Vườn cây ăn quả đã được tỉa cành, tạo tán sau thu hoạch
Hiện nay, cây ăn quả có múi so với các loại cây trồng khác thì có giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên để có được giá trị như vậy điều quan trọng là nông sản phải có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sạch. Để cho vườn cây ăn quả có múi không bị giảm năng suất và không bị suy yếu. Thông thường sau mỗi mùa thu hoạch chúng ta phải chăm sóc để cây phục hồi trở lại. Để đảm bảo thu hoạch cân đối với phát triển bền vững chúng tôi xin giới thiệu tới bà con kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả có múi sau thu hoạch với các bước như sau:
1. Tỉa cành, tạo tán cây ăn quả sau thu hoạch
Biện pháp tỉa cành tạo tán sau thu hoạch là một giải pháp kỹ thuật không thể thiếu nếu muốn có năng suất và sản lượng cho vụ sau.
Sau khi thu hoạch, cần cắt bỏ triệt để những cành bị sâu bệnh, cành không mang trái, cành vượt và những cành có cuống quả mới thu hoạch.
Sau đợt lộc ổn định cũng phải cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, không có lá, cành nhỏ, cành vượt.
Lưu ý: Trước khi tỉa cành, tạo tán cần khử trùng dụng cụ bằng dung dịch Javel, nên cắt sát. Sau khi cắt tỉa bà con nên sử dụng Nano đồng để phun sát khuẩn nấm bệnh, rong rêu mảng bám trên thân, cành, lá.
2. Bón phân
Để đảm bảo dinh dưỡng nuôi quả, tất cả các cơ quan, bộ phận của cây trồng đều phải hoạt động mạnh, sản xuất, tích lũy dinh dưỡng vào thân và các cơ quan dự trữ. Suốt quá trình quả lớn, các loại enzim đã khai thác triệt để nguồn dinh dưỡng dự trữ trong các bộ phận của cây. Khi quả chín, đến thời kỳ thu hoạch quả, cây trồng xác xơ, cạn kiệt dinh dưỡng. Đặc biệt, bộ rễ bị suy kiệt và tổn hại nhiều nhất. Do vậy, sau mỗi vụ thu hoạch, cây trồng và đặc biệt bộ rễ, nếu không nhanh được hồi phục sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp dinh dưỡng nuôi hoa quả vụ tới, dẫn tới hiện tượng quả non sẽ bị rụng rất nhiều.
- Lượng bón: Phân chuồng (đã ủ hoai mục) từ 20-30 kg/cây (hoặc phân hữu cơ vi sinh có hàm lượng hữu cơ 20% với lượng 3-4 kg/cây), vôi bột 1,0-1,2 kg/cây, phân NPK tổng hợp có hàm lượng đạm và lân cao như các loại phân NPK(13-13-13), NPK (15-15-15), NPK(16-16-8) với lượng bón từ 0,5-0,6 kg/cây. Lượng bón cụ thể tùy thuộc vào độ màu mỡ của đất và tuổi của cây. Bà con đọc kỹ hướng dẫn kỹ thuật bón ghi trên bao bì của đơn vị sản xuất.
- Cách bón: Cuốc rãnh sâu 20-25cm và rộng 20-30cm ở phía ngoài mép tán theo hình chiếu của tán cây nhằm giúp làm đứt các rễ già, rễ tơ cũ của cây, khi bón phân sẽ kích thích cây ra rễ tơ mới. Sau khi cuốc rãnh, phơi rãnh khoảng 5-10 ngày rồi mới tiến hành bón phân, đổ toàn bộ phân hữu cơ, vôi bột, phân NPK đã được trộn đều xuống rãnh sau đó lấp đất.
Sử dụng tàn dư thực vật, rơm rạ để tủ gốc, tưới nước và thoát nước tốt để giữ đủ độ ẩm cho cây.
3. Tưới nước
Loại cây có múi rất cần nước, bà con phải đảm bảo nguồn nước sạch, không có mầm bệnh.
Vườn cây ăn quả có múi cần tưới nước đầy đủ nhất là giai đoạn cây con và lúc cây ra hoa đậu trái. Mùa nắng nên tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Vào mùa mưa cần có chế độ thoát nước tốt, tránh ngập úng kéo dài.
4. Phòng trừ sâu bệnh cho vườn cây sau thu hoạch
Nếu muốn cây sinh trưởng khỏe mạnh thì việc phòng trừ sâu bệnh là việc cần thiết và cấp bách. Bà con cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện những dấu hiệu sâu bệnh hại ngay thời gian đầu để có hướng giải quyết kịp thời./.