh phí lập Báo cáo Kinh tế kỹ thuật dự án Cắm mốc ranh giới rừng tự nhiên do UBND xã quản lý trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh và Sở Tài chính xem xét phê duyệt và bố trí nguồn kinh phí để thực hiện dự án. Đã tham mưu thẩm định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cho 06 dự án, với diện tích đề nghị chuyển là 163,10 ha (rừng tự nhiên: 22,82 ha, rừng trồng: 140,28 ha). Đang thẩm định hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng trồng Dự án Hồ chứa nước Suối Thỏ tại huyện Tiên Phước với diện tích là 12,84 ha. Ngoài ra, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 14/10/2022 điều chỉnh đưa ra ngoài Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020 đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác 484.215,1 m2, trong đó: quy hoạch rừng phòng hộ là 143.872,8 m2; quy hoạch rừng sản xuất là 340.342,3 m2./.

Nguồn tin: Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VÀ TƯ DUY NỀN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG VÀ YÊU CẦU THÍCH ỨNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
GÓC NHÌN: Từ việc xây dựng Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
VÙNG NÚI QUẢNG NAM VÀ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU CỦA NGHỊ QUYẾT 12-NQ/TU NGÀY 20/7/2021 CỦA TỈNH ỦY
Các tin cũ hơn:
Quy hoạch sử dụng đất đến 2020 của Quảng Nam, Quảng Ngãi
Chương trình Hợp tác Quảng Nam - Sê Kông (Lào)
Bài thuốc chữa Áp huyết cao
KHUYẾN NÔNG QUẢNG NAM – 20 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
NFA mời Việt Nam đấu thầu 200.000 tấn gạo bổ sung
4 cách làm chậm lão hóa não
Những rau quả giúp bảo vệ gan
Cách chọn cua, ghẹ biển
Sử dụng thuốc tím trong xử lý nước
Cây bưởi trụ trên đất Tam Trà
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    

Liên kết Web

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00004651297

    Lượt trong ngày
    2950
    Tổng số: 4651297