Trao đổi tại buổi làm việc, TS. Lương Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật tư cho các hộ trồng thí điểm cây Măng cụt, tổng diện tích được trồng thí điểm ở 2 huyện là 11ha. Khi tham gia thực hiện mô hình trồng thí điểm bà con sẽ được hỗ trợ giống, vật tư và cán bộ kỹ thuật có chuyên môn, kinh nghiệm của Trung tâm khuyến nông tỉnh sẽ theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật trong 3 năm đầu trồng. Với tâm tư, nguyện vọng “Làm vì lợi ích của dân” TS. Lương Thị Thủy rất mong nhận được sự phối hợp của các cấp lãnh đạo, ban ngành liên quan của huyện để chọn được hộ thật sự tâm huyết và mong muốn trồng thí điểm cây Măng cụt giúp mô hình đạt hiệu quả cao.
Đại diện lãnh đạo huyện Nông Sơn, ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện đã thống nhất với chủ trương, chính sách của mô hình, sau buổi làm việc sẽ chỉ đạo các phòng ban triển khai rà soát, lựa chọn các hộ đảm bảo yêu cầu về nhân lực, vật lực và thật sự mong muốn trồng thí điểm loại cây trồng mới để đảm bảo hiệu quả của mô hình.
Về phía UBND huyện Hiệp Đức, ông Trần Thọ - Chánh Văn phòng HĐND&UBND cũng thống nhất với ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam và rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước về phát triển kinh tế vườn đối với bà con nhân dân huyện nhà.
Măng cụt là loại cây có nhiều ưu điểm, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, hạn hán, gió bão, chu kỳ kinh doanh dài trên 100 năm và cho năng suất cao, là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng của các huyện Trung du tỉnh Quảng Nam. Mô hình thí điểm đạt hiệu quả cao sẽ mở ra một hướng mới trong việc phát triển giống cây trồng tại các huyện trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho bà con nông dân./.
Măng cụt là loài cây ăn quả cho thu nhập rất cao đối với các chủ vườn ở
huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam