Được biết, đây là những lớp tập huấn đầu tiên nằm trong kế hoạch tập huấn chung của Nhiệm vụ quĩ gen triển khai trong năm 2022, nội dung bao gồm Giải pháp bảo tồn và Kỹ thuật nuôi giống gà Tre và heo Cỏ Quảng Nam sẽ được thực hiện trong tháng 5/2022 tại 3 huyện: Tây Giang, Nam Giang và Nông Sơn.
Bà Bling Thị Hên (PCT UBND xã) phát biểu khai mạc lớp TH tại xã A Tiêng

Quang cảnh lớp tập huấn tại xã A Tiêng (huyện Tây Giang)
Như chúng ta đã biết, heo Cỏ và gà Tre là 2 giống vật nuôi bản địa có ý nghĩa rất lớn đối với chăn nuôi nông hộ ở Quảng Nam. Tuy có giá trị kinh tế hấp dẫn, nhưng do nhiều lý do khác nhau mà chất lượng giống ngày càng lai tạp, số lượng có khả năng giảm dần theo thời gian. Vì vậy việc đề ra các giải pháp bảo tồn và hướng dẫn người dân nuôi đạt hiệu quả là hết sức cấp thiết.
Giảng viên Trung tâm Khuyến nông tỉnh báo cáo các chuyên đề tại lớp tập huấn

Ông A Lăng Quyết (PCT UBND xã) phát biểu khai mạc tập huấn tại xã A Nông
Đối với con heo Cỏ, hiện cả tỉnh Quảng Nam chỉ có khoảng 15.000 đến 16.000 con thuần chủng, trong đó heo nái giống ước chừng 2.500 con. Bình quân mỗi năm, sản lượng thịt hơi heo Cỏ của Quảng Nam cung ứng ra thị trường gần 800 tấn. Với sản lượng này, chỉ mới đáp ứng chừng 60% nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Riêng với huyện Tây Giang, là một trong những địa phương được xem là có số lượng heo Cỏ lớn, tuy nhiên tính đến đầu năm 2021 vẫn không vượt con số 2.000 con.
Mô hình nuôi heo Cỏ tại xã A Nông (huyện Tây Giang)
Thông qua lớp tập huấn, cán bộ kỹ thuật đã khuyến cáo người nuôi áp dụng các biện pháp nhằm bảo tồn, phát triển giống heo quí này, đồng thời hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi hợp lý, hiệu quả như: Chọn giống tốt để nuôi, công tác quản lý giống để tránh giao phối cận huyết, lai tạp các giống heo năng suất cao khác; kỹ thuật làm chuồng theo phương thức nuôi bán chăn thả; khâu giải quyết thức ăn trên cơ sở tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương; kỹ thuật nuôi dưỡng chăm sóc các loại heo: nái sinh sản, heo đực, nuôi heo thịt; công tác vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh; hạch toán kinh tế chăn nuôi và định hướng thị trường tiêu thụ…
Người dân thu hoạch và dự trữ thức ăn tinh cho heo Cỏ khi vào mùa mưa lạnh
Tại các lớp tập huấn, người dân đã tham gia thảo luận sôi nỗi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phản ánh những khó khăn, tồn tại và bất cập để cùng nhau phân tích, tháo gỡ nhằm đề ra các giải pháp khắc phục đẩy mạnh phát chăn nuôi heo Cỏ địa phương trong thời gian đến./.