Sản lượng chuối toàn tỉnh ta hàng năm cũng khá, ngoài việc tiêu thụ nội địa, chuối còn được các thương lái thu mua vận chuyển đi tiêu thụ các tỉnh lân cận một lượng khá lớn. Tuy vậy, so với nhiều tỉnh khác thì năng suất trồng chuối tỉnh ta còn thấp.
Hình 1: Mô hình chuối sử dụng cây giống nuôi cấy mô tế bào tại xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức
Vì vậy, việc giúp bà con nông dân nắm được những kinh nghiệm trong kỹ thuật trồng chuối, nhằm nâng cao năng suất là hết sức cần thiết. Bài viết này tư vấn cho bà con nông dân nắm rõ đặc tính sinh vật học của cây chuối để vận dụng vào sản xuất:
I. Điều kiện sinh thái của cây chuối:
1. Nhu cầu về nhiệt độ: Chuối sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong phạm vi 25-350C. Khi nhiệt độ giảm đến 100C thì quả chuối nhỏ, phẩm chất kém, sinh trưởng chậm. Chuối sợ rét và sương muối, khi gặp sương muối kéo dài lá chuối sẽ xám lại và héo khô. Như vậy, ở tỉnh ta nhiệt độ bình quân hàng năm lớn hơn 240C, nên có lượng nhiệt rất tốt cho chuối phát triển.
2. Nhu cầu về nước: Hàm lượng nước trong các bộ phận cây chuối rất cao, trong thân già 92,4%, trong rễ 96%, trong lá 82,6% và trong quả 96%. Độ bốc hơi của lá rất lớn, dưới ánh nắng mặt trời, sức tiêu hao nước của chuối từ 40-50mg/dm2/phút. Với giống chuối tiêu lùn, cần từ 15-20 lít nước/ngày tuỳ theo trời râm hay trời nắng. Chú ý vào mùa đông ở tỉnh ta thường khô hanh, ít mưa nên cần có biện pháp tưới ẩm để cung cấp đủ nước cho chuối.
3. Nhu cầu về ánh sáng: Chuối có khả năng thích ứng trong phạm vi cường độ ánh sáng tương đối rộng, số giờ nắng trong ngày cao cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt.
Hình 2: Mô hình chuối sử dụng cây giống tách chồi từ cây mẹ tại Thị trấn Khâm Đúc, huyện Phước Sơn
II. Chọn giống cây trồng theo phương thức nhân giống:
1. Nuôi cấy mô - tế bào: Nuôi cấy mô tế bào thực vật (hay công nghệ invitro) là công nghệ nuôi cấy mô, tế bào và các cơ quan hoàn toàn sạch các vi sinh vật trên môi trường dinh dưỡng nhân tạo trong điều kiện vô trùng. Với công nghệ này sẽ tạo ra những giống cây trồng được trẻ hóa, khỏe, sạch bệnh, đặc biệt là bệnh về virus. Giống cây được tạo ra với số lượng lớn, có độ đồng đều cao và giữ nguyên vẹn đặc tính sinh học, đặc tính kinh tế của cây bố mẹ, đáp ứng nhanh nhu cầu sản xuất với quy mô lớn. Trong đó, cây chuối nuôi cấy mô là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, có chu kỳ sinh trưởng ngắn, mức đầu tư không cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương, sản phẩm của chuối ngoài quả ăn tươi tiêu thụ nội địa, xuất khẩu còn được chế biến thành chuối khô, đang là sản phẩm OCOP của một số địa phương.
2. Tách chồi con: Nhiều địa phương thường dùng loại chồi con để trồng. Chồi con được hình thành từ những mầm ngủ mọc trên thân ngầm của chuối, thường có 2 loại chồi con: Chồi con đuôi chiên và chồi con lá rộng. Theo nhiều kinh nghiệm, loại chồi con đuôi chiên được sử dụng trồng tốt nhất. Nó được sinh ra khoảng tháng 4 đến tháng 6. Trong điều kiện đầy đủ ánh sáng, nhiệt độ thích hợp, loại chồi non này sinh ra rất nhanh, tốc độ sinh trưởng rất mạnh. Chồi này rất sung sức, khi trồng mau bén rễ, tốc độ hồi sinh nhanh, sinh trưởng mạnh và mau ra buồng, sản lượng cao.
III. Yêu cầu về loại đất trồng chuối:
Chuối là loại cây dễ trồng, yêu cầu về chọn đất trồng không quá nghiêm khắc. Tốt nhất đối với chuối là đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất phù sa (tốt hơn cả), đất thoáng có cấu tượng tốt và độ xốp cao. Về hóa tính đất, chuối rất cần các chất khoáng trong đất như N, P, K, Ca, Mg, trong đó hai yếu tố chính là N và K.
Chuối sinh trưởng, phát triển bình thường trong đất có độ pH từ 4,5-8, tốt nhất trong khoảng 6-7,5. Trường hợp đất quá chua hoặc quá kiềm có thể gây ra hiện tượng thiếu vi lượng trong đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của chuối.
1. Mật độ trồng chuối thích hợp:
Mật độ trồng dày hay thưa phụ thuộc vào giống chuối: Đối với giống càng thấp cây, tán lá hẹp (Chuối lùn, chuối Tiêu Hồng, chuối tiêu…): mật độ 2.000 cây/ha; nhóm giống có dạng thân cao lớn (Chuối nai/mốc, chuối sứ…): mật độ 1.650 cây/ha;
Tuy nhiên, khi trồng mật độ dày cần phải chú ý: Chọn cây con thật đồng đều nhằm tránh hiện tượng lấn át, tranh giành dinh dưỡng và ánh sáng giữa các cây; chú ý bón phân đúng mức và phòng tránh kịp thời bệnh đốm lá cho cây; trồng dày hợp lý có tác dụng tốt cho vườn chuối, vườn sớm được che bóng, ít cỏ dại, tạo điều kiện nóng ẩm phù hợp với cây chuối và tốt hơn cả là tăng năng suất chuối;
2. Mùa vụ trồng chuối phù hợp:
Chuối có thể trồng quanh năm đều sống được, vì vậy về mặt thời vụ không yêu cầu nghiêm ngặt lắm. Tuy nhiên, nếu để đạt đến năng suất cao và phẩm chất chuối tốt, bà con cũng cần chú ý đến thời vụ. “Giêng trúc lục tiêu” tức là kinh nghiệm về mùa vụ trồng tre và chuối hợp lý, tức tháng giêng (ÂL) trồng tre, tháng sáu (ÂL) trồng chuối. Đối với các giống chuối nai, chuối mốc, chuối sứ,… có thể trồng được vụ xuân (tháng 2-3 ÂL), nhưng với chuối tiêu thì phải trồng vụ thu (tháng 6-7 ÂL) và cây sẽ ra hoa vào tháng 6-8 năm sau, đến tháng 9-11 thu hoạch, lúc này năng suất, phẩm chất chuối tiêu rất tốt.
Hình 3: Thu hoạch chuối bán cho thương lái tới mua tại vườn
3. Bón phân, tưới nước cho chuối:
Đạm (N), Lân (P), Kali (K) đều rất cần thiết bón cho chuối. (N) ảnh hưởng đến năng suất chuối, (K) liên quan đến sự phát triển chiều cao và (P) có tác dụng tạo phẩm chất quả tốt, chống sâu bệnh. Lượng bón phân tùy thuộc vào sản lượng thu hoạch. Theo kinh nghiệm thực tế của các nhà vườn trồng chuối cho thấy liều lượng N, P, K thích hợp bón cho 1 cây chuối tiêu trong 1 năm ở đất phù sa ven sông là: 100-200g Đạm nguyên chất; 20-40g Lân nguyên chất và 250-300g Kali. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất trồng chuối nhất thiết phải đạt 3-4% là tốt, nếu thấp hơn phải bón phân hữu cơ. Đối với chuối thường bón 30-50kg phân chuồng ủ hoai mục cho một gốc một năm. Có thể phủ cỏ, rơm rạ, lá cây khô,…một lớp dày 20-30cm quanh gốc chuối để dần thành mùn và giữ ẩm cho đất cũng rất tốt./.