Hình 1: Măng cụt là cây trồng tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Quảng Nam
I. Thời kỳ cây con (giai đoạn thiết kế cơ bản)
Sau khi trồng và trong suốt thời kỳ kiến thiết cơ bản (trong 4 - 5 năm đầu) cây măng cụt cần phải được che mát. Ban đầu có thể che mát bằng tàu lá dừa, cành lá khô, lưới che sáng, rơm rạ…, đồng thời dùng rơm rạ hoặc cỏ khô phủ quanh cây một lớp dày khoảng 5 - 10cm, cách xa gốc khoảng 10 - 20cm trong mùa khô để giảm thoát hơi nước. Sau đó, trồng xen cây che bóng có thời gian sinh trưởng ngắn như chuối, ổi, hoặc các cây thân gỗ mọc nhanh xung quanh, cách gốc Măng cụt 1 - 2 m về 4 hướng hoặc ở hai hướng Đông và Tây để hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp lên cây. Tưới đủ ẩm trong những tháng mùa khô để giúp cây mạnh khoẻ, nhanh phát triển.
Cây măng cụt cần được cung cấp đầy đủ các nguyên tố đa, trung và vi lượng. Thiếu hoặc thừa một trong những yếu tố này đều ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển không bình thường của cây. Các chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng giúp cây trồng sinh, trưởng phát tốt, cho năng suất cao và tăng chất lượng quả.
I.1. Xác định loại và lượng phân bón cho cây măng cụt
1. Loại phân bón cho măng cụt
1.1. Phân hữu cơ
Măng cụt là cây rất ưa phân hữu cơ. Các loại phân hữu cơ thông dụng như phân gia súc, than bùn, phân ủ các dư thừa thực vật, phân xanh, phân cá...
* Ưu điểm: Tạo chất đệm, ổn định độ chua của đất tăng hiệu quả của việc bón phân vô cơ. Làm đất tơi xốp, giữ ẩm tốt, tăng độ phì nhiêu. Tạo môi trường thuận lợi để vi sinh vật phát triển và hoạt động làm tăng khả năng kháng bệnh đối với cây trồng. Chi phí thấp.
*/ Hạn chế: Hiệu quả chậm; Cồng kềnh, tốn công vận chuyển; Hàm lượng dưỡng chất thấp, không ổn định, khó kiểm soát. Để nâng cao hàm lượng dinh dưỡng phân chuồng, nên tận dụng các dư thừa thực vật có sẳn để độn vào phân chuồng và ủ phân trước khi sử dụng.
1.2. Phân vô cơ
Đối với cây măng cụt cần bón các loại phân vô cơ chứa đạm, lân, kali và một số phân vi lượng. Tùy theo nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi giai đoạn phát triển mà lựa chọn các loại phân vô cơ để bón cho phù hợp.
*/ Ưu điểm: Đáp ứng nhanh kịp thời nhu cầu của cây. Hàm lượng dinh dưỡng ổn định, dễ kiểm soát. Dễ vận chuyển, dễ sử dụng vì ít tốn công.
*/ Hạn chế: Sử dụng đơn độc lâu ngày đất bị chai cứng, chua, cây hấp thụ kém. Hạn chế vi sinh vật phát triển.
Hình 2: Sau khi trồng phải dùng lưới cắt nắng che mát cho cây măng cụt
1.3. Vôi nông nghiệp
Thông thường người ta bón vôi để nâng cao độ pH của đất, để cải tạo lý, hoá tính của đất, xúc tiến quá trình phân giải chất hữu cơ, tăng cường sự sinh trưởng phát triển của vi sinh vật (VSV) trong đất, giải phóng lân bị cố định. Sử dụng vôi bột để bón cho đất trồng măng cụt nhưng nếu có điều kiện nên dùng Dolomit thay vôi để vừa cung cấp Canxi vừa cung cấp Magie cho măng cụt. Đất có độ pH ≤ 5,5 là phải bón vôi, nhưng phải bón nhiều năm liền để nâng độ pH lên chứ không nên bón nhiều 1 lần với số lượng lớn/năm.
2. Lượng phân bón cho cây măng cụt
2.1. Giai đoạn cây chưa cho quả
Liều lượng phân hữu cơ và phân vô cơ bón cho mỗi cây trong năm
STT
|
Tuổi cây (năm)
|
1-2
|
2-4
|
4-6
|
6-8
|
8-10
|
>10
|
1
|
Phân hữu cơ (kg/cây/năm)
|
5-10
|
15-20
|
15-20
|
20-30
|
20-30
|
40-50
|
2
|
Phân NPK (15:15:15) (kg/cây/năm)
|
0,25
|
0,50
|
1,0
|
2,0
|
4,0
|
> 6,0
|
a. Xác định thời điểm bón phân
Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng của giai đoạn kiến thiết cơ bản để xác định thời điểm bón phân cho phù hợp:
Lượng NPK hoặc hỗn hợp phân được chia đều và bón nhiều lần trong năm (3 - 4 lần). Có thể sử dụng thêm phân bón lá nếu cây phát triển kém, chú ý phun ở mặt dưới lá.
Phân hữu cơ và vôi: Bón 1 lần vào đầu mùa mưa.
Phân vi lượng: Phun 2 lần trong năm.
b. Xác định cách bón phân
*/ Bón gốc:
- Phân hữu cơ: Bón vào hố trước khi trồng hoặc rải quanh ở phía ngoài rìa tán lá, xới nhẹ và đều.
- Phân vô cơ: Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản bộ rễ cây măng cụt chưa phát triển mạnh nên bón quanh và cách gốc 20 cm, không nên bón quá 2/3 tán cây tính từ gốc (vì rễ măng cụt chỉ phát triển trong 2/3 tán cây). Tủ lên một lớp đất mỏng, tưới nước và dùng lá cây khô, rơm rạ, cỏ khô tủ lên trên.
- Phun trên lá: Thường áp dụng đối với các loại phân vi lượng. Cần lưu ý sử dụng đúng nồng độ như khuyến cáo để tránh gây cháy lá hoặc ngộ độc. Để tăng hiệu quả của phân bón lá nên phun vào buổi sáng và phun mặt dưới của lá.
c. Kỹ thuật bón phân cho măng cụt
- Bón lót: Trộn đều phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục, vôi nông nghiệp với tầng đất mặt cho vào hố và lấp đầy hố trước khi trồng 20 - 30 ngày.
- Bón thúc: Xới nhẹ đất trong 2/3 tán, rải đều phân cách gốc 20cm và phủ một lớp đất mỏng lên trên.
d. Tưới nước sau mỗi lần bón phân
Tưới nước đủ ẩm sau khi bón phân để phân hòa tan cho cây trồng dễ hấp thu nhưng không được tưới quá nhiều sẽ trôi mất phân. Cũng có thể kết hợp với các biện pháp tủ đất vừa giúp giữ ẩm vừa giảm lượng phân bay hơi.
3. Các nguyên tố N, P và K đối với cây măng cụt
Khi cây còn nhỏ, chưa cho quả, cây cần đạm và lân để sinh trưởng. Từ khi cây có quả cần nhiều cả đạm, lân và kali, để ra hoa tập trung và tăng chất lượng quả, nên bón phân hỗn hợp NPK cho cây.
+ Đạm (N): Đạm cần thiết cho sự phát triển của lá, thân cành, hoa, quả, hạt. Do vậy, cần bón đạm đầy đủ cho cây măng cụt, cây đủ đạm lá xanh tốt, cây phát triển khỏe, quả phát triển đều.
Thiếu đạm: Lá có màu xanh vàng hay xanh nõn chuối, thiếu nặng lá rụng nhiều, năng suất giảm. Hiện tượng thiếu đạm thường xảy ra trên đất nghèo dinh dưỡng và bón không đủ lượng đạm cây cần.
Thừa đạm: Phát triển thân lá mạnh, lá có màu xanh đậm, dễ bị sâu bệnh tấn công, đậu quả ít, rụng quả nhiều.
+ Lân (P): Măng cụt cần lân tương đương với đạm. Dạng lân dễ tiêu trong đất thường bị giới hạn bởi việc cố định do các phản ứng hóa học, đặc biệt là ở đất chua. Nên thường xuyên bón phân lân với lượng nhỏ và cần bón lót phân lân trong hố trước khi trồng để giúp cây tăng trưởng trong giai đoạn ban đầu.
Thiếu lân: Lá chuyển màu xỉn, mép lá non ửng đỏ, thiếu nặng lá rụng và cành chết.
+ Kali (K): Kali rất quan trọng khi cây ra quả, lượng kali trong quả rất lớn. Bón thường xuyên phân kali rất cần thiết để duy trì năng suất cao và phẩm chất ngon cho măng cụt. Bên cạnh đó, kali làm tăng khả năng chống chịu của cây đối với các tác động không lợi từ bên ngoài và chống chịu đối với một số loại bệnh. Kali tạo cho cây cứng chắc, ít đổ ngã, tăng khả năng chịu úng, chịu hạn…
Thiếu K: Mép lá chuyển màu vàng cam sau tới màu xám nâu và khô, lá rụng nhiều./.
(Còn nữa)