Nếu như trước đây, người dân ưu tiên phát triển trồng cây keo nguyên liệu giấy thì những năm gần đây nhiều nông hộ đã chú trọng phát triển, nhân rộng nhiều diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hàng ngàn ha keo nguyên liệu giấy hiệu quả thấp, đã nhường chỗ cho các loại cây ăn quả bản địa. Chính nhờ vậy, kinh tế vườn đồi dần mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của các địa phương trung du và miền núi.
Những vườn keo đang được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả tại huyện Tiên Phước
Theo thống kê, tổng diện tích trồng cây ăn quả toàn tỉnh hiện khoảng trên 8.200 ha và diện tích này liên tục được mở rộng qua từng năm. Trong đó, các huyện trung du, miền núi của tỉnh chiếm khoảng 80 % diện tích. Tổng giá trị sản xuất các loại cây ăn quả toàn tỉnh ước đạt đạt 404 tỷ đồng/1 năm. Cây ăn quả tại các huyện khu vực trung du, miền núi của tỉnh ta đa phần trồng các loại cây phổ biến như: cam, chanh, bưởi, quýt, thanh trà, lòn bon, măng cụt, sầu riêng (phần lớn tại Tiên Phước, một số nơi tại Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn)...; các loại chuối, mít, thanh long (trồng tại Bắc Trà My)...
Từ lợi ích của kinh tế vườn đồi khi trồng cây ăn quả, trổng rừng gỗ lớn, cây dược liệu, chăn nuôi nên diện tích vườn đồi ngày càng được người dân cải tạo, mở rộng. Nhờ vậy, những vườn đồi có thu nhập nhập bình quân 35 triệu đồng/ha/năm trở lên ngày càng nhiều, một số vườn cho thu nhập rất cao trên 100 triệu đồng/ha/năm không còn là chuyện hiếm. Nhiều diện tích vườn đồi trước đây chủ yếu được người dân trồng cây keo nguyên liệu, cây tạp, cây có giá trị kinh tế thấp nay được thay bằng những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi gắn với bảo vệ rừng gỗ lớn.
Để phát triển kinh tế vườn đối bền vững cần quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, các địa phương cần hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX xây dựng các vườn ươm cây giống tạo nguồn giống tại chỗ, đặc biệt là các loài cây bản địa có năng suất, chất lượng cao… Đối với một số loại cây bản địa cần phải lập hồ sơ (theo điều 5, nghị định 94/2019/NĐ) đề nghị Cục trồng trọt công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng để sản xuất, kinh doanh đúng quy định Pháp luật.
Hai là, tuy có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu và nhiều loại cây trồng đặc sản có tiếng nhưng về lâu dài muốn nâng giá trị các loại cây trồng bản địa thì các nông hộ phải xây dựng được mã số vùng trồng để hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Ba là, cần liện kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các HTX, doanh nghiệp trong việc cung ứng vật tư đầu vào và thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu sản phẩm (liên kết sản xuất – tiêu thụ); tạo nên một liên kết chặt chẽ, chia sẽ rũi ro, hài hoà lợi ích; không thông qua các khâu trung gian làm tăng chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm. Người sản xuất yên tâm tập trung sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng; doanh nghiệp, HTX sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng, giúp cho sản xuất ổn định, đảm bảo kế hoạch, phát huy được giá trị thương hiệu.
Với những giải pháp cơ bản như trên, hy vọng bức tranh tổng thể về kinh tế vườn đồi các huyện trung du và miền núi Quảng Nam sẽ là vùng sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh./.