Cây giổi ăn hạt (Michelia tonkinensis) là cây gỗ lớn, thường xanh; có thể đạt chiều cao 25-30m, đường kính ngang ngực đạt 40-60cm. Thân thẳng, tròn đều, thớ mịn, không cong vênh lại rất thơm. Vỏ xám, nhẵn, nứt dọc, bong nhẹ. Thịt vỏ màu vàng nâu, mềm, dầy, có mùi thơm nhẹ. Lá đơn mọc cách, hình thuẩn, mặt dưới có lông màu hung, cuống lá dài. Mùa ra hoa tháng 4 - 5, quả chín tháng 10 - 11. Giá hạt dổi tươi trên thị trường hiện nay khoảng 650.000 - 750.000đ/kg, còn hạt khô thì phải 1,5 - 2 triệu đồng/kg.
I. Điều kiện gây trồng
Giổi thích hợp nơi có nhiệt độ từ 20 - 250C, độ cao từ 500m - 700m so với mực nước biển, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500 - 2.500mm, mọc tốt trên đất Feralit đỏ nâu, đỏ vàng, xám vàng, đất sâu, ẩm, thoát nước tốt, giàu mùn và còn tính chất đất rừng.
Thực bì nơi gây trồng: đất chưa có rừng là đất trống hoặc đất có thực bì là cỏ tranh, lau lách hoặc đất rừng sau khai thác.
II. Kỹ thuật tạo cây con
1. Nguồn gốc cây ghép:
Cành ghép được lấy từ những cây trội và vườn cây cung cấp cành ghép.
2. Tiêu chuẩn cây con:
Tuổi cây ghép 4 - 6 tháng; Chiều cao từ mặt bầu ≥ 40 cm, chiều dài cành ghép ≥ 20 cm. Cây sinh trưởng tốt, vết ghép liền sẹo, cây không cong queo, sâu bệnh. Cây đã được đảo bầu và giảm nước tưới trước khi trồng 15-30 ngày.

Hình 1: Vườn ươm tạo cây Giổi giống cung ứng cho phát triển trồng rừng gỗ lớn
III. Kỹ thuật trồng rừng
1. Xử lý thực bì:
Xử lý thực bì theo băng song song với đường đồng mức, trên băng chặt phát dọn toàn bộ thực bì, băm nhỏ, xếp sang hai bên băng chặt, thực bì được phát sạch sát gốc không cao quá 10cm (không chặt cây gỗ và cây tái sinh mục đích nếu có).
- Lưu ý về nhu cầu ánh sáng: giổi ở tuổi non cần được che 60% ánh sáng để cây sinh trưởng tốt, nhưng khi cây càng lớn, yêu cầu về ánh sáng càng cao. Đến tuổi 4-5 năm tuổi, cây không cần che bóng nữa. Nếu bị che bóng cây sẽ bị ành hưởng nhiều đến sinh trưởng của cây trồng.
2. Mật độ trồng:
Mật độ trồng: tùy theo điều kiện lập địa, phương thức trồng và mục đích kinh doanh để chọn mật độ trồng phù hợp;
- Mật độ trồng thuần loài: mật độ 1.111 cây/ha ( theo cự ly hàng - cây: 3 - 3m).
- Mật độ trồng hỗn loài: mật độ 1.111 cây/ha, trồng hỗn loài giữa giổi với một loài cây khác ( trồng 1 hàng giổi xen lẫn 1 hàng cây phù trợ).
3. Làm đất trồng rừng:
- Làm đất: nơi có điều kiện thuận lợi, độ dốc dưới 150 làm đất toàn diện theo băng trồng, có thể chọn cây phù trợ (cây lương thực, thực phẩm, cây lâm sản ngoài gỗ, cây ăn quả) để trồng xen nhằm cải tạo đất, hỗ trợ cây trồng chính sinh trưởng phát triển tốt. Nơi có độ dốc trên 150 làm đất cục bộ theo hố, đào hố kích thước 40 x 40 x 40 cm, hố được đào theo hình nanh sấu và theo đường đồng mức. Hố đào trước khi trồng ít nhất 1 tháng để phơi ải. Lớp đất mặt để riêng để trộn với phân bón lót và lấp hố.
- Bón lót: lượng bón cho 1 hố: 2 kg phân vi sinh + 0,5 kg phân NPK (16:16:8), trộn với lớp đất mặt cho xuống dưới hố, rồi cho lớp đất dưới lấp đầy hố theo hình mâm xôi, lấp hố trước khi trồng 10-15 ngày.
4. Kỹ thuật trồng:
Trồng bằng cây ghép có bầu làm bằng polyetylen đã được ươm ở vườn ươm. Dùng cuốc nhỏ hoặc bay đào một hố rộng và sâu hơn chiều dài của bầu 1-2 cm ở vị trí giữa hố đã lấp. Xé bỏ vỏ bầu và đặt cây con thẳng đứng vào giữa hố, tránh làm vỡ bầu. Lấp đất tơi xốp 2/3 hố, ém chặt xung quanh bầu và vun thêm đất vào gốc cây tạo thành hình mâm xôi, cao hơn mặt đất tự nhiên khoảng 2- 3 cm. Cố gắng điều chỉnh cho trục thân cây đứng thẳng. Tiến hành cuốc thục quanh gốc cây với đường kính 1m.
5. Thời vụ trồng: từ tháng 9 đến 15/12 hàng năm.
IV. Chăm sóc nuôi dưỡng rừng trồng
Chăm sóc rừng trồng là biện pháp lâm sinh thúc đẩy cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt hơn bằng các biện pháp phát cỏ, xới đất, bón phân và các hoạt động khác. Rừng trồng giổi ăn hạt được chăm sóc liên tục trong 4 năm, với số lần chăm sóc 2 - 2 - 1 - 1.
1. Chăm sóc năm thứ nhất: Chăm sóc 2 lần trước mùa sinh trưởng.
- Lần1: Phát dọn sạch dây leo, bụi rậm, tiến hành làm sạch cỏ, xới đất xung quanh gốc cây trồng sâu 10-15cm, vun đất đầy gốc cao 3-5cm, đường kính xung quanh gốc rộng 0,8-1m, đào hai rãnh sâu 20cm, dài 30cm đối diện nhau và cách gốc cây trồng 25 cm. Bón thúc mỗi gốc cây 100 - 200gam phân NPK, trộn đều phân với đất nhỏ, bỏ đều 2 rãnh rồi lấp đất đầy rãnh.
- Lần 2: Tiến hành tương tự lần một nhưng không bón phân.
2. Chăm sóc năm thứ 2: Chăm sóc 2 lần trước mùa sinh trưởng.
- Lần 1: Phát dọn sạch dây leo, bụi rậm, làm sạch cỏ, xới đất xung quanh gốc sâu 10-15cm, vun đất đắp đầy gốc cây. Đào hai rãnh sâu 20 cm, dài 30 cm đối diện nhau, lệch với hai rãnh đã đào lần trước và cách gốc cây 35 cm để bón thúc cho cây. Bón thúc mỗi gốc cây 200gam phân NPK trộn đều phân với đất nhỏ, bỏ đều cho 2 rãnh rồi lấp đất đầy rãnh.
Lần 2: Chăm sóc như lần một nhưng không bón phân, cần tránh xới xáo rãnh đã bón phân, phát sạch dây leo bụi rậm.
Hình 2: Giổi ăn hạt sau 5 năm trồng và chăm sóc tốt đã cho thu hoạch sản phẩm
3. Chăm sóc năm thứ 3 và năm thứ 4: Chăm sóc 1 lần/năm ( Thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12).
Phát sạch dây leo bụi rậm, chỉnh sửa cây trồng, làm cỏ, xới vun gốc, trợ lực cho những cây sinh trưởng chậm.
- Tỉa cành, tạo tán: Trồng giổi ăn hạt để có năng suất cao cần phải tạo được tán thấp và rộng.
+ Giai đoạn 1: Tiến hành trong 2-3 năm đầu, cây cao 1,5 m thì bấm ngọn, để cây ra nhiều nhánh chính, loại bỏ cành yếu và những chồi cành vượt để tạo ra cây thấp có tán rộng bề ngang.
+ Giai đoạn 2: Từ năm thứ 4 trở đi; sau thu hoạch, loại bỏ những cành tăm, cành tán thấp (mọc từ cành cấp 1 và cấp 2) tạo độ thông thoáng để hạn chế sâu bệnh. Thời gian tiến hành tỉa cành vào tháng 11-12 hàng năm.
V. Phòng trừ sâu bệnh
Đối với giổi ăn hạt thường hay xuất hiện bệnh đốm lá. Vết bệnh màu nâu đen, gây hại trên mặt lá, vết bệnh tập trung nhiều trên phiến lá. Bênh gây hại vào mùa mưa ẩm, thiếu ánh sáng. Khi cây bị bệnh tiến hành cắt bỏ những cành lá bị bệnh nặng, thu gom đốt, tránh lây nhiễm nguồn bệnh. Khi chớm bị bệnh bón NPK cân đối, không bón thừa đạm. Việc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây giổi phải kịp thời, đúng đối tượng và đúng thời điểm. Tăng cường áp dụng biện pháp sinh học trong phòng chống sâu bệnh hại.
Thường xuyên quản lý bảo vệ rừng trồng, phòng chống cháy, sâu bệnh, người và gia súc phá hoại rừng trồng./.