Kế hoạch xây dựng Tổ Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) được triển khai với mục tiêu chung là nhằm tăng cường công tác khuyến nông cơ sở, đặc biệt là thôn, khối phố (cấp thôn), lấy tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp (HTX), doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi, điển hình làm nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững; Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông cơ sở theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho nông dân, dựa trên 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; hỗ trợ hình thành phát triển hợp tác xã (vận động, tư vấn nông dân tham gia vào HTX, hỗ trợ tư vấn tổ chức sản xuất,...); thông tin thị trường, liên kết sản xuất, đa dạng hóa chức năng và phương thức hoạt động khuyến nông.
Theo đó, nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch được xác định: Năm 2022, xây dựng 30% Tổ khuyến nông cộng đồng ở cấp thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2023, xây dựng 70% Tổ KNCĐ ở cấp thôn. Từ năm 2024 đến 2025 hoàn thành xây dựng 100% Tổ khuyến nông cộng đồng ở cấp thôn còn lại trên địa bàn toàn tỉnh. Hướng dẫn quá trình thành lập, tổ chúc hoạt động của Tổ KNCĐ, hỗ trợ nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông cộng đồng để thực hiện các nhiệm vụ/hoạt động khuyến nông tại cơ sở.
Khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn nông dân ủ phân chuồng bằng men Trichoderma
Tổ KNCĐ cấp thôn là tổ chức khuyến nông tự nguyện được UBND xã công nhận, với thành phần gồm: Khuyến nông viên cơ sở; cán bộ, công chức xã được phân công phụ trách thôn; cán bộ thôn; đại diện các tổ chức chuyên môn, chính trị, xã hội, đoàn thể, tổ chức kinh tế địa phương (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Chi Đoàn thanh niên, HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp đóng trên địa bàn); nông dân sản xuất giỏi, chủ trang trại sản xuất nông nghiệp; những người có tâm huyết nghề nông tham gia với tinh thần tự nguyện.
Về số lượng thành viên, tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, mỗi Tổ KNCĐ được thành lập có tối thiểu là 05 người.
Để có điều kiện hoạt động, giao UBND cấp xã, Ban dân chính thôn tạo điều kiện về địa điểm làm việc và các phương tiện làm việc cho Tổ KNCĐ hoạt động ổn định, lâu dài.
Chức năng, nhiệm vụ, nội dung nguyên tắc hoạt động của Tổ KNCĐ được qui định cụ thể sau:
* Về nhiệm vụ
- Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Thực hiện các nhiệm vụ về khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nông nghiệp.
- Hỗ trợ các hoạt động tư vấn, dịch vụ, liên kết sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,… phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, cộng đồng dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái.
* Các nội dung hoạt động chính:
- Hỗ trợ, tư vấn về khuyến nông và dịch vụ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, bao gồm:
+ Hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
+ Phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành của tỉnh, huyện, xã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp và công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
+ Phối hợp, hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật và vật tư nông, lâm, thủy sản: Giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y, cơ giới hóa nông nghiệp, sau thu hoạch, ….
+ Phối hợp, tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống.
+ Tham gia phát triển du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp sinh thái, bảo tồn các giá trị văn hóa nông thôn.
- - Hỗ trợ, tư vấn phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp: Phối hợp, hỗ trợ tư vấn, vận động nông dân tham gia vào HTX hoặc thành lập, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác: Hỗ trợ xây dựng Điều lệ và tổ chức hoạt động, Kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, quy trình tổ chức quản lý, liên kết, hợp tác, kết nối thị trường.
- Hỗ trợ, tư vấn hộ nông dân, HTX tham gia thị trường và liên kết chuỗi giá trị: Phối hợp, đề xuất, hướng dẫn, hỗ trợ trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản.
- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.
Đào tạo nghề cho nông dân trên đồng ruộng (FFS)
* Nguyên tắc hoạt động
Tổ KNCĐ Hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, tự nguyện, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi, phục vụ tích cực cho công tác khuyến nông tại cơ sở.
Hoạt động phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đảm bảo tôn chỉ, mục đích của tổ, lợi ích của các thành viên.
Liên kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương trong quá trình hoạt động.
Tạo hiệu ứng tốt trong hệ thống khuyến nông về cải cách cách thức hoạt động khuyến nông theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình hoạt động, linh hoạt thay đổi để thích ứng với yêu cầu mới.
Để Tổ KNCĐ được thành lập, đi vào hoạt động hiệu quá, trước mắt cần triển khai một số nội dung sau:
* Công tác Thông tin tuyên truyền
- Tổ chức họp tham vấn ý kiến về xây dựng Tổ KNCĐ, hướng dẫn thực hiện tại cơ sở.
- Tổ chức hội thảo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để Tổ hoạt động tốt hơn.
- Tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm cho tổ khuyến nông cộng đồng tại các địa phương có Tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả.
* Công tác Đào tạo, nâng cao năng lực cho Tổ KNCĐ
- Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho Tổ Khuyến nông cộng đồng.
- Tổ chức lớp đào tạo, tập huấn cho thành viên tổ khuyến nông cộng đồng về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành.
- Tổ chức lớp đào tạo, tập huấn cho thành viên tổ khuyến nông cộng đồng về kinh tế tập thể, hợp tác xã.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về thị trường, liên kết chuỗi giá trị.
Về Quản lý, Tổ KNCĐ chịu sự quản lý nhà nước của UBND xã; đồng thời chịu sự quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế và được sự hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan nông nghiệp, khuyến nông cấp trên.
Kinh phí cho hoạt động của Tổ KNCĐ được bố trí từ: Nguồn do ngân sách cấp theo các nhiệm vụ được giao; Nguồn từ các hoạt động liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân; Nguồn từ tham gia các chương trình, đề tài, dự án; Nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật….
Để Kế hoạch xây dựng Tổ KNCĐ được triển khai mang lại hiệu quả, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ thực hiện, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tiến độ, nội dung thực hiện nhằm tập trung triển khai Kế hoạch đã được ban hành thành công ./.

Hướng dẫn tham quan mô hình nuôi cá lồng bè trên sông