Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Kỹ thuật trồng vườn Bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ (Phần 2)
Người đăng: Phan Đăng Danh .Ngày đăng: 21/12/2022 09:52 .Lượt xem: 952 lượt.
Cây bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ thì cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, quả đều, vỏ bóng đẹp, năng suất và chất lượng quả ngon, giá bán cao hơn so với bưởi trồng theo phương pháp truyền thống và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.


 Vườn bưởi Da xanh sản xuất theo hướng hữu cơ (Trọng lượng quả đạt BQ từ 2,0 - 3,5kg)

I. Kỹ thuật trồng cây bưởi theo hướng hữu cơ

1. Chuẩn bị đất trồng:

Bưởi có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Đất đồi núi, đất đỏ bazan, đất phát triển trên phiến thạch, sa thạch, đất phù sa cổ. Nhưng đất phù hợp với bưởi là loại đất tơi xốp, tầng đất dày, có kết cấu tốt, không đọng nước.  Các loại đất sau đây thuận lợi cho việc trồng bưởi:

          + Đất phù sa ven sông.

          + Đất đồi núi có tầng đất dày.

*/ Một số chỉ tiêu cơ bản đối với đất trồng bưởi:

          - Địa hình đất trồng: Đất bằng, đất đồi dốc vừa phải.

          - Đất tơi xốp cao, giữ nước tốt, nhưng thoát nước tốt không bị úng cục bộ.

          - Độ dày tầng đất từ 50cm trở lên.

          - pH đất từ 5,5 - 6,5.

          - Hàm lượng mùn trên 1,5%.

- Đất thịt: là loại đất có tính chất trung gian giữa đất cát và đất sét. Là loại đất tốt, độ phì nhiêu cao, rất phù hợp với nhiều loại cây trồng. Đất thịt nhẹ và đất thịt trung bình rất phù hợp với cây bưởi.

- Đất trồng mới cây bưởi cần được giải phóng trước từ 4 - 6 tháng. Nếu là đất chu kỳ 2 nên trồng 2 - 3 vụ cây họ đậu để cải tạo đất, trước khi trồng cần vệ sinh vườn/trang trại trồng sạch sẽ.

2. Thời vụ trồng:

Bưởi trồng được quanh năm nhưng nên trồng vào đầu xuân hoặc đầu mùa mưa để tiết kiệm công tưới nước, thời điểm thích hợp nhất vào tháng 5-6 dương lịch hàng năm. Cũng có thể trồng vào cuối mùa mưa nếu có đủ điều kiện tưới trong mùa nắng;

Trong điều kiện chủ động nước tưới, trồng vào vụ Thu cây ổn định sinh trưởng, đến mùa Xuân năm sau cây sinh trưởng tốt hơn;

3. Đào hố và bón lót:

Sau khi đã thiết kế xong tiến hành đào hố và bón lót trước lúc trồng cây khoảng 1 tháng.

Kích thước hố: nguyên tắc đất xấu phải đào rộng và sâu, đất tốt đào hố nhỏ và nông hơn. Thông thuờng hố trồng cây bưởi đào hố 60cm x 60cm x 60cm.

Lấp hố và bón phân: trộn với phân chuồng, lân, vôi với liều lượng (tính cho 1 hố) như sau: phân chuồng hoai mục 30-50kg + 0,5kg supe lân + 1- 1,5kg vôi (có thể bổ sung 200g phân NPK (16-16-8), lấp trên mặt hố cao hơn mặt đất vườn 15 - 20 cm.

Lưu ý: Nếu không có phân chuồng hoai mục thì có thể sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để thay thế với lượng bón 0,5 - 1kg/hố/cây.

4. Tiêu chuẩn cây giống tốt:

- Cây phải đúng giống, sinh trưởng khỏe, không mang mầm mống sâu bệnh hại.

- Đồng nhất về hình thái và đặc tính di truyền, độ sai khác không vượt quá 5%.

- Chiều cao cây tính từ mặt bầu > 60cm, có 2-3 cành cấp I.

- Đường kính gốc ghép đo cách mặt bầu 10cm: 0,8-1cm.

- Đường kính cành ghép (đo trên vết ghép 2 cm) > 0,7cm

5. Trồng cây:

Khi trồng, đào lỗ giữa hố sâu và rộng hơn túi bầu (xé bỏ túi bầu Polymer); đối với đất bằng đặt bầu cây con xuống sao cho mặt bầu cao hơn mặt đất vườn từ 3 - 5 cm; đối với đất đồi đặt bầu cây con bằng mặt đất vườn. Dùng tay ấn nén đất xung quanh bầu cây tạo sự liên kết giữa đất ở ngoài và bầu cây.

Khi đặt cây phải xoay hướng cành ghép theo hướng chiều gió để tránh gẫy nhánh, cụ thể cắm cọc để giữ cây con khỏi tác hại của gió.

Trồng xong tưới đẫm nước và dùng cỏ mục, rơm rạ khô để tủ gốc.

Chú ý khi trồng bưởi ta chỉ nên chọn một loại giống cây ăn quả duy nhất không trồng xen với các loại cây có múi khác để tránh thụ phấn chéo. 

6. Chăm sóc sau trồng:

Sau khi trồng phải tưới nước thường xuyên giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi. Sau đó tuỳ thời tiết khô nắng mà có thể tưới bổ xung chống hạn cho cây.

Làm cỏ và quản lý cỏ dại: Những năm đầu cây còn nhỏ chưa giao tán phải làm sạch cỏ gốc thường xuyên, làm cỏ gốc theo hình chiếu của tán cây, phần cỏ còn lại trong vườn cần được giữ lại với mục đích giữ ẩm cho vườn, chống xói mòn, rửa trôi…; Áp dụng biện pháp cắt cỏ trong vườn cây bưởi để trả lại phân xanh cho đất, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cây bưởi (bộ rễ cây bưởi rất mẫn cảm với các loại thuốc trừ cỏ).

Sử dụng phân bón và các loại thuốc BVTV: Thay vì sử dụng các sản phẩm hóa học, chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật như trước đây, nay chuyển sang sử dụng các loại phân chuồng được ủ hoai và các loại thuốc vi sinh. Để tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, các loại cỏ mọc được giữ lại, khi cần thiết chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ.


Vườn bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ được lắp hệ thống tưới nước tự động, tưới tiết kiệm nước

*/ Cây trồng xen phủ đất giữ ẩm:

Ở những vùng đất bằng hoặc hơi dốc nên trồng cây phân xanh ở giữa các hàng cây để vừa che phủ đất giữ ẩm, chống cỏ dại, vừa tạo nguồn phân xanh cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Trồng xen cây họ đậu (lạc, đậu tương, đậu đen, đậu xanh…), các loại cây dược liệu, cây rau thơm…dưới tán cây bưởi trong những năm đầu cây chưa giao tán.

Trồng xen phải theo phương châm cây trồng xen không chèn cây trồng chính.

7. Bao trái:

Quả bưởi cũng cần phải bao sớm. Khi quả bưởi to bằng quả trứng gà (đường kính 2,2-2,5cm) dùng túi nilon có đường kính 20-40cm, dài 30-60cm, thủng hai đầu để bao quả có trọng lượng khi chín 0,7-4kg.

Dùng túi nylon bao chùm trái từ phần cuống theo hướng thẳng xuống, dùng dây buộc giữ túi vừa chặt. Túi nylon cắt bỏ hoàn toàn phần đáy vừa giữ được sự thông thoáng, vừa ngăn các loại côn trùng, sâu và ruồi đục trái tấn công.

8. Thu hoạch trái bưởi:

Nên thu hoạch khi bưởi vừa chín tới, da căng láng, cắt luôn cả cuốn trái. Không hái trái khi chưa chín tới hoặc hái quá trễ, chất lượng không tốt.



Kiểm tra độ chín của vườn bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ trước khi thu hoạch trái

*/ Kinh nghiệm để trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ được tổng kết như sau:

- Thứ nhất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thường sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học; tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ mà để cỏ trong vườn, dùng máy phát cỏ theo từng đợt, nhằm hạn chế rửa trôi đất và xác cỏ tạo mùn bã hữu cơ làm tơi xốp đất.

- Thứ hai, hạn chế bón phân hóa học, chỉ bón 1 lượng nhỏ trong một năm, trung bình mỗi gốc chỉ bón từ 1,5 - 2 kg phân NPK/cây. Chủ yếu bón phân hữu cơ tự ủ là chính với lượng từ 40-50 kg/cây, một năm chia ra thành nhiều đợt để bón nhằm đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây.

- Thứ ba, vườn cây ăn trái nên lắp hệ thống tưới nước tự động, tưới tiết kiệm nước nhằm chủ động tưới nước cho cây khi cần thiết cũng như tiết kiệm công lao động, tiết kiệm lượng nước tưới.

- Thứ tư, sau khi thu hoạch quả phải vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom cắt tỉa cành khô, cành sâu bệnh, cành tăm yếu và những cành không có khả năng cho quả ra khỏi vườn để tiêu hủy nhằm hạn chế các mầm bệnh trong vườn cây./. 

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Kỹ thuật trồng và chăm sóc Gừng trâu cho năng suất cao
Kỹ thuật chọn giống, trồng và chăm sóc Dừa xiêm xanh
Hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thu hoạch cây Sâm Bố Chính
VỤ ĐÔNG XUÂN 2024: Dưa hấu được mùa, được giá..., nhưng “Nỗi lo vẫn còn đó”
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CÂY ĐẢNG SÂM QUẢNG NAM
Các tin cũ hơn:
KỸ THUẬT TRỒNG HOA THIÊN LÝ
KỸ THUẬT SỬ DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH ĐỂ SẢN XUẤT PHÂN HỮU CƠ TẠI CHỖ
PHÒNG TRỪ SÂU ĐỤC THÂN HẠI NGÔ
Thời tiết ảnh hưởng việc bón phân ra sao?
Một số biện pháp phòng trừ dịch hại cho cây hồ tiêu đầu mùa mưa
kỹ thuật trồng xen canh cây bắp lai xen với cây lạc trên đất lúa chuyển đổi
Trồng đậu phụng trên đất lúa lãi ròng gần 21 triệu đồng/ha
Bón phân dúi sâu cho lúa: Đôi điều suy ngẫm
Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ
Rau VietGAP bí đầu ra
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10