Trong hai ngày 04 và 05/6/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. với sự tham gia của hơn 200 đại biểu trực tiếp và trực tuyến; 30 chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và 04 tỉnh/thành lân cận Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum cùng các chuyên gia kiều bào, chuyên gia trong nước, đại diện các hội cựu chiến binh toàn tỉnh, các nhà đầu tư tiềm năng trong nước các nhà báo, đài truyền hình Trung ương và các tỉnh. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: Đây là lần đầu tiên Quảng Nam tổ chức hội thảo góp ý quy hoạch với quy mô lớn. Thông qua Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi, phân tích và đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn tới. Đồng thời phục vụ cho công tác lập quy hoạch tỉnh nói riêng, quy hoạch vùng nói chung. Đồng chí Lê Trí Thanh mong muốn, qua hội thảo sẽ tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, đại biểu; trong đó chỉ rõ những ưu điểm, nhược điểm, bổ sung, góp ý vào dự thảo báo cáo quy hoạch; đồng thời hiến kế, góp ý để tạo ra bước đột phá cho kế hoạch này, phấn đấu đến quý I/2023 Quy hoạch được thông qua.
Đồng chí Lê Trí Thanh - Phó Bí thư tỉnh ủy - Chủ tỉnh UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, Quảng Nam có vị trí chiến lược, là điểm giao cắt giữa các địa phương miền trung, Tây Nguyên, Lào và gần phía Đông Bắc Thái Lan. Vì vậy, vùng đất này là nơi hội tụ các hoạt động vận tải đường bộ, đường biển, rất thuận lợi cho giao lưu kinh tế, du lịch, buôn bán, thương mại, sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ giữa Quốc gia các vùng miền.
Tổng thu ngân sách ở Quảng Nam tăng nhanh qua các năm. Trong giai đoạn 2011-2020 tăng gấp 4 lần từ hơn 10.448 tỉ đồng năm 2011 lên đến 40.768 ti đồng năm 2020, trong đó thu thuế thu nhập doanh nghệp và thu thuế xuất nhập khẩu là những khoản thu quan trọng nhất.
Thu ngân sách đạt cao là điều kiện thuận lợi để Quảng nam tăng cường chi ngân sách cho đầu tư phát triển. Chi phí đầu tư phát triển tăng gấp 2 lần từ 3.350 tỉ đồng năm 2011 lên đến 7.321 tỉ đồng năm 2020. Tính đến năm 2020. Quy mô kinh tế Quảng Nam đạt gần 57,6 nghìn tỉ đồng. Hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh, TP lớn nhất Việt Nam dứng thứ 4 trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên Hải miền Trung.
Đại biểu tham gia Hội thảo
Theo Quy hoạch, đến năm 2050, Quảng Nam là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, mọi người dân thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả của xã hội Việt Nam, với các mục tiêu cụ thể sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 dự báo đạt 9,3%/năm, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 đạt bình quân 8,30%/năm và giai đoạn 2026 – 2030 đạt 10,25%/năm; tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 195,2 triệu đồng/người (tương đương 7.690 USD); chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Nông, lâm và thủy sản chiếm 9,9%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 36,2%; Dịch vụ chiếm 34,4%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 19,4%; Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40,0% vào năm 2030; nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 300 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 11,5 tỉ USD); tỷ lệ đầu tư trên GDP bình quân vào khoảng 33,5%/năm; tăng trưởng của các ngành kinh tế giai đoạn 2021 – 2030: ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng trưởng 3,5%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 12,6%/năm, dịch vụ tăng 6,6%/năm; tăng trưởng năng suất lao động tăng bình quân 8%/năm; thu ngân sách: Phấn đấu mức thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 45.000 tỷ đồng; đến năm 2030, thu ngân sách trên địa bàn đạt 75.000 tỷ đồng; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đạt 15,0%; trong đó, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng địa phương bình quân đạt 20,0%; Năm 2030, đón 18,0 triệu lượt khách du lịch, trong đó 10 triệu khách quốc tế và 8 triệu khách nội địa.
Quang cảnh cuộc Hội thảo tại đầu cầu UBND tỉnh Quảng Nam
Tại hội thảo đã thu hút nhiều tham luận, góp ý của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, các Bộ, ban, ngành và các nhà đầu tư, xoay quanh một số nội dung trọng tâm như: Thực trạng và định hướng phát triển; phương án phát triển các ngành kinh tế; phương án phát triển không gian, lãnh thổ và hạ tầng kỹ thuật; phương án phát triển lĩnh vực xã hội, tài nguyên và môi trường, nhiều ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia cho rằng Quảng Nam cần quy hoạch đồng bộ các giải pháp nhằm tập trung cho năng lượng sạch và môi trường xanh, đồng thời phân tích một số nội dung như: Đánh giá thực trạng phát triển, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù; xây dựng kịch bản, mục tiêu, xác định các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm; phương án phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại, nông, lâm, ngư nghiệp; phương án phát triển không gian; lãnh thổ, vùng liên huyện, trục kinh tế động lực, vùng khó khăn, hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn và nhà ở.
Phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, logistics, cấp điện, thông tin truyền thông và chuyển đổi số, cấp thoát nước, thủy lợi, xử lý chất thải rắn; phương án phát triển hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao, giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, hạ tầng an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó với biển đổi khí hậu, khai thác và sử dụng tài nguyên./.